Trịnh Xuân Thọ (27 tuổi) là người Việt Nam và vợ là Sara Jubran (25 tuổi) đến từ Palestine. Cả hai hiện sinh sống và làm việc ở Australia.
Thọ sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh du học tại ĐH Kỹ thuật Sydney. Tại đây, chàng trai Việt gặp Sara Jubran, cô gái đồng môn khóa dưới có đôi mắt sâu và sống mũi cao.
Thời điểm mới quen, hai người chỉ dám chào hỏi, ít có cơ hội trò chuyện vì Sara theo đạo Hồi. Cô luôn phải giữ khoảng cách với người khác giới. Cảm mến cô gái có giọng nói dễ thương, Thọ luôn tìm cớ để gặp gỡ Sara. Dần dần, cả hai trở thành bạn thân.
|
Sara và Thọ gặp khó khăn khi thuyết phục gia đình.
|
Đầu năm 2018, trên một chuyến xe lửa, Thọ lần đầu tiên nhìn thẳng vào đôi mắt Sara thổ lộ tình cảm.
Lúc đó, cô hơi cúi mặt, tránh ánh mắt đang nhìn nhưng vẫn gật đầu, nhận lời yêu của chàng trai Việt.
Sau hơn một năm chính thức hẹn hò, họ xác định gắn bó lâu dài.
Tuy nhiên, cả Sara và Thọ đều biết sẽ gặp khó khăn khi thuyết phục gia đình.
Thọ là con trai một, cha mẹ luôn mong anh về nước lấy vợ, sinh con.
Tương tự, gia đình Sara sống ở Australia nhiều năm, cha mẹ cô vẫn muốn con gái lấy một người cùng đạo.
"Biết trước là khó rồi nhưng mình vẫn mong cả hai cho nhau cơ hội, bởi tìm được người yêu thương mình không hề dễ dàng", hai bạn trẻ quyết định lập kế hoạch từng bước để tác động đến gia đình.
Nếu Sara cố gắng sắp xếp những cuộc gặp gỡ tình cờ để người thân của cô hiểu hơn về bạn trai, thì Thọ phấn đấu hơn trong công việc và tài chính.
Lần đầu tới nhà bạn gái, ngoài chào hỏi lễ phép như người Việt, chàng trai còn mang theo quà và luôn chú ý giữ khoảng cách với phụ nữ trong nhà. Anh "thở phào" khi thấy ai cũng niềm nở và tỏ thái độ sẵn sàng chào đón mình.
"Với người Palestine, đàn ông phải chu toàn được cho gia đình, là trụ cột kinh tế. Biết vậy, mình cố gắng tìm được công việc thật ấn tượng, mức lương cao để gia đình bạn gái yên tâm về mình", Thọ kể.
|
Đôi trẻ gặp nhau tại Đại học Kỹ thuật Sydney.
|
Cô gái người Palestine cũng chủ động học văn hóa Việt trước khi ra mắt gia đình bạn trai. Ngày về Đồng Nai, cô chào hỏi bằng tiếng Việt, làm quen nhanh với việc dùng đũa, ăn được cả mắm tôm, trứng vịt lộn.
"Khi bọn mình ra mắt hai bên gia đình, lúc đó, mọi người chưa đồng ý, nhưng hai đứa chứng minh được tình cảm dành cho nhau. Ngoài ra, theo thời gian những khác biệt về truyền thống, ngôn ngữ dần được thu hẹp", Thọ nhớ lại.
Đám cưới đặc biệt
Thọ và Sara tổ chức lễ đính hôn vào tháng 4/2019 ở Sydney và đám cưới vào tháng 1/2020 ở Biên Hòa. Đặc biệt, hôn lễ ở Việt Nam, ngoài bạn bè, người thân của chú rể còn có thêm 25 người trong gia đình cô dâu từ Australia, Jordan, Dubai về tham dự.
Tại đám cưới, cả 2 làm lễ gia tiên và tổ chức tiệc ở nhà hàng. Trong ngày trọng đại, cô dâu ngoại quốc diện áo dài Việt và trang phục truyền thống Palestine.
"Tới lúc này, sau 2 năm hẹn hò, mình mới được hôn vợ lần đầu tiên. Những chuyện tưởng như đơn giản của các đôi khác như cầm tay, ôm hôn, với chúng mình là không thể. Kể cả gặp nhau cũng phải ngồi đối diện, đi cùng cũng phải giữ khoảng cách. Nên trong lễ cưới, ai cũng trêu chú rể xúc động quá", Thọ nhớ lại.
|
Đám cưới ngọt ngào của Thọ và Sara.
|
Sau khi về chung một nhà, Thọ và bà xã gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt văn hóa. Chàng trai tâm sự có những hành động của anh theo suy nghĩ của người Việt nhưng lại không phù hợp với người Palestine và ngược lại.
Những lúc như vậy, vợ chồng anh không biết đã làm sai gì để người kia không vui. May mắn, sau cưới cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát, hai vợ chồng làm việc online nên có thời gian trò chuyện và hiểu nhau hơn.
"Cảm giác như được tặng 1 kỳ nghỉ dài ngày vậy. Chúng mình có cơ hội nói cho nhau nghe về cuộc sống, thói quen, văn hoá của đất nước mình. Chuyện này không có đúng sai, chỉ có làm thế nào để hai bên hài hoà, vừa không đánh mất bản sắc, mà vẫn khiến nửa kia hài lòng", anh chồng hài hước nói.
Hiện tại, vợ chồng Thọ đã đi làm trở lại. Vì cả 2 làm việc gần nhau nên mỗi ngày, họ cùng đi làm, ăn trưa, đi tập gym. Sau giờ làm, cả hai về nhà nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
Chia sẻ về bí quyết giữ lửa hạnh phúc, Thọ nói rằng với những cặp vợ chồng đến từ 2 nền văn hóa, điều quan trọng nhất là sự sẻ chia để hiểu nhau. Chàng trai người Việt thấy may mắn khi được gặp và kết duyên cùng cô gái Palestine.