Dù mang trong mình bệnh cao huyết áp nhưng suốt 25 năm qua bà vẫn nén lại nỗi đau để nuôi hai đứa con bị bệnh lạ. Bao nhiêu tài sản dốc vào chữa bệnh cho hai người con nhưng đều không khỏi. Cuộc sống khó khăn lại càng khó khăn thêm khi năm 2003 người chồng bỏ bà và những đứa con tội nghiệp ra đi để lại 3 mảnh đời bất hạnh trong ngôi nhà vắng lạnh.
Người phụ nữ ấy là Hoàng Thị Thê (SN 1938, trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).
|
Bà Thê quặn lòng nhìn đứa con tật nguyền. |
Hạnh phúc chưa tày gang
Năm 20 tuổi, bà Thê se duyên cùng ông Trần Rạm (Lộc Bốn, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) một người chiến sĩ cách mạng. Đầu năm 1974, bà Thê sinh ra đứa con trai đầu lòng khôi ngô Trần Đức Nghĩa trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Nghĩa ngày càng lớn khôn, đẹp trai, học giỏi trong niềm tự hào của hai bên nội ngoại. Trong sáu năm học ở trường trung học xã Hòa Thọ lúc bấy giờ em đều là học sinh giỏi của trường. Hạnh phúc chưa tày gang thì đến năm học lớp 6, lực học của Nghĩa giảm sút nghiêm trọng. Những bài giảng, bài toán Nghĩa giải trước rồi lại quên sau. Thầy cô ở trường lo cho một học sinh sáng dạ, hôm đi học hôm thì nghỉ, bạn bè, rồi thầy cô thay nhau đưa Nghĩa đến trường.
Thế rồi, cả gia đình như sụp đỗ khi nghe bác sĩ báo hung tin: Nghĩa bị rối loạn thần kinh. Từ đó, bao nhiêu tài sản có giá trị đều được gia đình đem bán để lấy tiền đưa Nghĩa đi chữa bệnh khắp nơi nhưng căn bệnh ngày thêm trầm trọng. Bà Thê nghẹn ngào: “Cơ thể cháu ngày ngày teo lại, trước kia cháu cũng phải được 50kg, nhưng đến giờ chỉ còn chừng 30kg. Nó chỉ biết nằm bất động một chỗ, lưỡi cháu giờ cũng thụt hẳn vào trong miệng không nói được nữa”.
Tưởng rằng, hạnh phúc sẽ được an ủi phần nào khi người con thứ hai là Trần Thị Ty Nga (SN 1977) được sinh ra và lớn lên khỏe mạnh và học giỏi nhất xã lúc bấy giờ. Nhưng cũng giống như người anh, đến học kỳ 2 lớp 10, nhà trường phát hiện Nga có biểu hiện khác với những bước đi khập khiễng, thân hình ngày càng xanh xao gầy yếu. Một lần nữa bà Thê lại đưa Nga đi chữa bệnh khắp nơi và câu trả lời nhận được là Nga cũng bị bệnh giống như người anh. Với số tiền 119 triệu do Nhà nước đền bù giải tỏa, bà Thê lại đưa Nga đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để điều trị. Ròng rã suốt cả năm ở bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) nhưng bệnh tình của Nga vẫn không hề thuyên giảm.
Nỗi đau xé lòng
Nói về những đứa con tội nghiệp, bà Thê cho biết, suốt 25 năm qua, Trần Đức Nghĩa chỉ biết ngồi một chỗ, thân hình co quắp như con tôm, lưỡi đã tụt hẳn bên trong nên không nói thành lời. “Những lúc Nghĩa cần gì là cứ ú ớ, nghiến răng liên tục. Có những hôm trời nắng gắt, nó lại lên cơn co giật. Cho nó ăn cơm cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ mới xong, có những hôm vừa ăn xong lại nôn ra. Nhất là vào những ngày nắng nóng như thế này, tối đến không ngủ được Nghĩa lại rú lên từng cơn. Những lúc như thế, tui chỉ biết lấy tay bịt vào miệng chúng để không ảnh hưởng đến bà con hàng xóm. Nhìn con đau đớn nhưng nhà nghèo thế này thì biết làm sao được nữa hả chú”, bà Thê xót xa cho biết.
|
Bà Thê (ngoài cùng bên phải) cùng người em họ bên cạnh hai con bị bạo bệnh. |
Còn Nga, mỗi lúc thấy mẹ chăm sóc cho người anh, Nga lại khóc ré lên, nằng nặc đòi mẹ ngồi bên cạnh. Đến bây giờ, bệnh của Nga càng nặng thêm, giọng nói bắt đầu lớ lớ, bàn chân cũng dần quắp lại. Chưa dừng lại ở đó, mới đây, bà Thê lại đón nhận thêm nỗi đau lớn khi người chồng của bà vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh chất độc da cam do chiến tranh để lại.
Dù đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” và thân mang bệnh cao huyết áp, nhưng bà Thê vẫn ngày ngày phải đi mò cua bắt ốc từ tinh mơ để lấy tiền chăm sóc hai đứa con tội nghiệp. Ngồi bên chiếc giường cũ nát trong căn nhà cấp 4 xập xệ, bà Thê tâm sự trong nước mắt: Từ khi đưa 2 đứa về nhà sống cùng với bệnh tật, tài sản trong nhà không còn gì đáng giá. Ngoài mấy đồng trợ cấp của nhà nước, trong nhà có thứ gì là tui bán hết để có tiền mua thuốc cho chúng. Mỗi khi nhìn hai đứa vật lộn với nổi đau của bệnh tật, tôi như đứt từng khúc ruột. Nhà sát vách bà Thê, anh Lê Tiến chua xót kể: “Tội nghiệp bà Thê và hai cháu. Mỗi lúc lên cơn, chúng la ó cả ngày lẫn đêm. Nhà nghèo, bà Thê thì tuổi già sức yếu không biết sã cáng đáng được bao lâu. Sự giúp đỡ của bà con hàng xóm cũng giới hạn”.
Ông Phùng Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông cho biết: Trong các gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc dioxin, trường hợp bà Thê là khó khăn nhất, nguồn thu của gia đình chủ yếu dựa vào những đồng trợ cấp của nhà nước. Là một gia đình chính sách, chính quyền luôn đặt sự quan tâm ưu tiên hàng đầu đến gia đình bà Thê. Tuy nhiên, số tiền ít ỏi đó cũng không thấm thoát vào đâu vì chi phí điều trị cho hai con của bà Thê quá lớn.
Thông qua báo Kiến Thức, chính quyền địa phương và gia đình rất mong sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để mẹ con bà Thê giảm bớt khó khăn. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Hoàng Thị Thê (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).