TikToker này đăng "phốt" vì nhân viên quán không chuẩn bị đủ nĩa, muỗng. Video nhanh chóng lên xu hướng của nền tảng và thu hút nhiều bình luận trái chiều.
Chị Kim Anh (quản lý quán) cho biết phản ứng đầu tiên của phía nhà hàng là ghi nhận ý kiến từ vị khách trên. Sau đó, cả chuỗi họp lại để đào tạo nhân viên nhằm cải thiện chất lượng phục vụ.
"TikToker hay các bạn làm review nói chung cũng là khách hàng. Chúng tôi hoan nghênh và tôn trọng khi họ tới chụp hình, quay clip trải nghiệm. Kinh doanh ăn uống giống như 'làm dâu trăm họ', chín người mười ý. Khi có đánh giá tiêu cực, chúng tôi cố gắng không đôi co hay phản ứng thái quá, tránh đẩy chuyện đi xa, hoặc tệ hơn là đánh mất một lượng khách hàng khác", chị Kim Anh nói với Zing.
|
Nhà hàng ở quận Phú Nhuận cố gắng không đôi co hay phản ứng thái quá, tránh đẩy chuyện đi xa khi gặp các TikToker.
|
Sau khi clip chê tiêu cực được đăng tải, các khách quen đã để lại bình luận bênh vực quán. Có nhiều người chưa từng ăn ở đây, sau khi xem cũng tới để "chứng thực".
Nữ quản lý cho rằng nhận xét ẩm thực trên TikTok đang là trào lưu. Nó có thể mang lại lợi ích hoặc khiến cơ sở kinh doanh điêu đứng.
Nhiều chủ nhà hàng ở TP.HCM cũng đồng tình với quan điểm trên. Khi nhận đánh giá tiêu cực từ người làm review, đa số quán chọn ghi nhận để cải thiện chất lượng thay vì phản ứng gay gắt.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Zing, một số quán hạn chế quảng bá trên TikTok vì tính chất phức tạp, khó kiểm soát của nền tảng này. Nhiều chủ cơ sở ăn uống thậm chí lo lắng mỗi khi thấy thương hiệu của mình xuất hiện trong các bài đánh giá.
Không đôi co, tranh cãi
Nhờ hàng loạt nội dung review khen ngợi, quán bún bò cô Như (quận 3) với món mỡ nổi bỗng trở nên nổi tiếng trên Internet.
Anh Lê Minh Mẫn, con rể bà Như, cho biết quán được hưởng lợi từ sức lan tỏa của cộng đồng mạng. Thời gian qua, có nhiều YouTuber, TikToker tới để trải nghiệm món ăn.
Tuy nhiên, anh Mẫn cho rằng việc quán nổi tiếng trên mạng, thu hút nhiều người review cũng có hai mặt tốt - xấu. Làm dịch vụ ăn uống, quán khó tránh khỏi những phản hồi không hay nếu khách có điều chưa hài lòng.
Cách đây ít ngày, một reviewer khá nổi tiếng đã làm video đánh giá tiêu cực về quán trên ứng dụng.
"Bạn đó khen hương vị bún bò, giá cả hợp lý nhưng chê quán dơ, hôi. Tôi đã rất sốc khi đọc bình luận. Chúng tôi luôn đề cao yếu tố vệ sinh, cũng chưa ai phàn nàn về vấn đề này", anh kể.
Dù ức chế, anh Mẫn nói riêng và quán bún vẫn họp lại và chọn bỏ qua để tránh tạo ra những tranh cãi qua lại trên mạng.
"Tôi nghĩ mình cần tôn trọng các quan điểm, nhận xét của khách hàng. Ngoài ra, tôi không muốn việc kinh doanh của mình trở thành 'món mồi' cho các Tiktoker", anh Mẫn nói.
|
Quán bún bò của gia đình anh Mẫn từng khá lo lắng khi bị ảnh hưởng bởi nhận xét của các TikToker. Ảnh: Huệ Lâm - Phú Quí.
|
Thời điểm quán bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội, anh Mẫn khá áp lực và lo lắng khi lượng khách tăng đột biến. Không ít bạn trẻ đổ xô tới trong khoảng thời gian ngắn để "bắt trend" khiến quán quá tải.
"Nhiều hôm khách ra vào liên tục, còn xếp hàng dài đợi chỗ. Tôi lo sẽ không phục vụ mọi người tận tình được như bình thường, khiến họ ăn mất ngon rồi phàn nàn", anh bày tỏ.
Bên cạnh đó, thay vì tranh cãi khi thấy đánh giá trái chiều, anh Mẫn cho rằng người kinh doanh nên tập trung làm tốt công việc của mình.
"Nhưng có một thực tế, nếu người quay clip góp ý theo hướng xây dựng, chúng tôi sẽ ghi nhận và cải thiện. Song nếu cứ cố tình tấn công để gây chú ý, chúng tôi thật sự sẽ bị ảnh hưởng, những người chưa từng ăn sẽ hiểu lầm về quán", anh Mẫn nói thêm.
Tránh làn sóng độc hại
“Chiến thần review”, “thánh ăn đâu chê đó”, “reviewer xéo xắt” là biệt danh được đặt cho một số TikToker đang vướng vào tranh cãi với chủ hàng quán ăn trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Sau các clip lời qua tiếng lại, một số nhà hàng thậm chí cấm cửa những nhân vật này.
Thực tế, clip chưa tới một phút trên TikTok có thể giúp một quán ăn vô danh trở nên đông khách nhưng cũng có thể khiến việc kinh doanh điêu đứng. Mối quan hệ này từ đôi bên cùng có lợi, giờ đây trở thành đối đầu.
Sự việc cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu các TikToker có đang tự cho mình là chuẩn mực, cố tình đánh giá tiêu cực để gây náo loạn thay vì luôn nhận xét công tâm?
|
Nhiều hàng quán bị ảnh hưởng kinh doanh vì trào lưu review ẩm thực trên TikTok. Tuy nhiên, họ chọn giải quyết êm đẹp thay vì phản ứng lại vì không muốn mọi chuyện đi quá xa. Ảnh: Phương Lâm.
|
Năm 2016, anh Nguyễn Thành Đạt mở nhà hàng Đèn Lồng (quận 1), chuyên về món Việt cho khách Tây. Sau dịch Covid-19, anh thay đổi định hướng, mở rộng nhóm đối tượng sang cả khách Việt để cải thiện kinh doanh.
Anh Đạt chủ động mời một số TikToker đến dùng bữa, góp ý và quảng bá hình ảnh quán. Anh chỉ lựa chọn người thực sự có uy tín, chuyên môn về ẩm thực. Dù bị chê, anh cảm thấy những đánh giá đó đã giúp quán nhận ra thiếu sót, thay đổi để phù hợp hơn với khẩu vị người Việt Nam.
Theo anh, quay clip review hàng quán đã trở thành xu hướng nổi bật suốt thời gian qua. Chủ nhà hàng xem đây là một cách thu thập nhận xét hữu ích, đặc biệt với cơ sở ăn uống.
“Tôi thấy các nhà hàng sẽ khó phát triển lâu dài nếu thiếu phản hồi chân thật từ thực khách. Khác với khách Tây, người Việt vẫn ngại ngùng hoặc khen qua loa khi được hỏi về cảm nhận sau khi ăn. Vì vậy, tôi khuyến khích các TikToker chê cụ thể những điểm chưa hài lòng. Đây sẽ là cơ sở để chúng tôi cân nhắc, thay đổi nhằm nâng cao chất lượng phục vụ”, anh nói.
|
Chủ nhà hàng Đèn Lồng chú trọng vào ghi nhận trải nghiệm và đánh giá của từng khách tới ăn.
|
Dưới sức ảnh hưởng của trào lưu này, anh và các nhân viên dần hình thành thói quen tìm kiếm thông tin liên quan nhà hàng trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc ghi nhận phản hồi trực tiếp cũng được chú trọng nhiều hơn.
Dù chưa gặp sự cố gì với các review trên TikTok, anh Đạt vẫn cho rằng nội dung trên nền tảng này đang dần trở nên độc hại. Đặc biệt, trào lưu ăn uống theo nhận xét cá nhân có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ sở kinh doanh.
“Tôi biết một số bạn cố tình tạo scandal với các địa điểm ăn uống để nhanh nổi tiếng. Đáng nói hơn, nhiều khán giả sau khi xem clip cũng hùa theo chỉ trích, đánh giá 1 sao dù chưa đến dùng bữa bao giờ", anh chia sẻ.
Anh Đạt nhận định điều này tác động mạnh đến chủ doanh nghiệp, thậm chí nhiều nơi còn lo lắng khi thấy nhà hàng của mình xuất hiện trên Internet. Họ thà không xuất hiện trong video còn hơn phải giải quyết sự cố từ đây.
"Về phần mình, tôi thấy việc này khá bình thường. ‘Cây ngay không sợ chết đứng’, chưa kể tôi và đội ngũ vẫn tập trung vào cải thiện chất lượng từ phản hồi. Tuy nhiên, tôi mong thực khách có thể chia sẻ thẳng thắn thay vì quay video chê bai sau lưng. Nhờ vậy, đôi bên sẽ cùng có lợi thay vì phải vào thế đối đầu”, anh Đạt bày tỏ.
|
Nhiều nhà hàng không chào đón người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Ảnh: samtell.
|
The Washington Post nhận định dù là mối quan hệ "cộng sinh", nhiều nhà hàng và blogger ẩm thực trên TikTok không hoàn toàn hài lòng về nhau.
TikToker phải nỗ lực cân bằng giữa các bài viết được trả tiền và những clip review để giữ chân khán giả. Trong khi đó, nhiều quán ăn không muốn đặt cược số phận vào nội dung không thể kiểm soát trên mạng xã hội.
Gần đây, The New York Post đưa tin nhiều nhà hàng ở New York tràn ngập yêu cầu dùng bữa miễn phí từ TikToker. Các food reviewer này với thái độ hách dịch, mua lượt theo dõi trên mạng để đi lừa đảo khiến chủ nhà hàng, đầu bếp, nhân viên phục vụ phát ngán.
Cũng theo Daily Telegraph, nhiều nhà hàng tại Australia và Hàn Quốc đã treo biển cấm YouTuber, TikToker, Mukbang (người phát sóng cảnh ăn uống) vì những đòi hỏi vô lý như không gian quay phim, bữa ăn miễn phí...
"Sau hơn 2 năm khó khăn, các cơ sở ăn uống hy vọng có thể nhận góp ý trực tiếp và thiện chí thay vì clip bêu xấu trên mạng xã hội. Một đánh giá tiêu cực có thể làm giảm 30 thực khách, trong khi 3 đánh giá xấu có thể khiến 59% khách hàng tiềm năng không dùng bữa tại đó nữa. Dù đó là gì, điều này sẽ phá hủy việc kinh doanh, vốn đã rất khó khăn để vực dậy sau dịch bệnh", theo Mashed.