Xây nhà hát Thăng Long 4.500 tỷ: Chưa tính toán chiến lược?

Google News

(Kiến Thức) - "Việc Hà Nội bỏ ra số tiền lớn để xây dựng Nhà hát Thăng Long là một thứ tính toán tạm gọi là có tầm nhất định. Nó chỉ thức thời theo kiểu chụp giật mà thôi", PGS.TS Trần Ngọc Vương nêu quan điểm.

Nếu bỏ phiếu, tôi tin dân phản đối

TP Hà Nội sẽ khởi công xây dựng Nhà hát Thăng Long vào 10/10/2015, với tổng số vốn khoảng 4.500 tỷ đồng. Là một người nghiên cứu văn hóa, ông đón nhận thông tin này thế nào?

Tôi là người nghiên cứu văn hóa cho nên những sự kiện văn hóa có tính chất nâng cao tầm vóc văn hóa của Thủ đô thì tôi ủng hộ. Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi mà nền kinh tế đang gặp phải rất nhiều khó khăn thì liệu có nên làm ngay hay không? Hay đợi cho kinh tế hưng vượng hơn? Tôi thiên về sự lựa chọn thứ hai.

Nhưng việc xây dựng thiết chế văn hóa có giá trị dài lâu. Nếu cứ e ngại rằng bây giờ kinh tế còn khó khăn, tạm hoãn lại thì đến bao giờ ta mới có được những nhà hát, bảo tàng chứ? 

Đương nhiên, chúng ta sẽ chẳng có gì nếu chúng ta không làm. Nhưng trong giai đoạn này, khi mà nợ công lên tới cả triệu tỷ; người dân còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn; Hà Nội vẫn còn những hộ nghèo thì việc xây dựng nhà hát quy mô, hiện đại, tốn kém như thế lạc lõng lắm! 4.500 tỷ chứ có ít gì đâu. Số tiền đó có thể mở rộng Bệnh viện Bạch Mai, xây thêm khối trường học phổ thông đấy. Tôi chưa thấy có dự án nào cho y tế, giáo dục - những lĩnh vực thiết yếu mà lại được tạo điều kiện thuận lợi cả. Nếu lấy ý kiến người dân về việc xây dựng nhà hát trong thời điểm này, tôi tin dân sẽ phản đối.

Đừng có gắn ý nghĩa cho biểu trưng văn hóa!

Theo ông thì liệu Hà Nội có thiếu những thiết chế văn hóa biểu trưng đến mức cần phải xây dựng?

Ở bất kỳ quốc gia, địa phương nào cũng cần có những công trình văn hóa mang tính biểu tượng đủ sức hấp dẫn, tập hợp nhân dân cùng hưởng thụ. Địa chỉ văn hóa phải làm sao để khi nhắc đến thì nó phải gợi lên cả quá trình tích hợp văn hóa của cộng đồng ấy, hoặc phải mang những hoạt động đặc trưng, phải có điểm nhấn, tạo thế mạnh về mặt văn hóa. Nếu thế thì Hà Nội đã có Hồ Gươm, có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có Cột cờ, có Nhà hát Lớn... rồi đấy chứ! Đương nhiên, việc xây mới cũng cần vì xét ở góc độ nào đó nó sẽ mang hơi thở thời đại. Thế nhưng, tôi cho rằng không đến mức phải vội vàng xây dựng thêm đâu.

Với số tiền đó, dường như người ta đang kỳ vọng Nhà hát Thăng Long sẽ trở thành biểu tượng văn hóa Thủ đô?

Nếu chiểu theo những góc độ mà tôi vừa phân tích ở trên thì tôi e rằng công trình này quy mô quá lớn so với khả năng nó tạo ra được sức hút văn hóa, thành biểu tượng văn hóa. Cần nhớ, tất cả những địa chỉ văn hóa ở các quốc gia nói chung không nổi danh chỉ bởi một sự hoành tráng, quy mô to tát, đầu tư nhiều tiền của đâu. Văn hóa tự bản thân đã tôn vinh nó. Hồ Gươm diện tích có đáng bao nhiêu? Nhưng vì nó quá nổi tiếng gắn với lịch sử nên người ta biết tới. Những biểu tượng văn hóa có những quy luật tồn tại đặc thù, nó tự phát sinh ý nghĩa chứ không phải anh cấp cho nó, gắn ý nghĩa cho nó. Còn nếu chúng ta muốn cấp nghĩa cho công trình văn hóa thì nó phải có ý tưởng thật độc đáo.

Sẽ không lạc quan tếu khi tin rằng người ta hẳn cũng phải có những ý tưởng độc đáo cho việc xây dựng nhà hát này?

Tôi chẳng thấy có cái gì để tin cả.

Liệu ông có quá cực đoan?

Bởi vì, tôi được biết trong bản thiết kế sẽ xây dựng khối biểu diễn hòa nhạc cổ điển từ 1.200 - 1.500 chỗ ngồi. Trong khi tôi đã từng đến dự buổi hòa nhạc ở Nhà hát Lớn nhưng ít người đến xem lắm, vì có phải ai cũng hiểu đâu.

Thêm nữa, thực tế cho thấy, bao nhiêu công trình nghệ thuật, có những công trình trọng điểm nhưng cách thiết kế, sử dụng, khai thác đều có vấn đề. Chẳng hạn như Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia hiện nay, người ta dành để cho thuê làm đám cưới, các cuộc liên hoan của doanh nghiệp... Tôi thấy phản cảm lắm! Mới đây nhất là Bảo tàng Hà Nội đưa vào sử dụng thì hiện vật trưng bày lèo tèo, xuống cấp. Đấy, tất cả những cái đó khiến người ta không thể không nghi ngờ khi lại một thiết chế văn hóa ngốn một lượng tiền không nhỏ ra đời.

PGS.TS Trần Ngọc Vương, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
nói về việc Hà Nội xây Nhà hát Thăng Long với số vốn 4.500 tỷ đồng. 

Chỉ thấy có lợi cho giải phóng mặt bằng

Nói thế có nghĩa ông đang nghi ngờ nhà quản lý nếu không muốn nói đánh giá thấp họ, bởi những bài học nhãn tiền đó - không khó để họ nhận ra mà rút kinh nghiệm?

Có thể họ sẽ rút kinh nghiệm. Nhưng họ phải chứng minh được rằng họ đã tính toán thật kỹ các hạng mục để khai thác, cần có chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, kể cả chuyên gia kinh tế về văn hóa. Chứ nếu chỉ tính toán đại khái có khu đất như thế, cần ngần ấy tiền thì xưa nay những thứ kiểu như vậy vẫn tồn tại và là miếng mồi cho người nào đó, là kẽ hở để ai đó trục lợi. Ở việc xây Nhà hát này, tôi mới chỉ thấy nó có lợi trong khâu giải phóng mặt bằng.

Tôi chưa hiểu ý ông?

Thời điểm này có lẽ thuận lợi cho việc triển khai dự án khi bất động sản đang chạm đáy, trong khi Luật Đất đai mới chưa được ban hành, do đó việc thu hồi giải phóng mặt bằng sẽ suôn sẻ. Ngay cả việc đền bù có sát giá thị trường đi nữa thì nhà đầu tư cũng tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. 

Liệu có thể hiểu đó là một quyết định thông minh?

Đây là một thứ tính toán tạm gọi là có tầm nhất định nhưng nó không phải là sự tính toán chiến lược. Nó chỉ thức thời theo kiểu chụp giật mà thôi. Ngoài ra, tôi chẳng thấy có gì nữa cả. 

Chẳng lẽ văn hóa không có "miếng bánh" nào à?

Với những gì ông chỉ ra thì việc xây dựng Nhà hát này nên hoãn lại?

Tôi cho rằng đó là việc cần làm. Thành phố có thể giải phóng mặt bằng xong quây lại, để đấy, đợi thời cơ hãy làm chứ làm bây giờ không phải là cách khôn ngoan.

Năm ngoái, Bộ Xây dựng có đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với số vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Đầu năm nay, Chính phủ cũng phê duyệt Đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020 với kinh phí dự kiến 10.800 tỷ đồng. Theo ông thì những sự kiện đó nói lên điều gì?
 
Có thể là võ đoán khi cho rằng, những việc làm ấy chỉ là để phân phối miếng bánh cho các bộ phận khác nhau, kiểu chẳng lẽ bộ phận văn hóa không có miếng nào à? Cái đó thật sự đáng lo lắm. Trong thực tế, lợi ích nhóm bây giờ cũng đa dạng, zích zắc lắm. Có câu "Ai cũng thấy có một người không thấy". Nếu anh ở bên ngoài thì trực giác lành mạnh của đời sống biết ngay việc làm ấy là cái gì, trừ người trong cuộc mới không biết mà thôi bởi người ta đang "bịt tai trộm chuông" ấy mà. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

- TP Hà Nội dự kiến sẽ khởi công xây dựng công trình trọng điểm Nhà hát Thăng Long vào ngày 10/10/2015, tại khu vực Tây Hồ Tây với số vốn 4.500 tỷ đồng. Nhà hát do Công ty Renzo Piano Building Workshop thiết kế. Diện tích nhà hát khoảng 9ha. 

- "Chừng nào thì chúng ta mới không hỏi rằng: Công trình lớn được đầu tư hoàn toàn do thiện tâm, do những mục tiêu hoàn toàn khách quan, không có một lợi ích nào đứng đằng sau?".
PGS.TS Trần Ngọc Vương

TIN BÀI LIÊN QUAN











BÀI ĐỌC NHIỀU


Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)