Bên cạnh những ý kiến đồng tình với lời kêu gọi này cũng xuất hiện các cuộc "đấu lý" kịch liệt cho rằng "thuận mua thì vừa bán" chỉ tại vì người buôn "hét giá trên trời" nên người mua phải thế! Liệu ai mới chính là người đáng thương trong câu chuyện "Mua hoa ngày 30 Tết"?
Ngày 30 Tết, ngày cuối cùng của năm, trong khi người người gác lại mọi lo toan để về sum vầy, đón năm mới bên gia đình, thì những người trồng hoa, bán hoa lại đang chất chồng lo âu vì họ phải sống chết với một chút "gia sản" còn lại trong ngày cuối cùng của năm. Buôn hoa Tết, nhiều người cho đó là một công việc nhàn hạ, lãi gấp đôi và sẽ kiếm được một khoản thu nhập kha khá sau mỗi vụ buôn hoa.
Tuy nhiên sự thật không phải thế, khi nhớ về hình ảnh những chậu hoa vào chiều 30 Tết năm 2018, tại chợ Hoa Xuân Mậu Tuất, huyện Hóc Môn, TP.HCM khiến người ta chưa quên được và không khỏi chạnh lòng.
Chỉ lác đác vài người dân dạo quanh hỏi giá, người bán hoa dở khóc dở cười, giây phút trước giao thừa không ít chậu hoa không thể bán được đã bị đập bỏ, người bán hoa thà rơi nước mắt phá hoại chính những chậu hoa mình chăm bẵm chứ nhất định không "bán tháo" hạ giá "kịch sàn".
Chính vì điều này mà những ngày qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông điệp kêu gọi: “Đừng đến 30 mới mua hoa chơi Tết” vì thương người nông dân cần mẫn suốt năm bỏ ra những ngày cuối năm bên gia đình mà chịu khó buôn bán kiếm đồng ra đồng vào, mỗi người có một lý do người thì muốn có ít tiền cho con đi học xa, người thì muốn đầu năm sau gia đình đủ đầy hơn, chung quy cũng chỉ là những người lao động nghèo khó.
Thế nhưng, sự việc không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi và người hưởng ứng nó. Một số người đã thẳng thắn bài tỏ quan điểm riêng về việc kêu gọi không mua hoa vào ngày 30 Tết.
"Người dân đến hôm nay ở quê đã bán hết cho thương lái rồi nhé, câu dầm ép giá bán gấp trăm lần so với giá của người nông dân bán chỉ có thương lái thôi, nhà tôi bán cành đào 500.000 đồng, ra khỏi cổng có người hỏi thương lái đã phát 2.500.000 đồng, người dân mua hoa đợi 30 tết là đúng thôi. Tiên trách kỷ hậu trách nhân mà", bạn B.M chia sẻ.
Thậm chí bên dưới những lời kêu gọi, nhiều người gay gắt:
"Mấy ngày này bán đúng giá đi thì lấy ai chờ 30 làm gì ? Đừng lấy sự nghèo khổ ra bóc lột đồng tiền người khác . Mấy ông khổ 10 ngày Tết còn ngta khỗ cả năm để Tết có được ít tiền sắm sửa thì ra đường gặp mấy ông chém giá trên trời rồi mấy ông kêu tại mấy ông khổ", tài khoản S.N thẳng thắn.
Theo vài người, mua hoa lúc giao thừa sẽ chọn được cây cảnh đẹp, giá rẻ, phù hợp. Trước đó những loại này bị các tiểu thương hét giá quá cao. Chưa kể có nơi còn đội giá lên gấp 3, 4 lần, vài ngày sau đó lại giảm xuống, giá cả bấp bênh nên người mua đành đợi 30 Tết mới đi chọn hoa.
Ngoài ra, yếu tố chủ quan là do người dân quá bận không có thời gian sắm sửa và nghỉ ngơi nên đành phải đợi đến ngày cuối mới có thể mua.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Lê Minh Kiên (25 tuổi, nhân viên văn phòng,TP.HCM) cho biết:
"Mình nghĩ là những người nghèo họ cũng muốn trưng bày hoa quả, sắm sửa đủ đầy ngày Tết, ở quê mình người dân nghèo họ cũng thế họ làm lụng quanh năm cuối năm mới muốn nghỉ ngơi và dành ít thời gian lo cho gia đình nên thường đi chọn hoa vào 29,30 Tết, người mua có người này người kia thì người bán cũng có người này người kia, không phải ai cũng ép giá không nên đánh đồng tất cả, người đi bán nhiều người cũng thật chất là lao động chân chính muốn bán thêm ít hoa ngày cuối năm kiếm tiền nên nếu đánh đồng mà tất cả đều đợi 30 mới đi mua hoa thì sẽ rất tội cho người dân đặc biệt là người nghèo".
Theo Minh Kiên, phong trào "không mua hoa ngày 30 Tết" là con dao 2 lưỡi, người bán hiện tại có rất nhiều người kinh doanh, thương lái lớn nên lợi dụng cơ hội cạnh tranh thị trường với người lao động nghèo mà ép giá người mua mà người mua cũng có người lao động.
Theo đó, người bán cũng nên suy nghĩ tích cực, ngày xưa Việt Nam có truyền thống họp chợ nghĩa là nhà có hoa thì đem ra trưng bán nhưng hiện tại chợ hoa đã trở thành nơi để du xuân và kinh doanh, nét đẹp truyền thống dần dần được cải tiến. Nên bán hoa cũng phải theo thuở theo thời.
Chẳng ai gạt bỏ công chăm sóc, cần mẫn của người nông dân vào những ngày cuối năm bên những luống hoa cho kịp ra mùa Tết, công người bán hoa thức khuya cảnh "màn trời chiếu đất" mỗi tốt trời trở lạnh khiến người ta chạnh lòng, nhưng người mua đôi khi cũng có những lý do, quan niệm riêng của họ và không phải người mua nào cũng có điều kiện chi trả vài trăm nghìn đồng cho một hai chậu hoa chưng Tết.
Tết Nguyên Đán ngoài niềm vui bên cạnh gia đình còn là cơ hội để chúng ta thương yêu lấy nhau như truyền thống người Việt lâu nay. Thay vì phòng trào "Không mua hoa 30 Tết" hãy phát động phong trào "Người bán không hét giá và người mua không trả giá quá thấp" thì sẽ hợp tình hợp lý hơn.