Mồm không biết ngượng!

Google News

(Kiến Thức) - TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nguyên nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng bị đổ vấy do địa chất là 1 kiểu ngụy biện "không biết ngượng mồm".

Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng khiến 12 công nhân mắc kẹt trong suốt 81 giờ được chủ đầu tư cho rằng do địa chất phức tạp; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới sử dụng 2 ngày đã bị nứt là do địa chất bất thường; TPHCM ngập nhiều do biến đổi khí hậu... đang đặt ra vấn đề dường như "ông trời", "ông địa" là phao cứu sinh cho nhiều người. TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Giao thông vận tải cho rằng, sở dĩ có những sự "đổ vấy" theo kiểu "không biết ngượng mồm" ấy là bởi nó vẫn đủ sức lọt lỗ tai ai đó.
Sự ngụy biện trắng trợn
- Tại buổi họp các ban ngành của tỉnh Lâm Đồng rút kinh nghiệm về công tác cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) - Công ty mẹ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội (chủ dự án thủy điện Đạ Dâng) cho rằng: Sự cố sập hầm xảy ra là bất khả kháng, do yếu tố tự nhiên vì địa chất yếu, trời Lâm Đồng lại mưa kéo dài cả tháng, không ai lường được địa chất phức tạp như vậy. Ông có bị thuyết phục bởi lý lẽ này?
- Câu chuyện này làm tôi nhớ đến vụ vỡ 9 lần đường ống nước sông Đà, rồi vụ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới đưa vào sử dụng hai ngày đã bị nứt hay việc TPHCM ngập nhiều hơn là do mưa và biến đổi khí hậu... Dĩ nhiên, với bất cứ công trình xây dựng nào, từ giao thông đến thủy điện, thủy lợi... đều chịu tác động của cả những yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Có những yếu tố khách quan ta khó có thể chống lại được (động đất, mưa bão...) nhưng cũng có những thứ hoàn toàn có thể khắc phục. Việc đổ rằng sập hầm thủy điện Đạ Dâng là do địa chất phức tạp, không thể lường hết được là một sự ngụy biện trắng trợn, không thể chấp nhận. 
- Nghĩa là theo ông thì vụ việc ở Đạ Dâng hoàn toàn có thể không gặp phải?
- Dĩ nhiên rồi. Nhìn vào những gì ở công trình hầm này thì người có kiến thức cơ bản nhất về việc thi công đào hầm sẽ thấy rằng họ đã không làm đúng theo nguyên tắc: Đào đến đâu gia cố đến đó bằng bê tông hoặc dầm thép, nếu dùng gỗ thì phải là loại gỗ tốt. Người ta phải biết lường được rằng hầm có thể bị sập bất cứ lúc nào để làm cho đúng, nhưng đằng này có dấu hiệu của việc coi thường tính mạng người lao động, chỉ biết làm lợi cho mình. Tôi không thể tưởng tượng họ lại làm thiếu kinh nghiệm, thiếu trách nhiệm đến thế!
- Việc chỉ biết làm lợi cho mình có vẻ như không có gì lạ lẫm ở ta nữa rồi, khi vẫn có những chuyện vì lợi ích mà người ta sẵn sàng phớt lờ các yếu tố về an toàn sức khoẻ, tính mạng của người khác?
- Đúng thế. Ngay như cái việc bây giờ ra chợ, dân mình luôn nơm nớp lo sợ chuyện thịt lợn chứa cám tăng trọng, rau bị phun thuốc kích thích... đấy thôi. Nhưng nếu như với những người đào vàng chui vì nhiều người trong số họ nghèo quá hóa liều nên đào hầm không gia cố đã đành một lẽ, đằng này với công trình thủy điện lên tới hơn 500 tỷ đồng mà người ta còn không làm được cái hầm theo đúng nguyên tắc thì cũng phải đặt ra vấn đề về trách nhiệm, tính nhân văn. Không thể vì lợi ích mà bất chấp tất cả được.
- Ông nói đến tính nhân văn nhưng dường như nó vẫn còn là một điều khá mơ hồ?
- Thật ra, việc tuân thủ đúng nguyên tắc, làm đúng vai trò, trách nhiệm đã là một sự nhân văn rồi. Nhưng ở ta, quy định luôn có, thậm chí khá đầy đủ song lúc người ta vi phạm thì có bị xử lý đến nơi đến chốn không? Vậy nên, tính nhân văn trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp, khi xét đến vấn đề lợi ích vẫn còn là một thứ gì đó rất mơ hồ.
Mom khong biet nguong!
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, TBT NXB Giao thông vận tải nói về việc đổ trách nhiệm cho... "ông trời", "ông địa". 
Phải lọt lỗ tai mới "bổn cũ soạn lại" chứ!
- Lời giải thích về sự cố hầm thủy điện Đạ Dâng bị sập không phải là chuyện mới ở ta, khi người ta tiếp tục đổ lỗi cho "ông trời" hay "ông địa"!
- Tôi cũng thấy thế và có cảm giác như nó là cái phao thực thụ cho nhiều người trong việc trốn tránh trách nhiệm ấy. Thực tình tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta lại nói một cách không biết ngượng mồm như thế.
- Liệu có trường hợp nào vì địa chất phức tạp đến nỗi năng lực, công nghệ của chúng ta không thể khắc phục được không, thưa ông?
- Cũng có thể năng lực của chúng ta khó bằng với nhiều nước phát triển. Vậy nhưng, bảo công nghệ của ta không thể khắc phục được địa chất phức tạp là không thuyết phục, bởi chúng ta đã làm rất nhiều công trình như thủy điện Sơn La chắc chắn có địa chất phức tạp hơn Đạ Dâng rất nhiều, rồi hầm qua đèo Hải Vân, các tuyến đường quốc lộ, cao tốc... đấy chứ. Bây giờ, nếu cứ đổ cho địa chất, do ông trời mưa nhiều thì tôi vẫn cho rằng đó chỉ là sự ngụy biện trắng trợn. Nó quen đến mức ngay cả người chẳng cần được đào tạo gì về địa chất, về công trình cũng phải đặt nghi vấn về lời giải thích ấy.
- Thế mà nó vẫn cứ theo kiểu "bổn cũ soạn lại" như thế thì theo ông, có gì bất thường không?
- Kể ra thì nó cũng không mấy bất thường đâu, vì người ta vẫn nói như thế mà (cười). Nhưng rõ ràng, nếu như việc nói ra những điều mà không biết ngượng mồm ấy không lọt lỗ tai ai đó, không có ai đó chịu nghe thì liệu nó có tồn tại, tiếp diễn được không? Tức là phải có người cảm thấy nghe được lý do đó thì nó mới có cớ mà tiếp tục phát huy chứ.
- Ông nghĩ sao khi các cụ vẫn có câu "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên"?
- Có thể nó đúng trong nhiều trường hợp và dường như với nhiều người đang đổ trách nhiệm cho trời đất thì đó thực sự là một câu "thần chú" để họ bấu víu, nhưng các cụ cũng có câu "nhân định    thắng thiên" đấy!
Thành công là do "ông trời", "ông địa" à?
- Chả lẽ bây giờ, cứ để cho "ông trời", "ông địa" tiếp tục chịu trách nhiệm thay con người như thế mà không có cách nào để "minh oan" cho các "ông" ấy ư?
- Vấn đề là người ta có muốn chấm dứt cái điệp khúc ấy không. Dĩ nhiên, "ông trời", "ông địa" cũng có liên quan phần nào đó, nhưng nếu cứ đổ hết cho các "ông" ấy thì vai trò của ông giám sát, tư vấn thiết kế, thiết kế, thi công ở đâu? Nếu bảo tại "ông trời", "ông địa" làm cho đường lún nứt, sập hầm, ngập đường, vỡ ống nước... thì khác nào các ông người trần mắt thịt kia có cũng như không? Liệu khi làm đường mà tốt, đào hầm không bị sập là do "ông trời", "ông địa" nữa à? 
- Vậy theo ông, làm gì để không còn chuyện đổ vấy trách nhiệm lên trời đất nữa?
- Tôi cho rằng, muốn khắc phục thì chỉ còn cách là cứ nhè đầu một người cụ thể nào đó để gánh trách nhiệm, chứ không phải là trách nhiệm của tập thể, của ban giám đốc, ban điều hành được. Chỉ khi nào có một người cụ thể bằng xương bằng thịt chịu trách nhiệm thì chắc chắn điệp khúc "do địa chất yếu", "do trời mưa nhiều"... sẽ khó có thể tồn tại.
Là một người dân, thực tình tôi cũng chán ngấy với cái điệp khúc đổ cho "địa chất phức tạp", do "biến đổi khí hậu" rồi. Hy vọng điệp khúc ấy sẽ được hạn chế dần rồi xóa bỏ hẳn. 
- Trân trọng cảm ơn ông!
"Để xảy ra những sai sót, sự cố trong thi công các công trình giao thông, xây dựng, thủy điện... dĩ nhiên các cơ quan quản lý cũng không thể vô can. Nhưng bây giờ, trách nhiệm vẫn theo kiểu tập thể hay của một nhóm người thì khó để người ta biết nhìn vào mà rút kinh nghiệm lắm. Gần đây, trong ngành giao thông đã "điểm mặt chỉ tên" người đứng đầu đơn vị không làm tròn trách nhiệm có thể coi là tín hiệu tích cực, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Chỉ khi nào ngành nào, đơn vị nào cũng có người chịu trách nhiệm cụ thể thì khi ấy mới mong phát triển được".
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)