|
Nhà hát huyện Đan Phượng. |
Nhà hát huyện Đan Phượng với tổng vốn đầu tư 117,41 tỷ đồng được phê duyệt khi chưa có nguồn vốn bố trí, không được thực hiện quy trình thẩm định vốn. Đó là kết quả thanh tra của TP Hà Nội công bố mới đây. Việc xây dựng nhà hát này một lần nữa lại đặt ra vấn đề lãng phí trong sử dụng ngân sách.
Thực ra, xây dựng nhà hát để phục vụ đời sống văn hóa - tinh thần của người dân là nên làm. Bởi như nhiều nhà quản lý và nhà nghiên cứu đã chỉ ra, chúng ta sẽ không thể có được những thiết chế văn hóa (bảo tàng, nhà hát, thư viện...) nếu chúng ta không xây dựng. Song, nhà hát đã cấp thiết đến mức chính quyền huyện Đan Phượng cho làm một cách vội vàng khi chưa có nguồn vốn, phớt lờ quy trình thẩm định vốn chưa? Có đến mức không có nhà hát thì người dân trong huyện không có chỗ vui chơi, giải trí không? Câu trả lời là không, bởi báo chí đã phản ánh, nhà hát nằm đối diện Trung tâm Thể dục - Thể thao huyện và nhiều năm qua, trung tâm này gần như "đắp chiếu" do thiếu kinh phí duy trì.
Chuyện nhà văn hóa huyện xây dựng hơn trăm tỷ đồng gợi cho nhiều người liên tưởng về những khu chợ hàng chục tỷ đồng bỏ hoang, những công trình văn hóa vừa xây xong đã hỏng hóc, những trụ sở cơ quan công quyền hoành tráng mọc lên giữa vùng đất còn nhiều khó khăn... Đó là sự lãng phí ngân sách đã được báo chí, dư luận lên tiếng lâu nay song dường như vẫn chưa đủ sức "thức tỉnh" nhiều địa phương khác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói trong buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hồi tháng 5/2013 rằng: "Lãng phí nhiều khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng, lớn hơn cả tham nhũng vì không đong đếm được. Các quy định hiện nay đều khẳng định rõ sẽ xử lý nghiêm, vừa qua cũng đã có chỉ đạo, chấn chỉnh ở nhiều lĩnh vực".
Thực tế, tham nhũng, lãng phí đang dần bào mòn niềm tin của người dân vào cán bộ, cơ quan quản lý. Bởi nếu làm một phép quy đổi, số tiền từ việc xây dựng các công trình chưa cấp thiết này mà được dùng để làm đường sá, trường học, nâng cấp bệnh viện... sẽ giúp ích cho dân chúng biết nhường nào!
Do đó, để không còn điệp khúc "nhà hát trăm tỷ" bỏ hoang, "chợ hàng chục tỷ" bỏ hoang... thì rất cần sự vào cuộc sát sao hơn nữa từ phía những người có trách nhiệm. Cần phải xem các công trình xây dựng đã thực sự cấp thiết chưa hay để 3, 5, 10 năm sau khi kinh tế phát triển xây dựng cũng chưa muộn? Ai thực sự là người được hưởng lợi khi xây dựng các công trình này? Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương như thế nào trong việc để xảy ra lãng phí ngân sách?... Chừng nào xảy ra lãng phí mà không truy rõ được trách nhiệm của người liên quan thì chừng đó, câu chuyện chống thất thoát, lãng phí sẽ vẫn còn là cả một chặng đường dài, gây nhức nhối xã hội.