Sinh ra kém phần may mắn
Anh là Nguyễn Văn Trượng (38 tuổi), sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo tại thôn Tập Mỹ (La Sơn, Bình Lục, Hà Nam). Là con thứ 3, anh cũng là người “kém phần may mắn” nhất trong số 4 anh chị em. Lúc mới 3 tháng tuổi, Trượng đã bị căn bệnh bại liệt. Càng lớn đôi chân của anh càng ngày càng nhỏ đi rồi teo tóp lại. Anh Trượng đã phải sống cùng căn bệnh, mỗi khi lên cơn đau vật vã, chỉ biết gào thét, khóc lóc trong đau đớn.
Sau đó, bố mẹ Trượng đã chạy vạy khắp nơi vay tiền đưa con đi bệnh viện chữa trị, mong con được khỏi bệnh, sống vui vẻ như bao người bình thường khác. Ban đầu, việc điều trị đôi chân Trượng khá thuận lợi, cả hai chân đều không còn “teo nhanh” như ban đầu nữa. Nhưng gia đình phải nộp thêm tiền viện phí mới duy trì “sự sống” lâu dài cho Trượng được. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, kinh tế gia đình lại chỉ phụ thuộc vào ba sào ruộng, gia đình đành “nuốt nước mắt vào trong" ngậm ngùi đưa con về nhà “sống được ngày nào thì hay ngày đấy”. Về tới nhà một thời gian Trượng phải nằm nguyên một chỗ, lúc nào muốn đi đâu đều gọi anh trai cõng.
Khi thấy bạn bè cùng trang lứa tới lớp, Trượng cũng đòi muốn đi học, cho con “được toại nguyện” bố mẹ đã bảo Dân (anh trai Trượng) cõng đưa em tới trường. Nhưng chỉ học đến lớp 3, Trượng không đi học nữa, bởi sợ bị bạn bè “kỳ thị”.
Không để số phận “an bài”
Từ lúc sinh ra Trượng được số phận “an bài” như vậy, nhiều người bảo rằng, có lẽ, suốt cuộc đời này Trượng sống chỉ là người “vô dụng” mà thôi. Nhưng bản thân Trượng không chịu khuất phục trước số phận. Nếu không đi được bằng chân, thì Trượng sẽ dùng đôi bàn tay. Anh tỳ hai tay xuống đất, chống lê đi dần dần được từng đoạn. Mới đầu chưa quen việc đi lại như vậy nên hai bên khuỷu tay của anh bị “phình to” hơn những chỗ khác, đau, nhức nhưng dần dần rồi cũng thành quen.
|
Chân bị bại liệt, anh Trượng sử dụng đôi bàn tay để di chuyển. |
Lên 13 tuổi, Trượng đã theo lớp học may trong thôn. Những ngày đầu, việc học vô cùng vất vả, bởi Trượng nghỉ học từ năm lớp 3 nên tiếp thu hơi chậm. Nhưng, không vì chút khó khăn ấy mà từ bỏ việc học của mình, anh luôn cố gắng chăm chú nghe giảng, tiếp thu và nhớ lấy những gì được học trên lớp.
Chính bằng ý chí, nghị lực và sự kiên trì cố gắng học hỏi, anh Trượng đã nhanh chóng trở thành một học viên “xuất sắc” ngay sau khi khóa học kết thúc, sau đó anh đã được hội khuyết tật của thôn Tập Mỹ (xã La Sơn, Bình Lục, Hà Nam) mời làm thầy, vừa làm, vừa dạy cho các học viên của các lớp may (đều là những khuyết tật ). Hiện tại lớp có 9 học viên, nhỏ tuổi nhất khoảng 19 tuổi, cao nhất tầm 40 tuổi.
Cuộc sống cứ thể trôi đi, những tưởng suốt cả cuộc đời Trượng sẽ phải sống “cô độc” một mình, nhưng hạnh phúc đã mỉm cười với anh, khi anh gặp được chị Lây. Hai người đã quyết tâm sống bên nhau (năm 2001), bỏ qua mọi dị nghị, cấm đoán của hai bên gia đình. Hạnh phúc của đôi vợ chồng được nhân lên gấp bội, khi hai đứa con gái nhỏ chào đời (Nguyễn Thị Thúy và Nguyễn Thị Thảo). Nhưng sau đó, chị Lây mắc phải căn bệnh lạ, thỉnh thoảng thần kinh không được ổn định, hay quên và nói năng không được “khôn ngoan”.
Trượng than thở: “Lúc đó thực sự chỉ muốn khóc vì thương vợ quá, cô ấy đã phải gánh chịu nỗi đau khổ quá nhiều”.
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng vợ chồng anh Trượng cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ. Hiện vợ chồng anh đang ở tạm trong căn nhà 15m2 do anh Dân (anh trai của anh Trượng) dựng cho. Anh Trượng cũng đã vay thêm bạn bè ít tiền mua chiếc máy khâu về nhà, sau đó nhận may quần áo cho người dân trong làng mong kiếm đồng vào, đồng ra. Trung bình mỗi chiếc quần, áo anh lấy giá từ 25 đến 30 nghìn đồng.
|
Gia đình anh Trượng vẫn luôn vui vẻ, sống hạnh phúc bên cạnh nhau, mặc dù hoàn cảnh còn rất khó khăn. |
Chứng kiến trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Trượng, bác Vũ Mạnh Cường (Trưởng thôn Tập Mỹ, xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) chia sẻ: “Gia đình anh Trượng, chị Lây thực sự đặc biệt rất khó khăn. Anh Trượng bị tật bẩm sinh từ bé ai nấy trong thôn cũng đều biết, còn chị Lây người cũng chẳng được “khôn ngoan” mấy. Nhưng thực sự đối với gia đình, Trượng có một ý chí, nghị lực rất kiên cường, luôn cố gắng để vươn lên trong cuộc sống. Trượng đã khiến cho mọi người trong thôn ai nấy cũng đều phải khâm phục.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Trượng, các cán bộ trong thôn đã họp bàn và xếp gia đình Trượng thuộc một trong những diện hộ nghèo nhất trong thôn, rồi giúp làm đơn xin được hưởng chế độ “đặc biệt” dành cho người khuyết tật, gửi lên cấp trên. Đến nay, Trượng đã được hưởng trợ cấp 180 nghìn đồng/tháng. Nhưng thực sự cứ như tình cảnh hiện nay không biết cuộc sống mai sau của vợ chồng Trượng cùng hai con sẽ ra sao nữa?”.
|
Dù bị liệt cả hai chân, anh Trượng vẫn luôn cố gắng làm việc mong kiếm được miếng cơm no, manh áo ấm cho vợ và hai con nhỏ. |
Anh Trượng cho hay: “Đã làm cha nên cần có trách nhiệm, cho dù tôi bị bệnh tật nhưng đôi mắt tôi vẫn sáng, tay tôi vẫn cử động được tôi sẽ cố gắng để chăm lo cho vợ và nuôi hai con ăn học (đứa lớn lớp 5, nhỏ lớp 3) nên người”.
Khi hỏi về ước mơ sau này thì anh cúi mặt nói nhỏ: “Muốn được sống trong một căn nhà nhỏ, lúc mưa xuống không còn bị dột nước, nắng lên không còn thấy những tia nắng xuyên xuống và mong hai cô con gái sẽ được ăn, học đàng hoàng”.
Dẫu ước mơ đó còn quá xa vời, nhưng chúng tôi tin rằng bằng nghị lực của mình, anh Trượng cùng gia đình sẽ sớm vượt qua nỗi khó khăn này.
Mọi sự giúp đỡ của độc giả xin gửi về:
1. Anh Nguyễn Văn Trượng, thôn Tập Mỹ, xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
2. Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức
Địa chỉ: Số 465 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 0974.974.104
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức.
Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay.