Tôi đồng tình với bạn Vũ Trung Kiên - tác giả bài Hà Nội ăn cưới đúnggiờ, sao Sài Gòn còn giờ 'dây thun'? ở quan điểm người Sài Gòn đi đám cưới hay xài giờ dây thun và điều này thực sự gây mệt mỏi, khó chịu cho những người đến đúng giờ.
Người Hà Nội làm tiệc cưới đúng giờ và nhanh gọn hơn, nhẹ nhàng hơn.
Dù có ở chung thành phố nhưng chẳng mấy dịp gặp nhau vì đứa nào cũng bận, chỉ có nhân dịp đám cưới bạn bè mới được hội ngộ.
Tuy nhiên, là người miền Nam nhưng đã có 4 năm sống ở Hà Nội, đã từng được dự vài đám cưới ở Hà Nội, tôi cho rằng lý do người Hà Nội đi ăn cưới đúng giờ không phải là vì họ luôn đúng giờ, không thích xài giờ dây thun mà là vì phong cách tổ chức tiệc cưới của Hà Nội khác với Sài Gòn.
Cụ thể:
Thứ nhất: đám cưới người Hà Nội nhìn chung (chứ không phải tất cả) ít các nghi lễ hơn Sài Gòn, thường là cô dâu chú rể và hai họ ra sân khấu chào khách, phát biểu vài câu ngắn gọn cảm ơn những người đến tham dự. Các nghi thức cắt bánh, rót tháp rượu thường không có.
Cô dâu chú rể và đại diện hai bên gia đình cũng không đi mời rượu chụp hình với từng bàn một nên nhiều khi đi dự đám cưới về nhưng không biết mặt cô dâu chú rể nếu như bạn đến muộn về sớm. Cô dâu thường chỉ mặc một bộ váy cưới chứ không thay nhiều váy như Sài Gòn nên cũng đỡ tốn thời gian hơn.
Thứ hai: cách dọn đồ ăn của đám cưới Hà Nội là dọn tất cả ra bàn cùng một lúc chứ không phải dọn từng món một như Sài Gòn. Đồ uống cũng được phân chỉ tiêu cho từng bàn (bàn 6 người) và không phải ai cũng có thể gọi thêm nếu uống hết phần của mình.
|
Ảnh minh họa. |
Vậy nên, tiệc cưới ở Hà Nội nếu bạn muốn uống nhiều hơn 1 chai bia hay muốn ép ai đó uống cũng không có bia để mà ép. Khách mời vì vậy thường chỉ ngồi yên ở bàn mình chứ không xách ly chạy đi các bàn khác để cụng với người quen.
Cách ăn của người Hà Nội là ai đến trước ăn trước, bàn nào đủ người thì tất cả cùng ăn, ăn hết các món trên bàn rồi thì về chứ ngồi lại tiếp biết làm gì vì đến món tráng miệng cũng đã được dọn sẵn từ đầu!
Vậy nên người Hà Nội mới gọi là đi ăn cưới chứ ít khi dùng từ "đi đám cưới" như Sài Gòn.
Thứ ba: đám cưới ở Hà Nội nhìn chung không có chuyện khách mời lên hát góp vui, hát để chúc mừng cho ngày trọng đại của cô dâu chú rể.
Đương nhiên cũng sẽ không có tiết mục khách mời nhảy múa tưng bừng trên sân khấu như ở Sài Gòn. Vậy nên tiệc cưới sẽ có nhạc với âm lượng vừa phải, khách tập trung ăn, ăn xong nhanh rồi về.
Thứ tư: để có thể đến dự đám cưới đúng giờ vào buổi trưa đương nhiên người Hà Nội phải ăn bớt thời gian làm việc của cơ quan vì có cơ quan nào nghỉ trưa trước 11 giờ đâu nhưng tiệc cưới 11 giờ đã bắt đầu ăn rồi.
Có lẽ người Sài Gòn không dám bỏ cơ quan về sớm nên cũng đành phải đi đám cưới trễ thôi.
Nói gì thì nói, xài giờ dây thun dù là trong bất cứ công việc gì chứ không chỉ là đám cưới đều là điều không nên, là thói quen xấu cần phải sửa.
Tôi không biện minh cho thói xấu này nhưng tôi thích đám cưới kiểu vui vẻ, ồn ào của Sài Gòn hơn là kiểu nhẹ nhàng, nhanh gọn đánh nhanh rút nhanh của Hà Nội.
Điều thú vị là có người bạn miền Bắc của tôi sau khi dự đám cưới Sài Gòn đã nói rằng: đám cưới Sài Gòn vui hơn!