CAFE ĐẦU TUẦN này của Kiến Thức bắt đầu bằng cuộc trò chuyện với ông Đỗ Văn Chỉnh nguyên Thẩm phán, Chánh thanh tra TAND Tối cao liên quan vụ việc 5 công an dùng nhục hình làm chết nghi can vẫn rất nóng dư luận.
Không nắm vững quyền hạn tòa án
- Ông có quan tâm tới vụ 5 công an dùng nhục hình làm chết nghi can, vừa bị TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đưa ra xét xử mới đây?
Tôi có.
- Dư luận cho rằng, bản án tòa tuyên là quá nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Ông Lương Quang - Chánh án TAND TP Tuy Hòa có giải thích là “chúng tôi chịu rất nhiều áp lực” và “chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt (?)”. Ông bình luận gì về lời phát biểu này?
Cách trả lời này chứng tỏ ông ấy không nắm vững quyền hạn của tòa án khi xét xử sơ thẩm. Tại Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Còn Điều 196 của Bộ luật này quy định giới hạn của việc xét xử như sau: “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”. Như vậy, nếu tòa Tuy Hòa xét xử theo cáo trạng của Viện kiểm sát thì dù mức án có bị coi là nhẹ vẫn đúng luật. Còn nó sai như thế nào thì phải chờ tòa án cấp trên giải quyết theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm.
Với một chánh án mà bị cho rằng không nắm vững quyền trong xét xử thì có phải là chụp mũ, thưa ông?
Cách trả lời của ông ta chứng tỏ điều đó mà. Nhưng trong lời phát biểu ấy, tôi e là còn vấn đề khác nữa.
Phải chăng có một “ẩn ức” nào đó mà ông Chánh án tòa Tuy Hòa đã không thể nói thẳng ra?
Câu từ của ông ấy đang khiến người ta hiểu như vậy đấy.
|
Ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Thẩm phán, Chánh thanh tra Tòa án nhân dân Tối cao. |
Ca thán là phải rồi
Thời ông làm Thẩm phán, có khi nào ông chịu áp lực trước một phiên tòa nào đó?
Có chứ. Nhưng thời của tôi thì áp lực là phải làm sao đảm bảo công bằng, xét xử đúng người đúng tội, không thể để chuyện đáng ra phải kết án nặng hơn nhưng tuyên án lại nhẹ hơn hoặc ngược lại vì ý kiến của hội đồng xét xử rất được coi trọng, không bị can thiệp làm thay đổi bản án bao giờ.
Thời của ông là cách đây bao lâu rồi?
Ấy là từ giai đoạn 2002 trở về trước.
Tôi tưởng đó là áp lực chung của thẩm phán, thời nào cũng phải thế chứ?
Về mặt nguyên tắc, tòa án phải đảm bảo sự công bằng, xét xử độc lập và đúng luật. Thế nhưng, thực tế xét xử bây giờ có nhiều người ca thán.
Việc người ta ca thán cũng không phải là không có lý, khi những vụ việc oan sai rành rành, được điểm mặt chỉ tên như trong thời gian qua không ít?
Đúng vậy. Người ta ca thán cũng phải. Có nhiều vụ án phải chờ đến giám đốc thẩm mới hủy bản án để điều tra lại. Sai sót thời nào cũng có, nhưng đến mức cố tình gạt đi những tình tiết quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc kết án thì bây giờ nhiều quá. Ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang sau 10 năm mới được giải oan. Bây giờ, trong xét xử, chẳng khó để thấy những quyết định khó hiểu, không đúng quy định của pháp luật nữa rồi. Thế nên người dân mất dần niềm tin vào công lý.
Trách riêng thẩm phán là không công bằng
Thử lý giải nguyên nhân của việc trong xét xử đưa ra những quyết định khó hiểu, theo ông thì vì đâu?
Có quyết định bảo họ không hiểu luật thì cũng không hẳn. Bảo họ nhận tiền bôi trơn thì cũng khó chứng minh. Nhưng có một điều dễ thấy là nhiều khi người ta nể nang, bao che cho nhau, ví như khi bị cáo cùng là công chức, nhất lại là lãnh đạo cấp sở mà tòa án cấp huyện xét xử thì dễ có sự nương tay. Xong rồi liên quan đến vấn đề thành tích, nếu như việc xét xử có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nhưng không bị phanh phui thì họ cứ ung dung cho qua bởi nếu xử lại thì ảnh hưởng đến thi đua của cơ quan. Từ đó nó tạo ra tiền lệ xấu, để nếu có vụ án tương tự thì người ta “há miệng mắc quai”, khó mà làm nghiêm được. Nhưng chỉ vì như thế mà trách riêng ông thẩm phán thì cũng không công bằng.
Vậy làm sao thì mới gọi là công bằng, thưa ông?
Trước hết cũng phải xem xét ở cả khâu điều tra của công an, trách nhiệm của viện kiểm sát nữa xem họ làm đã đúng chưa. Nhưng tôi cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là từ chính cơ chế làm việc.
Cơ chế ư?
Đúng. Hiện nay đang có cơ chế cử thẩm phán, tức là ban tổ chức cấp ủy ở địa phương giới thiệu người nào ra làm thẩm phán thì người ấy được. Nó khác thời của tôi là lãnh đạo tòa án xem xét giới thiệu thẩm phán để hội đồng nhân dân cùng cấp bầu chọn; còn thẩm phán tòa tối cao thì sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương, trong đó có đại diện các ban ngành như Mặt trận Tổ quốc để bầu. Chính cơ chế cử thẩm phán hiện nay đang đẻ ra những thẩm phán chỉ như máy phát thanh hợp pháp. Điều đó lý giải vì sao có nhiều phiên tòa ở cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm oan sai, gây bất bình dư luận. Bởi khi đã có thông báo rằng “có ý kiến của liên ngành” liên quan đến một vụ án nào đó chuẩn bị xét xử thì thẩm phán cũng phải lưu ý rồi. Nếu xử nghiêm theo luật thì có nguy cơ nghỉ làm thẩm phán ngay.
Vì thế mà câu chuyện chọn giải pháp “cho an toàn” để “đảm bảo mối quan hệ cho tốt” như lời ông Chánh án tòa Tuy Hòa cũng là dễ hiểu?
Đúng thế.
Và phải chăng bây giờ để tránh oan sai, đảm bảo xét xử công minh, đúng luật thì cần phải thay đổi cơ chế cử thẩm phán?
Tôi cho đó mới là mấu chốt của vấn đề chứ còn chuyện năng lực, trình độ thì có thể khắc phục được thông qua đào tạo.
Nó bất cập như thế mà chẳng lẽ không ai nhận ra?
Cái đó tôi cũng không rõ. Nhưng đã đến lúc cần phải nghiêm túc xem xét vấn đề này và thay đổi nó rồi.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Có một thẩm phán ở tỉnh a lô hỏi tôi rằng đang thụ lý một vụ kiện hội đồng giải quyết tài sản của một hợp tác xã đã bị giải thể, bây giờ phải gọi ai trong hội đồng ấy. Tôi chỉ ra rằng vụ kiện đó không có đủ điều kiện khởi kiện, vì hội đồng đã giải thể thì lấy ai là tư cách pháp nhân. Bởi theo luật Tố tụng dân sự thì bị đơn dân sự của vụ án chỉ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân bị nguyên đơn khởi kiện. Thế nhưng anh ấy bảo đó là do sếp chỉ đạo. Đấy, những vụ xử mà “sếp chỉ đạo” như thế bây giờ chả hiếm đâu. Thẩm phán đang chết dở!”.