Trèo đỉnh cầu Thuận Phước và mối nguy hại trào lưu sống ảo

Google News

(Kiến Thức) - Nếu những đối tượng “ngáo đá” mất kiểm soát hành vi có thể nhảy từ bảo tháp 11 tầng, vắt vẻo trên dây điện, thậm chí gây án mạng thì những thanh niên “sống ảo” cũng có thể bất chấp tính mạng để…“câu like”.

Trong cuộc sống, một tháng, vài tháng, hoặc một năm chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh của kẻ có biểu hiện “ngáo đá” nhưng từng phút, từng giây chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những kẻ “sống ảo” trên mạng xã hội.
Bởi chỉ cần lướt trên mạng xã hội facebook, zalo… chúng ta dễ dàng phát hiện dấu hiệu “sống ảo” của nhiều người. Biểu hiện nhẹ của tình trạng sống ảo là liên tục cập nhật status liên tục về dòng trạng thái buồn vui trong cuộc sống, hay giản đơn như thường xuyên khoe đồ ăn, quần áo… Dấu hiệu nặng hơn là thường xuyên cập nhật những tấm ảnh selfie lên mạng xã hội. Không ít trường hợp để có những bức ảnh selfie đẹp nhất, người ta đã mạo hiểm trèo lên núi cao, xuống biển hay đến những nơi hoang vu tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cốt để chụp tấm hình đăng lên mạng xã hội nhằm thu hút người xem, like.
Treo dinh cau Thuan Phuoc va moi nguy hai trao luu song ao
 Nam thanh niên leo lên đỉnh trụ cậu Thuận Phước khiến nhiều người đi đường lo lắng.
Từ không gian mạng xã hội đến thực tế cuộc sống, chúng ta không khó để bắt gặp những người sống ảo. Khi một vụ tai nạn xảy ra, trong khi các nạn nhân đang cần sự giúp đỡ thì không ít bạn trẻ khi phát hiện ra sự việc đã bình thản đứng lại thay vì giúp đỡ nạn nhân hay báo cơ quan chức năng hoặc tìm người giúp đỡ thì lại tranh thủ chụp ảnh selfie để đăng lên mạng xã hội. Hay như ở những vụ cháy, trong khi lực lượng cứu hỏa đang khẩn trương cứu cháy thì không ít người kéo đến hiện trường cũng chỉ với mục đích chụp vài tấm ảnh để câu like. Thậm chí ngay cả hiện trường vụ giết người, đánh nhau cũng có không ít những người hiếu kỳ kéo đến chỉ để chụp hình đăng mạng xã hội.
Đó chỉ là một trong vài ví dụ điển hình, là minh chứng rõ nét về một bộ phận giới trẻ hiện đang mắc căn bệnh sống ảo trên không gian mạng xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, căn bệnh sống ảo trầm kha đến mức bất chấp cả tính mạng của mình để có thể nổi tiếng trong vài phút giây trên mạng xã hội ảo.
Sự việc nam thanh niên Trần Trọng Hiếu (25 tuổi, trú tại huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng) mới đây leo lên đỉnh trụ cầu Thuận Phước (TP Đà Nẵng) cao hàng chục mét để có ý định quay clip nhảy nhót, tung lên mạng xã hội nhằm đạt nhiều lượt xem khiến hơn 100 người phải giải cứu là một minh chứng rõ ràng của tình trạng…“sống ảo”.
Đây không phải là trường hợp duy nhất “liều mình” để sống ảo. Trước đó, nhiều vụ việc đã xảy ra như trường hợp một nữ sinh lớp 8 ở Khánh Hòa đã mang xăng đốt trường và phải nhập viện, một nam thanh niên đã nhảy cầu Tân Hóa sau lời tuyên bố “cần 40.000 like để tự thiêu, nhảy cầu Tân Hóa”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sống ảo của một bộ phân cư dân mạng. Bởi với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội đang dần chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, hành vi của con người. Trong khi thời gian gần đây, việc sử dụng một chiếc điện thoại thông minh không còn quá xa xỉ khi bất kỳ ai cũng có thể sở hữu những chiếc điện thoại có chức năng dễ dàng truy cập mạng xã hội như hiện nay.
Trong khi đó, việc lệ thuộc vào mạng xã hội khiến nhiều người chìm đắm trong thế giới ảo. Bởi với họ, lượng like, comment rất quan trọng, thể hiện bản thân có nhiều người quan tâm, theo dõi tương tác. Và họ có thể làm bất cứ việc gì về điều đó. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi là bệnh sống ảo bởi nó ở mức độ nghiêm trọng, gây nhiều hệ lụy cho xã hội cần thuốc chữa, cần biện pháp khắc phục.
Thực tế có nhiều hậu quả khôn lường đã xảy ra trong thời gian qua, chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội người ta sẵn sàng gặp nhau giải quyết ngoài đời dẫn đến những vụ án mạng đau lòng, không ít bạn trẻ vì đám đông trào lưu trên mạng xã hội “ném đá” đã phải tự tử và cũng không ít người bị quá lệ thuộc vào không gian ảo dẫn đến mắc bệnh tâm thần.
Dù biết rằng, việc câu like, tương tác trên mạng xã hội có thể kiếm ra tiền nên nhiều người bất chấp để câu like, từ tung tin đồn thất thiệt đến những hành động kỳ quái không giống ai, thậm chí bất chấp tính mạng để tăng lượng tương tác nhưng con số này là con số nhỏ, đa số chỉ để thỏa mãn cho bản thân trên mạng xã hội.
Dù biết rằng, để hạn chế tình trạng sống ảo thì vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội là rất quan trọng mang tính định hướng rất tích cực. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể có những biện pháp thực sự hữu dụng khi trào lưu của giới trẻ liên tục thay đổi trên không gian ảo. Muốn thoát khỏi tình trạng sống ảo tất nhiên các bạn trẻ cần hạn chế tham gia mạng xã hội, tích cực tham gia những phong trào ở thực tế, tự tu dưỡng rèn luyện, hướng bản thân đến những việc làm có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, khi người ta còn được đám đông tung hô, và để chiều lòng đám đông, thì có lẽ việc trèo lên trụ cầu cao hàng chục mét, bất chấp nguy hiểm như thanh niên trèo cầu Thuận Phước vẫn sẽ diễn ra.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)