Ga lăng là một trong những tiêu chuẩn chọn chồng của phụ nữ, cũng như đàn ông luôn trân trọng phụ nữ đảm đang.
Những quy ước, tiêu chuẩn mà xã hội gán cho nam giới, phụ nữ vô hình trung trở thành thước đo nam tính hay nữ tính trong xã hội. "Sao mày đàn bà quá vậy", "Đàn ông gì không biết mở cửa cho phụ nữ"... là một trong những câu đàn ông thường bị phụ nữ đánh giá.
Giống như việc Đỗ Vinh Quang - con trai bầu Hiển, chồng mới cưới của Đỗ Mỹ Linh - bị đánh giá không ga lăng khi bị quay lại cảnh để Hoa hậu Việt Nam 2016 tự mở cửa lên xe. Thậm chí, có người phiến diện cho rằng đó là biểu hiện của hôn nhân không hạnh phúc.
Với nhiều người, đàn ông, nam giới nói chung nên ga lăng, chiều chuộng người phụ nữ mình yêu, nhưng với chuyên gia tâm lý, đó chỉ là hành động thể hiện sự chân thành, không liên quan đến việc họ có hạnh phúc, yêu nhau nhiều hay không.
Nguồn gốc hành động mở cửa xe cho phụ nữ
Lady first (Phụ nữ đi trước) là cụm từ xuất xứ từ phương Tây và trở nên quen thuộc với công dân toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Từ việc mở cửa xe, để phụ nữ đi trước, che chắn cho phụ nữ khi qua đường... đều thể hiện hình ảnh đàn ông ga lăng.
Phụ nữ có nên hoàn toàn mong đợi về điều đó?
Chuyên gia nghi thức Lisa Orr cho biết phong tục này bắt nguồn từ thời Victoria (thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Victoria, bắt đầu từ năm 1837). Thời trung cổ, các hiệp sĩ được giáo huấn rằng phụ nữ nhận được sự tôn trọng đặc biệt.
"Tôi chỉ bàn đến nguồn gốc cụm từ lady first ở phương Tây, không kể các quốc gia phương Đông", Lisa Orr nói.
Các quy ước xã hội được quy định dựa trên những điều hai người (ở đây có thể là những cặp yêu nhau, vợ chồng) cảm thấy được tôn trọng. Điều đó dần thay đổi theo thời gian.
Ban đầu, có thể việc mở cửa xe là cách đàn ông gây ấn tượng với phụ nữ. Nhưng khi tiến xa hơn trong mối quan hệ, cụ thể là trở thành vợ chồng, họ không cảm thấy điều đó là cần thiết. Cách yêu nhau, tôn trọng nhau ở mỗi gia đình hoàn toàn khác nhau, theo chuyên gia.
"Các quy tắc xã giao dần ít quan trọng hơn những vấn đề khác trong cuộc sống. Xã hội hiện đại cần luân phiên 'thực hiện nhiệm vụ mở cửa xe', tùy thuộc vào việc ai đến trước", Lisa Orr nói.
Quan điểm khác biệt trong mỗi xã hội
Chuyên gia cho biết nhiều người xem việc mở cửa là phép lịch sử xã hội chứ không hẳn là điều đàn ông nhất định phải làm cho phái đẹp: "Nếu tất cả giới tính được tạo ra bình đẳng, bạn phải chấp nhận sự bình đẳng đó".
Có nên thực hiện "tinh thần hiệp sĩ trung cổ" trong một mối quan hệ lãng mạn hay không là câu hỏi phức tạp, nhất là với các nhà nữ quyền hiện đại. "Nữ quyền" trên thực tế cũng rất phức tạp, tùy theo quan điểm mỗi người.
"Trong chúng ta ít nhất có một người bạn cảm thấy khó chịu nếu trong cuộc hẹn, nam giới không mở cửa trước hoặc trả tiền ăn uống. Nhưng cũng chính người bạn đó luôn thích hô hào khẩu hiệu bình đẳng giới trong xã hội", Lisa Orr phân tích.
Ở một số quốc gia, khái niệm lịch sự không dừng lại ở việc đàn ông mở cửa trước hay không. Jack Varnell, tư vấn viên 23 tuổi, nói: "Tôi lớn lên ở miền Nam nước Mỹ. Với tôi, việc mở cửa trước là phép lịch sự. Nhưng một số người ở Washington D.C. lại cho rằng đó là cái bẫy".
Hilary Jacobs, luật sư 27 tuổi, nói cô luôn mở cửa nếu là người đi trước, cô không bao giờ có khái niệm hay mong đợi đàn ông làm điều đó cho mình.
Với một số người, việc đàn ông mở cửa trước tùy thuộc vào tình hình lúc đó.
"Tôi nghĩ phụ nữ nên quan sát và xem những gì nam giới đang làm. Nếu nam giới bận nghe điện thoại hay mải suy nghĩ, việc phụ nữ tự mở cửa cũng là hiển nhiên", Ali Konteh, 29 tuổi, nêu quan điểm.
"Các phép xã giao, quy tắc về ứng xử tồn tại trong xã hội để chúng ta hiểu thêm về cách tôn trọng người khác. Tuy nhiên, nhiều lúc nó lại bị hiểu sai lệch và khiến người khác bị đánh giá theo cách khó chịu", chuyên gia khẳng định.
Theo quan điểm của các nhà xã hội học, việc ưu tiên mở cửa xe cho phụ nữ có thể là điều kiện cần, nhưng không phải tất cả. Tác giả tâm lý Joseph E Rathjen cho biết hành động nam giới mở cửa cho phái đẹp chỉ là hành động lịch sự với phụ nữ, không là thước đo của hạnh phúc.
Trong khi đó, chuyên gia xã hội học Sir Dickson lại khẳng định hạnh phúc hay không còn xét trên nhiều yếu tố, không thể đánh đồng, phán xét cuộc sống của người khác chỉ thông qua một cái nhìn.
"Sự tin tưởng, giúp nhau cảm thấy an toàn trong mối quan hệ mới là hạnh phúc chứ không đơn giản là mở cửa xe cho nhau, xét nét trong từng thứ nhỏ nhặt", chuyên gia nói thêm.