Như vậy đến thời điểm này, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã chính thức vận hành thử toàn hệ thống. Đây là tín hiệu vui trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, khiến người dân thủ đô phấn khởi trong bối cảnh ùn tắc đang là căn bệnh trầm kha của thủ đô Hà Nội.
Ngày thường nhật, những tuyến đường dẫn từ bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) dẫn vào các quận trung tâm thành phố Hà Nội như Đống Đa, Hoàn Kiếm... luôn trong cảnh ùn tắc. Di chuyển trong biển người cùng ô tô, xe máy ùn ứ trên đường phố là nỗi sợ hãi tột cùng của người dân thủ đô vào mỗi giờ đi làm hay tan tầm.
Mỗi buổi sáng thức dậy, thay vì thảnh thơi dùng bữa sáng, nhàn nhã nhấp ngụp cà phê mở đầu ngày mới thư thái, nhiều người đã phải canh giờ dậy từ sớm, hối thúc con cái ăn uống vội vã để đến trường rồi lại vội vàng đến nơi làm việc nhưng cũng không thoát khỏi cảnh tắc đường.
|
Hình ảnh tàu chạy trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: GĐ&XH. |
Khi ngày làm việc kết thúc, đường về nhà mới thực sự khiến sự mệt mỏi tăng lên gấp bội khi hầu hết các tuyến đường đều trong cảnh ùn tắc. Đáng buồn là tình trạng này lặp đi lặp lại khiến cuộc sống nhiều người ngột ngạt, mệt ỏi.
Vì thế, thông tin tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành chạy thử toàn hệ thống thực sự là tín hiệu vui. Viễn cảnh đi trên tuyến đường không ùn tắc, không khói bụi... đã trở nên rất gần.
Tín hiệu đáng mừng nữa, theo Ban quản lý dự án, hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành thử từ 3 – 6 tháng, sau đó dự án sẽ được đưa vào khai thác thương mại. Khi đó, ngoài việc không phải chịu cảnh tắc đường, thời gian di chuyển từ ga Yên Nghĩa đến Cát Linh chỉ còn 20 phút/hơn 13 km. Đó quả thật là thời gian lý tưởng cho người dân có nhu cầu đi lại trên tuyến đường trên. Họ sẽ chính thức có một cuộc sống đúng nghĩa thoải mái khi không phải chịu những bực dọc vô hình do tắc đường mang lại.
Đánh giá hành trình thử nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cảm thấy hài lòng vì tàu đi êm hơn hẳn tàu đường sắt Bắc Nam do hai bên đường có hệ thống chống ồn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, ông rất có niềm tin vì tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được làm bằng công nghệ của đường sắt Bắc Kinh (Trung Quốc). Toàn bộ thiết bị, tín hiệu thông tin của tuyến Cát Linh - Hà Đông đều tự động hóa, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, khi công trình hoàn thành sẽ hoạt động tốt nhất phục vụ nhân dân.
Và Bộ trưởng hi vọng, tuyến đường không chỉ mang lại ý nghĩa về giao thông mà sẽ tạo đột phá về kinh tế xã hội, thắt chặt tình nghĩa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đến thời điểm này, nhiều người dân đã có niềm tin dự án sẽ sớm đi vào vận hành thương mại và họ sẽ được hưởng những tiện ích do dự án mang lại so với các dự án giao thông hiện có khác trên địa bàn thủ đô.
Còn với các cơ quan chức năng, họ cũng rất mong mỏi việc sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội.
Có thể khẳng định, việc đưa tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại mang lại nhiều ý nghĩa hơn những gì mà người dân từng kỳ vọng.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) có tổng chiều dài hơn 13km, với 12 ga. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa, mỗi toa dài khoảng 19m, rộng 2,8m, cao 3,8m. Sức chứa mỗi đoàn tàu hơn 900 người (tương đương sức chứa 12 xe buýt lớn). Tàu thiết kế tốc độ 80km/h, nhưng thời gian đầu sẽ khai thác tốc độ 35km/h, tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến. Dự án cung cấp 10.000 thẻ vé điện tử sử dụng một lần hoặc nhiều lần.
Về việc thiết kế tàu tốc độ tối đa là 80km/h nhưng tốc độ khai thác chỉ 35km/h, ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án Đường sắt lý giải: Trên toàn tuyến, có thời điểm tàu chạy đạt tới vận tốc 80km/h, nhưng có thời điểm không đạt được và thời gian dừng ở các ga, nên tốc độ trung bình toàn tuyến là vậy, nhưng vẫn phải thiết kế ở tốc độ cao nhất để có thời điểm tàu sẽ đạt tới tốc độ đó đường vẫn đáp ứng được. Điều này tương tự đường bộ, nếu chạy Hà Nội - Hà Nam tốc độ trung bình là 80km/h, thì trên quãng đường phải có thời điểm chạy trên 100km/h, có thời điểm lại không đạt 80km/h, thậm chí tính cả thời gian dừng, nhưng vẫn phải thiết kế toàn tuyến đường là trên 100km/h, vì có thời điểm xe đạt tới tốc độ đó đường vẫn đáp ứng được.