Phó tổng cục trưởng phụ trách Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn xác nhận với Zing: "Ánh Viên xin nghỉ và chúng tôi đã chấp nhận, cho Nguyễn Thị Ánh Viên trở về câu lạc bộ".
Hồi đầu tháng 10, Ánh Viên lần thứ hai gửi đơn xin rút khỏi đội tuyển quốc gia. Những nỗ lực thuyết phục từ các bên với hy vọng Ánh Viên sẽ thi đấu tới hết SEA Games 31 trở nên bất thành.
|
Ánh Viên giành 25 HCV tại các kỳ SEA Games. Ảnh: Minh Chiến. |
Trước đó, vụ việc của Ánh Viên chưa thể giải quyết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến Tổng cục Thể dục Thể thao không thể có buổi làm việc trực tiếp với Ánh Viên, cùng đơn vị chủ quản là Quân đội.
Ông Trần Đức Phấn cho biết việc Ánh Viên vắng mặt sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games tới. Tuy vậy, bộ môn bơi đã có những tính toán, để có thể giải quyết phần nào.
Hồi đầu tháng 11, tuyển bơi Việt Nam gồm 11 thành viên, trong đó có 9 vận động viên đã lên đường sang Hungary tập huấn, thi đấu, nhằm chuẩn bị cho SEA Games 31 và Asian Games 19.
Ngoài những gương mặt xuất sắc của nam như Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên, Hồ Nguyễn Duy Khoa, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Hoàng Quý Phước hay Ngô Đình Chuyền, 2 nữ kình ngư được kỳ vọng thay thế Ánh Viên là Lê Thị Mỹ Thảo và Phạm Thị Vân có tên trong danh sách đi Hungary.
Đấu trường SEA Games gắn liền với tên tuổi và thành công của Ánh Viên. "Tiểu tiên cá" giành tổng cộng 25 HCV sau 5 lần tham dự. Nữ kình ngư Việt Nam làm "dậy sóng" đường đua xanh khi giành tới 8 HCV cá nhân tại SEA Games 2017 trên đất Singapore. Sau đó, tại SEA Games 2019, Ánh Viên tiếp tục giành 6 HCV.
Những tấm HCV của Ánh Viên đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam. Tại SEA Games 2019, nếu vắng Ánh Viên, Đoàn Việt Nam không thể vượt qua Thái Lan để giành ngôi thứ 2 trên bảng tổng sắp chung cuộc. Khi đó, Việt Nam và Thái Lan cùng có 92 HCV, nhưng chúng ta kém hơn về số HCB.
Ánh Viên không thi đấu cho đội tuyển quốc gia nhưng vẫn sẽ khoác áo đoàn Quân đội tham dự các giải quốc nội.