Gian bếp gắn với những món ăn đặc trưng xứ Quảng.
Bén duyên với xứ Quảng
Sau Tết Nguyên đán năm 2023, hình ảnh các ngôi làng của huyện Quế Sơn, Tiên Phước, cảng cá Bình Minh (Thăng Bình), biển Tam Tiến (Núi Thành)... xuất hiện càng nhiều trên kênh TikTok "Út về vườn” với hơn 1,2 triệu người theo dõi, 22,2 triệu lượt thích.
“Ban đầu Út cũng chỉ tính về Quảng Nam thực hiện một loạt video ở quê để thêm những trải nghiệm mới. Nhưng gắn bó với mảnh đất này Út thấy yêu thích từ cảnh vật đến con người. Quảng Nam có núi, đồng bằng và biển, rất đa dạng về phong cảnh, sản vật nên Út rất muốn giới thiệu cuộc sống, con người, cảnh quan nơi đây thông qua video của mình” - Trần Thị Kim Út, chủ kênh TikTok “Út về vườn” chia sẻ.
Trăm triệu hạt mưa rơi không hạt nào rơi nhầm chỗ, và sự gặp gỡ của “Út về vườn” với những video gắn với đất Quảng cũng không hẳn là tình cờ. Trong chuyến thăm Quảng Nam đầu năm 2023, Kim Út đã bén duyên với sự gần gũi, nét đẹp lao động của người Quảng cũng như ẩm thực, văn hóa Quảng Nam. Từ đó, những hạt giống ý tưởng ấp ủ để xây dựng kênh TikTok “Út về vườn” nảy nở từ tình đất và người Quảng Nam.
“Thực sự Út rất có duyên với đất Quảng Nam. Nơi đây là bệ phóng giúp Út phát triển bản thân mình hơn. Út có nhiều ân tình và dự định tại đây. Bắt đầu là kế hoạch tạo lập từng góc vườn nhà, nấu những bữa ăn ngon và sau đó là khám phá thêm nét đặc trưng ẩm thực, tìm hiểu về văn hóa, các nông lâm đặc sản xứ Quảng. Người Quảng cũng hỗ trợ và giúp đỡ Út rất nhiều. Thế nên “Út về vườn” nhất định sẽ tiếp tục gắn bó với mảnh đất này" - nữ TikToker chia sẻ thêm.
Bỏ phố về quê khởi nghiệp
Trào lưu bỏ phố xô bồ về với nông thôn đã thu hút nhiều giới trẻ hiện nay. Và kênh TikTok “Út về vườn” vừa chào đời đã nhanh chóng được đón nhận, với hơn 90% bình luận tích cực.
Lựa chọn khởi nghiệp là hình ảnh “người nông dân genZ”, những video đầu tiên của nữ TikToker này đã gắn với mảnh vườn quê của người anh ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó, những thước phim với áo bà ba bình dị, giọng kể ngọt ngào, phong cảnh miền quê hữu tình xuất hiện nhiều hơn.
Điều đặc biệt làm nên sự yêu thích của mọi người dành cho kênh TikTok này là nội dung kênh được sáng tạo phong phú và sự đảm đang của cô gái mới ở độ tuổi đôi mươi. Không chỉ giới thiệu ẩm thực, văn hóa vùng nông thôn thông qua việc nấu các món đặc trưng của địa phương như: bánh xèo, bánh mỳ, cơm gà, kho cá... Út còn có thể đúc nồi làm bánh, cào nghêu, đan lát, làm đồ thủ công…
Thế nhưng, có được một kênh TikTok nổi tiếng như bây giờ, Trần Thị Kim Út đã trải qua không ít khó khăn. 3 năm trước, Kim Út tốt nghiệp Khoa Báo chí - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh. Sau đó, Út về Vũng Tàu bắt đầu làm việc đúng chuyên ngành của mình với lương tháng hơn 10 triệu đồng.
Nhưng 2 năm sau, khi đã có những trưởng thành trong ngành báo, cô gái Kiên Giang quyết định tìm lại chính mình nơi làng quê yên bình.
Bản lĩnh nằm ở một người trẻ dám từ bỏ công việc với mức lương ổn định để về quê làm vườn, nấu nướng… Bản lĩnh còn nằm ở một người chẳng quen lao động chân tay nhưng dám về quê khởi nghiệp.
Theo Kim Út, thách thức ban đầu là làm chủ các thiết bị quay, lên ý tưởng nội dung sao cho hấp dẫn, sau đó là khả năng tài chính để duy trì kênh TikTok bền vững.
“Nhưng nhờ sự giúp đỡ của những người thân yêu, nhận làm thêm vài việc freelance; đồng thời tận dụng nhà có đất sẵn, gia đình trồng nhiều rau củ, gà vịt ngoài vườn, không cần nhiều vốn liếng và cũng nhờ môi trường làm báo đã hỗ trợ rất nhiều cho Út. Các kỹ năng thiết yếu như tư duy đề tài, xây dựng kịch bản, câu chuyện, quay dựng video… là nền tảng vững chắc giúp Út làm tốt công việc của một người sáng tạo nội dung không chỉ trên TikTok mà cả Facebook, YouTube” - Út trải lòng.
Đến nay, câu chuyện Út về vườn khởi nghiệp và kênh TikTok của Kim Út đã được nhiều người biết tới. Nhờ đông đảo lượt người xem, yêu thích, Trần Thị Kim Út nhận được các hợp đồng quảng cáo nên thu nhập cũng cải thiện đáng kể. Đây là nguồn thu để cô gái trẻ tái đầu tư vào vườn tược, thiết bị, tiếp tục xây dựng nội dung thêm đa dạng, chỉn chu hơn.