Cô giáo khiến dân tình ghen tỵ vì cưới được "người chồng vàng mười"

Google News

Sau 9 năm chung sống, khi được hỏi “đã hết nghi ngờ đàn ông cao to, đẹp trai, biết nịnh vợ chưa”, Hiếu cười bẽn lẽn “không nghi ngờ gì nữa nhưng cũng luôn phải trông chừng kẻo mất”.

Không thích mẫu đàn ông lẻo mép, đào hoa vì nghĩ rằng trong số họ ít ai chung tình, nhưng “bị cưa mãi cũng đổ” vì cảm cái sự chân thành và “kiên trì đeo bám” của anh, cô Phan Hiếu – gốc Hà Tĩnh đã cùng chồng là anh Đinh Đại vào Nam lập nghiệp, cùng nhau vun đắp tổ ấm bình yên.
Co giao khien dan tinh ghen ty vi cuoi duoc
 
Chuyến tàu duyên số
Luôn tin vào “duyên số” khi họ kể về chuyện tình của mình. Ấy là những ngày cuối năm 2006, khi đó Hiếu đang là cô sinh viên Ngữ văn, học ở Huế, anh Đại là lính công binh, đóng quân ở Sài Gòn. Họ gặp nhau trên chuyến tàu từ Nam ra Bắc khi tàu dừng tại ga Huế. Là người hoạt bát tự tin nhưng cô sinh viên cũng bị choáng ngợp bởi một màu xanh áo lính phủ hết cả toa tàu. Sự bất ngờ chuyển sang cảm giác vui vẻ thoái mái khi có những anh lính tốt bụng gác đồ giùm, hỏi chuyện làm quen. Nhưng “ấn tượng không tốt lắm” khi có một anh chàng cao to, nói nhiều, nhận là đồng hương và chủ động xin số điện thoại. Cứ ngỡ rằng, vài ba câu chuyện vu vơ, những câu hỏi và trả lời nhát gừng theo nhịp rung lắc của con tàu sẽ kết thúc như những chặng đường tàu chạy để người này bước xuống, kẻ khác lên thay. Nào ngờ, tết năm đó, nhà Hiếu có khách và “lại là chàng lính công binh hôm nào”.
Nhà anh Đại cách nhà Hiếu gần 60 cây số, sự xuất hiện đường đột của anh khiến mọi người trong gia đình bất ngờ. Riêng Hiếu “chỉ có một chút bối rối” vì trong cô lại là “tin gì mấy người hào hoa”. Do vậy, anh Đại trở thành khách của gia đình chứ không phải khách của Hiếu. Cô vẫn thoải mái, điềm nhiên vui đùa với bạn bè, mặc cho anh có những cái nhìn “vời vợi” sang cô.
Những ngày tháng tiếp theo, Hiếu “bị khủng bố” bởi những dòng tin nhắn qua điện thoại. Ban đầu cô chẳng buồn hồi đáp vì nghĩ rằng “chắc tin nhắn tán tỉnh này không chỉ gửi riêng cho cô”, nhưng lâu dần lại thành quen, Hiếu chẳng nhớ thời điểm mình đợi những dòng tin nhắn thăm hỏi “em đang làm gì thế”, “em ăn chưa”, “lạnh rồi, mặc nhiều áo vào em nhé”… là khi nào, chỉ biết là năm cuối thời sinh viên của cô sẽ trôi qua vô vị nếu sáng, chiều tim cô không rộn ràng theo tiếng “ tinh tinh” của chiếc điện thoại.
Những tưởng “chuyện tình sinh viên và lính” sẽ kết thúc khi Hiếu ra trường, về quê với ý định gần cha gần mẹ. Nhưng xin việc ở quê không dễ, suốt ngày quanh quẩn ra vào, Nam tiến được coi là giải pháp tối ưu khi anh trai và chị gái động viên.
Sự lựa chọn bất đắc dĩ của người này là niềm vui mừng của người kia. Anh Đại mừng ra mặt khi nghe tin Hiếu vào Sài Gòn, chẳng bù cho cô bịn rịn thương cha mẹ già yếu chốn quê nhà. Cũng may là cô được nhận vào giảng dạy ở một trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhưng Hiếu đã khóc ngày đầu tiên đứng trên bục giảng vì học trò quá nghịch mà cô thì quá hiền, lại bị chúng chọc quê vì cái giọng “mô, tê, răng, rứa”. Một ngày đến lớp với cô chẳng khác nào “một trận chiến” với lũ “nhất quỷ nhì ma”, nhưng anh lại xuất hiện đúng thời điểm sau mỗi giờ tan trường. Nhưng để nhận được cái “gật đầu” của cô không dễ.
Đã từng “được học trò làm mai mối”, cũng mấy lần “đi xem mặt, uống cà phê”, nhưng tình yêu là một điều gì đó khiến Hiếu không mấy tin tưởng lắm, nhất là mấy anh cao to, đẹp trai. Khổ nỗi, cô lại hay “bị đụng chạm với những đối tượng ấy” dù “mình không phải là sắc nước hương trời” như Hiếu tự nhận xét về bản thân mình. Mưa dầm rồi cũng thấm lâu, Hiếu nhận thấy anh Đại thương mình thật lòng chứ không như “rào cản mà cô tự dựng ra” về “mẫu người cao to, khéo nói”. Đầu năm 2009, họ cưới nhau.
Cưới rồi làm gì để sống?
Khi quyết định đến với nhau, điều Hiếu biết duy nhất về chồng mình là lính. Cô chưa từng hỏi anh về chuyện lương, cũng như cấp bậc, công việc hiện tại của anh là gì. Đến bây giờ, thỉnh thoảng vợ chồng họ ngồi nói chuyện với nhau về quyết định liều lĩnh “cưới rồi làm gì để sống”.
Sau cưới, hàng tháng anh Đại đưa nguyên lương cho cô nhưng chỉ đúng vỏn vẹn 1 triệu 7, cùng với 2 triệu 3 từ thu nhập giáo viên. Chừng ấy ở một nơi đắt đỏ như Sài Gòn, vợ chồng họ đã từng chia nhau người 6 nghìn đi xe buýt, người kia 14 nghìn vì “để anh nhiều hơn, phòng ngừa xe bị xịt lốp hết xăng” khi mà trong túi vợ chồng chỉ còn lại 20 nghìn.
Những bữa cơm với đậu khuôn, lạc rang cùng với nồi canh rau muống lỏng bỏng vài con tép cũng giúp họ qua ngày mà không hề có bất cứ lời phàn nàn từ Hiếu. Mục tiêu trước mắt của họ là sinh con, mua đất làm nhà. Dù thu nhập hai người chỉ trong khoảng hơn 4 triệu, chưa kể tiền nhà, vậy mà hàng tháng Hiếu vẫn giành dụm được 1 triệu. Sự đồng cam, cộng khổ là bí quyết để đến bây giờ họ đã có hai thiên thần (một trai, một gái) cùng căn nhà hai tầng khang trang ở ngoại ô thành phố.
Nhớ lại những ngày tháng chật vật, anh Đại nhìn vợ với ánh mắt biết ơn. Vì mọi gáng nặng trong mưu sinh dồn hết lên đôi vai ngày một gầy đi của vợ. Từ một cô gái mũm mĩm, Hiếu gầy hẳn đi chỉ còn 42 kg khi cô bắt đầu “chạy show”. Cùng một lúc cô dạy hai trường, sáng ra khỏi nhà lúc 6 giờ sáng, 9 giờ đêm mới trở về. Ăn uống thì kham khổ, lại bầu bí, anh khuyên chị bớt việc đi để đó anh lo.
Hiếu không chịu, thế là cả vợ chồng “nhập thế” mưu sinh. Hết giờ làm, anh Đại nhận trông giữ xe đạp, xe máy. Xong ca, anh tranh thủ chạy thêm vài cuốc xe ôm. Dù thu nhập không đáng là bao, nhưng tiện công đôi việc khi cứ tầm 9 giờ tối, anh từ chối chạy khách để đón chị về. Nhìn chồng ướt đẫm mồ hôi, tay cầm hộp sữa cho vợ, Hiếu vừa mừng vừa tủi.
Co giao khien dan tinh ghen ty vi cuoi duoc
Giờ họ đã có những giây phút thảnh thơi bên con cái. Ảnh: NVCC 
“Chồng mình là mẫu đàn ông của gia đình” Hiếu tự hào nói về anh. Từ việc chuẩn bị cơm buổi sáng để vợ mang đến cơ quan, giặt giũ, lau chùi nhà cửa, cho con cái ăn là những san sẻ anh giành cho chị. Cũng có những lúc giận hờn, nhưng bao giờ anh cũng là người chủ động làm lành. Chị Hiếu thường nói “vợ chồng mình giận nhau nhưng không có thời gian để kịp hờn dỗi”. Sự nhẹ nhàng của chị, biết việc của anh chính là chìa khóa để căn nhà của họ luôn tràn ngập tiếng cười.
Sau 9 năm chung sống, khi được hỏi “đã hết nghi ngờ đàn ông cao to, đẹp trai, biết nịnh vợ chưa”, Hiếu cười bẽn lẽn “không nghi ngờ gì nữa nhưng cũng luôn phải trông chừng kẻo mất”. Hai người họ đi đâu cũng có nhau, không phải vì “sợ mất” mà “vì không thể sống xa nhau”. Hạnh phúc của cô giáo Hiếu là tối về nhà, tắt điện thoại để chơi đùa với con, nũng nịu bên chồng. Cuối tuần, chị làm món nhậu để đồng đội anh tới chơi. Với anh chị, nhà là nơi tuyệt vời nhất.
Có những điều bình dị xuất phát từ sự tự thân. Tự thân lập nghiệp, tự thân quyết định hôn nhân, tự thân xây đắp nên tổ ấm và sự nghiệp. Điều giản dị ấy rất gần nhưng cũng rất xa, khi cuộc sống hiện đại khiến chúng ta luôn cắm đầu chạy đua mà không biết nhìn và vun vén cho những gì hiện có. Nhưng không phải ai cũng thế, khi giữa chốn phồn hoa, có người chồng vẫn chở con tới trước cổng trường đợi vợ để tiếng cười ngân dài trên từng con phố tới góc sân nhà.
Theo Minh Đức/Em Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)