Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng của những áp lực cuộc sống đã khiến con người ngày càng chủ động chăm sóc sức khỏe, mong muốn giải tỏa căng thẳng tinh thần... Từ đó, xu hướng du lịch “chữa lành” ra đời với sự kết hợp độc đáo giữa hoạt động trải nghiệm và nâng cao sức khỏe thân - tâm - trí dựa trên nền tảng lấy thiên nhiên làm gốc.
Du lịch chữa lành hay còn gọi là du lịch chăm sóc sức khỏe được định nghĩa là “Một hiện tượng nhằm nâng cao sức khỏe cá nhân cho khách du lịch đến các điểm đến cung cấp các dịch vụ và trải nghiệm để trẻ hóa cơ thể, tâm trí và tinh thần”. Như vậy, khi đến với những chuyến đi chữa lành, du khách không chỉ mong muốn được thụ hưởng sự nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng mà còn có nhu cầu khám phá thiên nhiên, rèn luyện sức khoẻ và tìm hiểu về văn hoá bản địa đặc sắc như một cách thức để tăng cường cảm nhận về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.
Cô Tô có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình du lịch chữa lành
Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Cô Tô có diện tích tự nhiên rộng lớn với nhiều hòn đảo nhỏ lớn nhỏ nằm rải rác xung quanh đảo chính, tạo thành quần thể thiên nhiên nguyên sơ, ít chịu sự tác động của con người, dễ dàng cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khám phá. Địa hình trên đảo Cô Tô lớn, đảo Thanh Lân và Cô Tô con rất đa dạng, bao gồm đồi núi thấp và các cánh đồng hẹp, ven đảo có các bãi cát dài mịn màng, bãi đá kì thú và vịnh nhỏ thơ mộng… tạo nên cảnh quan đa dạng, có tiềm năng lớn để phát triển nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn như thể thao dưới nước, nghỉ dưỡng biển, trekking xuyên đảo/xuyên rừng, chạy bộ điền dã, đạp xe du khảo đồng quê hay tập yoga, thiền trên các bãi biển ngắm cảnh bình minh/hoàng hôn lãng mạn…
Thiên nhiên tươi đẹp, trù phú ở Cô Tô rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch chữa lành (nguồn ảnh: Linh Nguyễn)
Cô Tô luôn có chỉ số không khí tốt nhất miền Bắc (huyện đảo không có bất cứ nhà máy hay khu công nghiệp nào). Đồng thời, nơi đây sở hữu hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Vùng biển Cô Tô được coi là vùng đa dạng sinh học hàng đầu ở Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung; thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch khám phá thiên nhiên, lặn biển ngắm san hô, khám phá thế giới đại dương kỳ thú… Ngoài ra, Cô Tô còn là một ngư trường lớn với trữ lượng thuỷ hải sản dồi dào; trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: cá song, cá chim, tu hài, ghẹ, hải sâm, bào ngư, cầu gai… Đây là nguồn cung thực phẩm phong phú, tươi ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, thuận lợi cho việc tổ chức các bữa ăn lành mạnh, bổ dưỡng, có lợi cho sức khoẻ, đặc biệt thích hợp với những người ăn theo chế độ, ăn kiêng thịt…
Bên cạnh các yếu tố về thiên nhiên, con người Cô Tô với lòng hiếu khách, sự hồn hậu, nhiệt tình và lối sống giản dị, hài hoà cùng tự nhiên rừng - biển cũng là một “điểm cộng” để phát triển du lịch chữa lành - loại hình du lịch được xem là có sự gắn kết mật thiết với văn hoá địa phương và cộng đồng dân cư, nhằm tăng cường tính kết nối giữa con người với tự nhiên, con người với con người. Chùa Trúc Lâm Cô Tô - điểm đến tâm linh thiêng liêng nơi phên giậu Tổ quốc là cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng đặc sắc, nơi du khách có thể tìm về với sự bình yên trong bản ngã.
Vùng biển Cô Tô được coi là một trong những vùng đa dạng sinh học hàng đầu ở Việt Nam. (nguồn ảnh: Coto Adventure)
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng ở Cô Tô đang được đầu tư khá đồng bộ về mạng lưới giao thông, đảm bảo nguồn cung điện, nước và lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt, Đề án “Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa” được chính quyền địa phương và người dân quyết tâm thực hiện đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực cho môi trường tại huyện đảo, mang tính giáo dục cao về bảo vệ môi trường, giữ gìn hành tinh xanh, vì một tương lai phát triển bền vững. Đề án độc đáo này cũng góp phần kiến tạo hình ảnh, tăng sức hấp dẫn và gây ấn tượng tốt với du khách về một hòn đảo xinh đẹp, trong lành, nguyên sơ phía Đông Bắc Tổ quốc.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, huyện Cô Tô đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Trong đó phải kể tới sự hình thành và phát triển nhanh chóng của hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận chuyển hành khách… đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng từ bình dân tới tầm trung. Trong tương lai, với tầm nhìn dài hạn của hệ thống chính quyền và sự năng động, nhạy bén của của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Cô Tô hứa hẹn sẽ có sự bứt phá mới, trở thành “Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển, đảo cấp quốc gia” và là một trong những trọng điểm du lịch nghỉ dưỡng biển phía Bắc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Với tất cả những tiềm năng, lợi thế trên, Cô Tô có đầy đủ những tiền đề, thế mạnh để phát triển du lịch chữa lành - loại hình du lịch đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới.
Giải pháp mới nhằm khắc phục tính mùa vụ cao trong du lịch biển
Du lịch chữa lành đặc biệt phù hợp vào mùa thu đông do yêu cầu cao về sự riêng tư, yên tĩnh. Do vậy, việc phát triển sản phẩm này sẽ giúp thu hút du khách vào mùa thấp điểm, góp phần giải quyết tính mùa vụ cao của du lịch biển Cô Tô. Đồng thời, du lịch chữa lành hướng tới các đối tượng khách có thu nhập cao, du khách quốc tế giúp tăng nguồn thu từ du lịch, giải quyết việc làm cho lao động; phù hợp với định hướng phát triển bền vững gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.
Bãi đá Móng Rồng là điểm ngắm bình minh yêu thích của du khách (nguồn ảnh: Linh Nguyễn)
Bà Hoàng Thị Hồng Anh (du khách Hà Nội) chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi quay trở lại Cô Tô vào mùa thu đông. Lúc này hòn đảo rất yên tĩnh, vắng vẻ giúp gia đình tôi cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn. Nếu dịch vụ được nâng cấp thêm như có hướng dẫn viên yoga hay các hoạt động tăng cường thể chất, chắc chắn Cô Tô sẽ trở nên hấp dẫn và thu hút được nhiều du khách vào mùa thu đông”.
Tuy nhiên để du lịch chữa lành thực sự trở thành một sản phẩm hấp dẫn, có khả năng thu hút phân khúc khách cao cấp, Cô Tô cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như: đưa du lịch chữa lành trở thành một trong những mô hình chủ lực ở địa phương với các tour chuyên đề; nhân rộng các mô hình lưu trú kết hợp với hoạt động chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng giấc ngủ và ăn uống lành mạnh. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch bằng cách thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch chữa lành chuyên đề, khu nghỉ dưỡng, các trung tâm spa, phòng tập yoga…; đẩy mạnh các hoạt động đặc thù vốn được xem là lợi thế của du lịch chữa lành như: tour du lịch thiền, yoga tại các bãi biển, bãi đá Móng Rồng, du lịch khám phá thiên nhiên, văn hoá bản địa, tour du lịch rèn luyện sức khoẻ, trải nghiệm cuộc sống ngư dân với các phương thức đánh bắt truyền thống, trải nghiệm một ngày trên hòn đảo không dấu chân người… Chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cao trong lĩnh vực du lịch và chăm sóc sức khoẻ; thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề và liên kết đào tạo với các địa phương đã phát triển mạnh về loại hình này.
Chèo SUP là một trong những hoạt động được du khách ưa thích khi du lịch Cô Tô (nguồn ảnh: Coto Adventure)
Ông Nguyễn Hải Linh - Trưởng Phòng Văn hoá, Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô cho biết: “Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, du lịch chữa lành rất phù hợp để trở thành sản phẩm du lịch cần được triển khai trong thời gian tới cũng như bổ trợ cho các sản phẩm du lịch khác. Đây cũng là sản phẩm phù hợp với xu hướng chung của ngành du lịch. Trong thời gian tới Phòng VHTTDL sẽ chủ động tham mưu và đề xuất UBND huyện những giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch này, cùng với du lịch hội nghị, hội thảo (Mice), du lịch thế thao để hút hút khách đến Cô Tô vào mùa thấp điểm”.
Trong bối cảnh phát triển của Cô Tô hiện nay, để du lịch chữa lành thực sự trở thành sản phẩm hút khách còn cần thêm nhiều thời gian và nỗ lực; tuy nhiên, đây là một sản phẩm rất tiềm năng và hứa hẹn sẽ là xu hướng mới hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; giúp nâng tầm vị thế của du lịch địa phương với các trọng điểm du lịch khác trong cả nước.