"Một thiếu tướng xây biệt thự to như thế mà bảo không biết gì là vô lý. Nhưng để xảy ra điều vô lý đó phải xem xét trách nhiệm của những người liên quan", ông Nguyễn Ty bày tỏ quan điểm.
Sử dụng "con" làm bia đỡ
- Vụ việc biệt thự được cho là của Thiếu tướng Phan Như Thạch, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam xây trên đất trồng rừng vừa qua khiến dư luận bất bình. Con trai Thiếu tướng Phan Như Thạch cho rằng, ông Thạch không hề biết biệt thự của gia đình xây dựng trái phép, trong khi đó lãnh đạo địa phương khẳng định đã mời tướng Thạch lên làm việc nhiều lần về việc này. Thực tế đây không phải sự việc đơn lẻ. Đã có những việc tương tự ở Hải Dương, Phú Thọ nhưng lỗi đều được con... nhận hết. Phải chăng, con cái nhận lỗi là lối thoát?
- Đó là một cách xử lý rất không bình thường. Tôi phải nói thẳng rằng ở đâu đó, chúng ta vẫn tìm cách bao che cho những cán bộ vi phạm thì mới chấp nhận những kiểu lý lẽ đó. Ví dụ như vụ ông Trần Văn Truyền. Ông là người hiểu biết pháp luật nên không thể lý sự mình không biết. Rồi việc kê khai tài sản, có đến 6 cơ quan quản lý ông Trần Văn Truyền thế mà vẫn để lọt thì vì sao? Rồi việc xây nhà, nó diễn ra không phải trong một hai ngày, là việc rất lớn mà lại nói rằng tôi không biết gì thì đó là lý sự cùn. Một ông giám đốc sở Công an xây dựng trong một vùng cấm thì hẳn là vô lý nếu ông ấy nói không biết.
- Ý ông là một sự việc nó liên quan đến rất nhiều người, nhiều đơn vị khác nhau, không thể nói là không biết?
- Đúng thế, họ xây dựng như thế thì vai trò quản lý của Sở TN&MT ở đâu, UBND địa phương quản lý thế nào. Trong quy định về cấp đất thì đối với vùng đồng bằng, chỉ được cấp 200m2, trung du miền núi là 300m2, thế mà ông ấy ở trung du miền núi, xây đến mấy hecta. Mà đất đó là đất lâm nghiệp, nằm trong vùng có chiến lược quân sự thì liệu có đảm bảo an toàn. Còn nếu bảo là do con làm, bố không biết gì thì thử điều tra xem con làm công việc gì, thu nhập có đủ để xây dựng một khu biệt thự rộng lớn thế hay không? Có thể điều tra ra ngay. Nếu con chỉ là một cán bộ nhà nước làm công ăn lương bình thường thì lấy đâu ra nhiều tiền như thế? Kể cả có trúng sổ xố hay làm ăn bên ngoài để có tiền thì cũng phải chứng minh được. Vụ Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trước đây bảo là do con làm, nhưng con chỉ là một công chức ở huyện, lấy đâu tiền mua những cái cây tiền tỷ? Nhìn vào câu chuyện là thấy ngay thôi.
- Ông vừa nói đến việc có nơi này nơi khác, cán bộ được bao che khi có sai phạm, ông có thể nói rõ hơn?
- Tôi thấy đúng thế, đến như ông Trần Văn Truyền mà chỉ bị cảnh cáo là thì đúng là ta đang bao che cho sai phạm còn gì. Một người cầm cân nảy mực, đi thanh tra kiểm tra khắp nơi mà tham nhũng sai phạm như thế thì thử hỏi vì sao người dân thấy bất bình.
- Nguyên nhân tạo nên sự lộng hành của một số quan chức là gì thưa ông?
- Do buông lỏng quản lý, du di cho những hành vi vi phạm của cán bộ đảng viên. Chính quyền quản lý cũng yếu kém. Cơ sở báo cáo lên sai phạm mà thành phố không xử lý, chính quyền không xử lý, Sở TN&MT cũng bỏ ngỏ, rồi các lực lượng an ninh quốc phòng... không có ý kiến. Có thể nói rằng vẫn còn tình trạng chính quyền vô trách nhiệm với sai phạm của cán bộ.
- Vì sao lại có một thứ sai phạm mà vấn đề rõ như ban ngày, sai có hệ thống như thế?
- Có nhiều nguyên nhân, có thể là do thỏa thuận ăn chia, thông đồng với nhau, nể nang chỗ quen thân, trao đổi với nhau các lợi ích... Một người không biết thì được chứ hai người thì phải biết. Vậy vì sao vẫn có sai phạm, nói thẳng ra là vì tham nhũng, nể nang che đậy cho nhau thôi.
|
Ông Nguyễn Ty, nguyên Phó ban Nông nghiệp Trung ương Đoàn. |
Cố tìm cách lảng tránh
- Trong vụ việc đó, nếu truy nguyên cặn kẽ sai phạm thì phải bắt đầu từ đâu?
Hãy hỏi ngành lâm nghiệp địa phương, có biết việc đó không, có nhận được phản ánh của người dân địa phương không, xử lý thông tin đó như thế nào. Việc con lôi cái ra để biện minh chỉ là để họ lảng tránh sai phạm. Mà trong 19 điều đảng viên không được làm thì kể cả người thân trong gia đình, vợ con sai phạm do lợi dụng quyền hạn chức vụ của đảng viên thì cũng bị xử lý. Cái biệt thự đâu phải là cái kim để nói không biết hay không để ý.
- Một vụ việc mà nếu truy đến tận cùng thì có quá nhiều người liên lụy, trong khi đó người hưởng lợi thì chắc là không nhiều?
Dù thế nào thì có sai phạm cũng phải bị xử lý, cán bộ biết có sai phạm mà lơ đi cũng là vi phạm pháp luật. Phải làm rõ thì nó mới có tính răn đe. Chứ nếu không ông nào sai phạm cũng đổ lỗi cho con mình, coi như đó là bài "chuồn" an toàn thì công cuộc phòng chống tham nhũng hóa ra "xôi hỏng bỏng không" à?
- Nghĩa là không nên "thông cảm" cho những sai phạm kiểu này?
Luật pháp quy định hành vi của một công dân bình thường, chỉ cần là người không bị bệnh thần kinh thì phải chấp hành luật pháp. Hành vi đó không diễn ra trong lúc say rượu và cũng không ai say rượu liên tục trong nhiều tháng nhiều năm cả. Rồi hằng năm ông vẫn được xếp loại đảng viên, Thường vụ Tỉnh ủy hằng năm có kiểm điểm đảng viên không, lớp học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có đem ông ấy ra kiểm điểm không, xếp loại gì? Thế thì ông là một cán bộ bình thường, hiểu biết pháp luật, ông phải chịu trách nhiệm về hành động của mình nếu ông có sai phạm.
Tháo dỡ là xong?
- Giải pháp xử lý lúc này là buộc người sai phạm phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Nếu sai phạm mà chỉ cần khắc phục sai phạm thì theo tôi, tính răn đe cũng không cao?
- Trước tiên thì phải tháo dỡ, sau đó như tôi nói, trách nhiệm của ai, đến đâu trong sai phạm này thì phải được xử lý đến tận cùng. Trước tiên là phải phá dỡ và hoàn lại nguyên trạng tình trạng đất cũ. Vấn đề bây giờ là chính ông ấy không chịu tháo dỡ, chẳng lẽ pháp luật lại phải chịu? Cứ để như thế thì người ta nhờn luật. Tôi thì tự hỏi tại sao một thiếu tướng công an làm như thế mà Bộ Công an không biết. Biết thì phải xử thế nào đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp?
- Chính quyền quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cũng phải thừa nhận rất khó xử lý trong trường hợp này, liệu có thực sự khó?
- Khó là vì sự việc đã sáng rõ như ban ngày, sai phạm chồng chất các sai phạm, từ cơ quan này sang cơ quan khác, nếu xử lý thì không biết bao nhiêu người sẽ bị ảnh hưởng, nên khó.
- Từ câu chuyện này, ông rút ra điều gì?
- Tôi đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý cán bộ như thế nào, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng ra sao. Trách nhiệm quản lý đảng viên, hằng năm vẫn tổ chức kiểm điểm, phân loại đảng viên mà sự việc lớn như vậy, Đảng lại không biết? Thường vụ Tỉnh ủy, ủy UBND tỉnh cũng im, Sở Quy hoạch & Kiến trúc, Sở Công an... làm gì?
Xin cảm ơn ông!
Việc Thiếu tướng Công an Phan Như Thạch xây dựng trái phép khu biệt thự rộng 17.500m2 ở chân đèo Hải Vân Đà Nẵng đã được nhiều cơ quan vào cuộc làm rõ và tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Ngoài khu đất biệt thự này, gia đình tướng Thạch mua gom giấy tay nhiều hecta đất lâm nghiệp từ các hộ dân trồng rừng Nam Hải Vân, nằm gần Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu (thuộc Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng).