Câu chuyện học sinh giỏi lén lút "quan hệ", cha mẹ vẫn tưởng con ngoan mà TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ một lần nữa xới lại vấn đề giáo dục giới tính trong trường học.
Học về giới tính bằng 'tài liệu ngoài luồng'
"Chúng em hầu như không được học bài giảng về giới tính đúng nghĩa. Chương cuối môn Sinh học năm lớp 8 có phần về bộ phận sinh dục nhưng các bạn toàn cười đùa, còn cô giáo cũng ngại nên chẳng nói nhiều. Đến khi xem phim trên mạng, em mới hình dung rõ thế nào là quan hệ tình dục", Nguyễn Văn Trường, học sinh một trường THPT ở Hà Nội, chia sẻ.
Câu chuyện tò mò tìm hiểu giới tính qua kênh "ngoài luồng" không chỉ xảy ra với Trường. Là chủ tịch Hội đồng Trẻ em TP.HCM, Mai Hải Yến, lớp 9 trường THCS Đoàn Kết, TP.HCM, có điều kiện trao đổi với học sinh về nhiều vấn đề học đường, trong đó có giáo dục giới tính ở lứa tuổi thiếu niên.
Hải Yến xác nhận tình trạng học sinh quan hệ tình dục sớm, nhưng vì vấn đề nhạy cảm nên ít bạn chủ động bày tỏ với gia đình, người thân.
|
Là chủ tịch Hội đồng Trẻ em TP.HCM, Mai Hải Yến (giữa) tiếp xúc với nhiều bạn bè và cho biết giáo dục giới tính trong học đường vẫn là vấn đề bị né tránh. Ảnh: N.T. |
"Em cũng tìm hiểu một số bạn, đa phần vì tò mò nên thường vào trang web có nội dung xấu xem. Từ đó, một số bạn quan hệ tình dục sớm và không biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân", Hải Yến nói.
Nữ sinh này cho rằng hiện nay, nhiều người lớn không chia sẻ, trao đổi, chỉ biết phán xét hành vi quan hệ tình dục sớm của thanh thiếu niên. Không ít phụ huynh vội vã kết luận con em mình "hư hỏng" khi quan hệ tình dục, rồi chửi bới, đánh đập. Họ quên rằng việc trò chuyện hàng ngày, cung cấp kiến thức phổ thông để phòng tránh rất quan trọng.
"Em nghĩ học sinh tò mò về giới tính là hết sức bình thường. Dĩ nhiên, các bạn chưa suy nghĩ thấu đáo, quan hệ sớm là điều không nên. Nhưng cá nhân em không dựa vào việc đó mà đánh giá bạn đó là hư hay ngoan. Em nghĩ thay vì mắng mỏ và phán xét, gia đình phải quan tâm đến tâm lý con em mình. Nhà trường cũng nên có nhiều buổi học về giới tính, định hướng cho học sinh suy nghĩ tích cực, đúng đắn", Hải Yến nêu quan điểm.
Trong năm đầu tiên hoạt động, hội đồng trẻ em do Yến phụ trách ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn từ phía học sinh. Có bạn từng nói về xâm phạm thân thể trẻ em, mong muốn có nhiều hơn những buổi dạy thiếu nhi về giáo dục giới tính và cách tự vệ, phòng chống xâm hại.
Một học sinh cho biết trước khi bắt đầu tiết học về các bộ phận sinh dục trên cơ thể người, cả lớp giở sách giáo khoa ra và đùa giỡn không ngớt. Nhiều bạn không thích hình minh họa bằng tranh màu trong sách vì không đẹp bằng... hình thật. Một số nữ sinh tỏ vẻ ngây thơ không hiểu gì thì nhận được câu nói "tối về gửi link cho mà xem".
Chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta cho học sinh tiếp cận giáo dục giới tính trong bài giới thiệu về cơ thể người (SGK Sinh học lớp 8 - chương trình mới). Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng học sinh tò mò về tình dục từ lớp 5-6 khá phổ biến. Nội dung giáo dục giới tính trong chương trình học bị đánh giá lỗi thời và quá mỏng.
Chủ đề giáo dục giới tính vẫn bị liệt vào loại "tế nhị". Việc né tránh đề cập chủ đề này thường diễn ra ở cả phụ huynh lẫn học sinh.
"Mẹ phát hiện em được bạn trai tặng hoa và đưa về nhà. Em chưa kịp giải thích, mẹ đã mắng té tát. Mẹ bảo em lo học hành đi và dọa sẽ cấm em dùng Internet", Thu Trang, nữ sinh lớp 9 ở TP. HCM, kể lại.
Chị Mai Anh có con trai đang học lớp 8 tại Hà Nội, cho biết bản thân rất bối rối khi lần đầu phát hiện con xem phim sex và thủ dâm.
"Chồng mình khi biết chuyện đã đánh mắng con khiến hàng xóm cũng nghe thấy. Cậu bé mấy ngày sau chỉ nhốt mình trong phòng".
Theo chị Nguyễn Ngọc Yến, thành viên của hội phụ huynh trường một trường tư thục ở Hà Nội, cha mẹ nên chọn lúc con có vẻ thoải mái để tâm sự trước chuyện của mình ngày xưa bằng tuổi con có người yêu thế nào, cảm giác ra sao (tất nhiên phải cố gắng nói theo chiều hướng tình cảm của con). Con có vẻ muốn nghe thì lúc đó bắt đầu mới vào chủ đề chính.
Bao giờ cởi mở như... Tây?
Việc né tránh chủ đề về giới tính suốt những năm học phổ thông đã góp phần hình thành "ẩn ức" trong mỗi người trẻ. Nhiều người tìm cách giải tỏa sự tò mò một cách bản năng mà không dựa trên các hiểu biết về giáo dục giới tính.
Phan Hồng Trang, phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Boston, Mỹ, cho hay sang phương Tây học tập khiến học sinh Việt Nam có cảm giác được "cởi trói" khỏi những ẩn ức và nghi ngại về những chủ đề giới tính, tình dục. Ở Mỹ, bạn trẻ bàn luận về chuyện giới tính cởi mở. Sinh viên học được cách kiểm soát an toàn cho bản thân và chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Nhiều người cho rằng việc học sinh cấp 3 ở Mỹ quan hệ tình dục là chuyện bình thường và mọi người không coi việc đó là hư hỏng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh ở Mỹ vẫn quan tâm sát sao đến chuyện yêu đương của con cái khi học cấp 3.
Theo Ngân Trương, nữ sinh trường Trung học Woodward, Mỹ, chủ đề quan hệ tình dục rất bình thường đối với học sinh trường bạn theo học. Đa phần học sinh bàn về việc này trong các lớp Sức khoẻ và Tinh thần, lớp Ngữ văn và lớp Triết học.
Sức khỏe và Tinh thần là lớp giúp học sinh thư giãn, nói chuyện về nhiều chủ đề như tình dục học đường, sự căng thẳng trong việc học, thực đơn dinh dưỡng, cách tập trung hơn trong việc học.
"Phần lớn giáo viên đều trao đổi với chúng em thẳng thắn và chi tiết. Học sinh bàn luận rất thoải mái và tự tin. Giáo viên còn phân tích chi tiết về quan hệ tình dục", Ngân chia sẻ.
Hà My, du học sinh trường trung học Pope John XXIII, cho rằng nữ sinh từng trải nghiệm khóa học về quan hệ tình dục ở Việt Nam nhưng chỉ mang tính hình thức.
Trường của em ở Mỹ là trường đạo (Catholic), nên giáo viên thường không khuyến khích quan hệ tình dục trước hôn nhân. Tuy nhiên, việc đề cập sex trong lớp, ở bài giảng là hết sức bình thường. Những suy nghĩ của học sinh về giới tính được thảo luận thoải mái. Môi trường thoải mái như vậy nên học sinh dễ chịu hơn khi tìm hiểu các vấn đề về giới tính.