Vượt đoạn đường dài khoảng 3 km từ thị trấn Bo nối sang xã Trung Bì, đi qua một dãy núi đá, chúng tôi đã tìm đến được gia đình của bà Bùi Thị Mỹ (xóm Rường, Trung Bì, Kim Bôi, Hòa Bình ).
Vừa bước chân vào cổng ngôi nhà nhỏ cấp 4, hình ảnh 3 cô gái tật nguyền ngồi ú a ú ớ cùng một cụ già lê lết trước hiên nhà, khiến chúng tôi hiểu được phần nào về hoàn cảnh mà bấy lâu nay bà Bùi Thị Mỹ phải chịu đựng.
|
3 cô con gái tật nguyền, cùng người mẹ già của bà Bùi Thị Mỹ lê lết trước hiên nhà. |
Nghẹn ngào những giọt nước mắt, bà Bùi Thị Mỹ kể lại hoàn cảnh của gia đình: “Năm 1976 tôi cùng ông Bùi Văn Kột (sinh năm 1951) lập gia đình, đến năm 1978 niềm vui đã đến cùng gia đình chúng tôi, khi tôi sinh được cô con gái thứ nhất, nhưng chỉ ít lâu sâu nó đã bị “ông trời” bắt đi mất rồi (bị chết đuối).
Năm 1979 tôi sinh ra chị Nga (Bùi Thị Nga), năm 1981 chị Na (Bùi Thị Na), năm 1999 là chị Lành (Bùi Thị Lành). Sinh ra được 3 cô con gái lần này, những tưởng cuộc sống của gia đình chúng tôi sẽ vui vẻ trở lại, nhưng tất cả mọi hy vọng đều tan biến khi cả 3 đứa con đều bị tật nguyền từ lúc sinh ra.
Vì chúng tôi làm nông nghiệp, hàng ngày chỉ biết trông nhờ vào cây lúa để sống nên chẳng biết lấy tiền đầu để đưa con đi chữa bệnh. Nhưng thấy con đau đớn, khóc lóc… cả hai vợ chồng, cùng mẹ (mẹ chồng – Bà Bùi Thị Nếp, sinh năm 1920) cũng đã cố gắng chạy đi vay mượn bà con, hàng xóm khắp nơi (ai có tiền thì vay tiền, ai có thóc thì vay thóc rồi về bán đổi tiền…) để đưa con đến bác sỹ.
Rồi sự cố gắng của mọi người trong nhà cũng thành nỗi tuyệt vọng, khi nhận được kết luận của bệnh viện về bệnh tình của các con (Đục tinh thể bẩm sinh và bại liệt).
Mỗi ngày, nhìn con mình lớn lên khờ dại không bình thường giống như bao người khác mà lòng tôi đau quặn thắt, nhiều đêm nằm ngủ chỉ biết khóc nghẹn ngào. Nhưng không phải vậy mà tôi từ bỏ các con, tôi vẫn sẽ cố gắng để chăm sóc cho các con cho đến khi nào chúng rời tôi bước sang “thế giới bên kia” mới thôi”.
|
Bà Bùi Thị Mỹ cùng mẹ già và 3 cô con gái tật nguyền (phía trước). |
Hoàn cảnh của gia đình bà Mỹ buồn là vậy và càng trở nên buồn u ám hơn khi ông Kột mất đi (tháng 7/2013). Giờ đây, bà Mỹ phải một mình lặn lội lên rừng, xuống ruộng chăm chỉ làm lụng mong làm ra tiền nuôi 3 đứa con và người mẹ già. Dường như mọi hoạt động đi lại, sinh hoạt cá nhân của 3 cô con gái đều do bà Mỹ lo liệu hết.
Chứng kiến hoàn cảnh cảnh khó khăn của người hàng xóm, ông Bùi Văn Ban nói: “Hoàn cảnh của gia đình chị Mỹ đáng thương lắm. Mặc dù chồng đã mất, phải một thân, một mình nuôi ba đứa con tật nguyện, cùng một mẹ già nhưng chị Mỹ vẫn không hề chán nản. Chị Mỹ sống chưa bao giờ gây xích mích hay tranh cãi với ai trong xóm cả, chúng tôi rất khâm phục ý chí và nghị lực của chị ấy”.
Ông Bùi Văn Tân (Trưởng thôn) chia sẻ: “Gia đình bà Mỹ là một gia đình đặc biệt nhất trong thôn. Nhiều năm nay phải gánh chịu không biết bao nhiêu đắng cay, khổ cực. Chứng kiến hoàn cảnh sống khó khăn của gia đình bà Mỹ, các ban ngành trong thôn đã làm đơn đề nghị gửi lên cấp trên, mong được hỗ trợ, nhằm giúp đỡ phần nào nỗi khó khăn vất vả cho gia đình bà Mỹ. Giờ đây, hàng tháng gia đình bà Mỹ đã được nhà nước trợ cấp cho 3 cô con gái mỗi người được 200 nghìn đồng/1 tháng, còn mẹ già được 180 nghìn đồng/tháng”.
Tạm biệt gia đình bà Mỹ, rời khỏi xã Trung Bì hình ảnh 3 con người tật nguyện cùng 1 cụ già ngồi lê lết trước hiên nhà vẫn luôn ám ảnh theo chúng tôi!. Có lẽ số phận đã “an bài” trước cho gia đình bà Mỹ như vậy rồi. Chúng tôi cũng phải khâm phục trước ý chí và nghị lực vươn lên trước những khó khăn vất vả mà bà Mỹ đã phải trải qua trong cuộc sống.