Người trẻ 'bóp bụng' chi tiêu trong bão giá

Google News

Cắt giảm tiền cafe, ăn uống hàng quán, hạn chế du lịch, làm đẹp... là cách người trẻ xoay xở trong bão giá.

Hằng Nga (SN 1998, ở Hà Nội) vừa là nhân viên văn phòng vừa theo học lớp Thạc sĩ ĐH Luật Hà Nội. Do việc đi học, đi làm bận rộn nên Nga thuê nhà gần công ty. Trước đây, mỗi tháng cô chỉ mất khoảng 200 nghìn tiền xăng. Nhưng từ khi xăng tăng giá, chi phí xăng xe của cô đã lên tới 380-450 nghìn/tháng.
Cùng với đó, nhiều mặt hàng cũng tăng giá trong khi mức lương hàng tháng không thay đổi, Nga phải sắp xếp lại thói quen chi tiêu của mình.
“Thời gian vừa rồi, tôi đã giảm bớt việc đi ăn ngoài hàng, mua thực phẩm nấu ăn nhiều hơn để tiết kiệm chi phí. Tôi cũng cắt bớt khoản gội đầu ngoài quán và tự gội đầu ở nhà”.
Hằng Nga cho biết, trung bình mỗi bữa ăn ngoài sẽ tốn 50-80 nghìn đồng, mỗi lần gội đầu ngoài quán sẽ mất 50 nghìn đồng.
Tính toán là vậy nhưng mỗi tháng Nga đều tiêu tốn khoảng 11-12 triệu đồng cho các khoản chi tiêu. Nguồn thu nhập của cô chủ yếu từ công việc nhân viên văn phòng, cộng thêm thu nhập từ việc bán hàng online.
Nguoi tre 'bop bung' chi tieu trong bao gia
Hằng Nga cắt giảm chi tiêu bằng cách tích cực mua thực phẩm nấu ăn tại nhà hơn. Ảnh: NVCC 
Hà Thương (SN 1996, ở Hà Tĩnh) thì có mức chi tiêu tiết kiệm hơn vì cô đang sống cùng bố mẹ, không mất tiền ăn uống, lại ở quê nên giá cả “mềm mại” hơn. Thương cũng không tốn tiền cho việc học như Nga. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Thương cũng tự “thắt lưng buộc bụng” để khoản tiết kiệm hàng tháng không bị sụt giảm.
“Trước khi mua một món đồ nào đó, tôi đều tự hỏi lại đó là ‘đồ cần’ hay ‘đồ muốn’”.
“Quãng đường từ nhà đến công ty tôi khoảng 10km. Do giá xăng tăng nên dạo này tôi ít đi chơi xa, đi đâu cũng lựa chọn những đoạn đường gần nhất với điểm đến. Khác với trước đây, tôi thích khám phá nên chọn đi đường dài có nhiều cảnh đẹp”.
Thương cũng có một thói quen là uống nhiều nước ép hoa quả mỗi ngày. “Có những loại hoa quả mà Hà Tĩnh không có, phải vận chuyển đường dài. Xăng tăng, phí vận chuyển tăng nên giá hoa quả cũng cao hơn. Vì thế, tôi phải hạn chế hơn. Trước đây, tôi ép 1 lít nước hoa quả mỗi ngày thì bây giờ giảm xuống còn 500ml”.
“Tôi cũng bán quần áo, giày dép online để kiếm thêm thu nhập. Việc xăng tăng giá khiến phí vận chuyển hàng tăng lên nên lợi nhuận thu về cũng bị giảm đi chút ít”.
Nguoi tre 'bop bung' chi tieu trong bao gia-Hinh-2
Hè này, thay vì đi du lịch xa, Hà Thương chọn những địa điểm gần nhà. Ảnh: NVCC
Cô gái quê Hà Tĩnh chia sẻ, để tiết kiệm, hè này cô không lựa chọn đi du lịch xa mà chỉ đi dã ngoại ở các địa điểm gần nhà như biển Thiên Cầm, biển Thạch Hải, Hồ Kẻ Gỗ…
Từng học đại học và đi làm ở Hà Nội một thời gian sau khi ra trường, Thương cho biết, so với mức chi tiêu ở quê thì một người trẻ ở Hà Nội sẽ khá chật vật để xoay xở các khoản chi tiêu. Khi chọn về quê, cô thấy cuộc sống ổn định và “dễ thở” hơn.
Về công việc, cô vẫn được làm công việc cũ, thu nhập vẫn bằng, thậm chí có tháng cao hơn ở Hà Nội. Khi về quê, tạm thời ở cùng bố mẹ nên cô không phải đi thuê nhà. Nhà ở quê cũng rộng rãi hơn nên Thương có không gian để phát triển nghề tay trái là bán hàng online.
Nguoi tre 'bop bung' chi tieu trong bao gia-Hinh-3
Thanh Nga hạn chế về quê hơn trước đây để tiết kiệm tiền xăng xe. Ảnh: NVCC
Cũng là một người trẻ hiện sống và làm việc ở Hà Nội, Thanh Nga (SN 1999) phải tính toán khá kỹ để có một khoản tiết kiệm nho nhỏ với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Do gia đình ở ngoại thành Hà Nội - cách chỗ trọ khoảng 25-30km nên trước đây cô về thăm nhà khá thường xuyên - khoảng 2-3 tuần/lần. Nhưng bây giờ, để tiết kiệm chi phí đi lại, cô về quê ít hơn hoặc sẽ chuyển sang đi xe buýt thay vì đi xe máy hoặc bắt taxi.
“Trung bình mỗi tháng tôi tiêu mất khoảng 7 triệu, trong đó tiền thuê nhà đã mất 3 triệu, còn lại dành cho ăn uống, tiền quần áo, mỹ phẩm, đi chơi với bạn bè…”.
Nếu như việc giá cả tăng lên khiến các gia đình khó khăn một phần thì với người trẻ, khó khăn nhân đôi. Bởi vì thu nhập của nhiều người trẻ chỉ dưới 10 triệu đồng/tháng. Hầu hết người trẻ, nếu không có gia đình ở Hà Nội, vẫn phải đi thuê nhà. Để sống được ở một thành phố lớn như Hà Nội và có tích luỹ là tương đối chật vật.
Hè này, trong cái nóng như đổ lửa của Hà Nội, Thanh Nga không dám bật điều hoà thoải mái vì sợ tốn tiền điện. Để tiết kiệm, cô chỉ bật vào khoảng 10h trước khi đi ngủ và hẹn giờ tắt lúc 2-3h sáng.
Cô chia sẻ, nhiều khi buổi tối cô và bạn chạy vào trung tâm thương mại vừa để “window shopping” (ngắm đồ) vừa để xua tan cái nóng mùa hè. "Mỗi khoản phải cắt giảm đi một chút để có số dư đề phòng những lúc cần, chứ thực ra tiết kiệm 2-3 triệu/tháng thì cũng không biết bao giờ mới thực hiện được những kế hoạch lớn hơn" - Thanh Nga tâm sự.
Theo Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)