Chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22 giờ? – Đó là quy định tại dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác của Bộ Y tế đang thu hút nhiều ý kiến từ dư luận.
Theo đó, dự thảo quy định chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 11-14 giờ và từ 17-22 giờ hằng ngày; Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch…
Quy định trên được cho là cần thiết trong bối cảnh người Việt Nam đang sử dụng quá nhiều rượu bia và những đồ uống có cồn và ngày càng có xu hướng gia tăng, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
|
Ảnh minh họa. |
Theo thống kê, Việt Nam là nước đứng thứ 2/10 nước trong khu vực các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 ở Châu Á, và là nước đứng thứ 29 trên toàn thế giới về việc tiêu thụ rượu bia.
Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm đã tăng từ 3,8 lít (giai đoạn 2003-2005) lên 6,6 lít (giai đoạn 2008-2010) và lên tới 8,3 lít năm 2016 - tức là đã tăng tới 118% và tăng 30 bậc, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 nước, trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể. Nếu tính riêng trong số nam giới trên 15 tuổi thì một người nam giới của Việt Nam tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất (năm 2010).
Tỷ lệ người sử dụng bia rượu tăng cũng tỷ lệ thuận với việc gia tăng bệnh tật khi rượu bia là nguyên nhân của 200 loại bệnh tật chấn thương. Bên cạnh đó, rượu bia làm tăng vấn nạn tai nạn giao thông, những vụ án giết người, làm băng hoại đạo đức, các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.
Một báo cáo từ Bộ Y tế cho thấy, rượu là nguyên nhân chính của 31% vụ đánh nhau, giết người; 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông, nhiều tệ nạn xã hội và 60 loại bệnh khác nhau như: Ung thư, suy đa tạng...
Những hệ lụy do rượu bia liên tục xảy ra, tiếc rằng việc lạm dụng rượu bia gây hậu quả xấu chưa khi nào thuyên giảm và lạm dụng rượu bia là vấn đề chưa bao giờ thôi nhức nhối trong cộng đồng.
Bởi vậy, quy định chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22 giờ trong dự thảo trên được nhiều người đồng thuận. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay rất khó khả khi thi đưa vào áp dụng từ thực tế.
Trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu sử dụng bia rượu của đông đảo người trên, những cơ sở kinh doanh bia rượu mọc lên trên cả nước từ thành thị đến nông thôn đa dạng về loại hình kinh doanh từ quán bia, quán nhậu, nhà hàng, quán Karaoke, thậm chí quán trà đá vỉa hè cũng tranh thủ bán bia rượu. Vậy nên, nếu thực hiện quy định chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22 giờ thì dù có huy động cả bộ máy chính quyền địa phương đi kiểm tra cũng không đủ nhân lực.
Ví dụ một phường có đến hàng trăm cơ sở bán bia rượu thì phường đó không thể bố trí đủ người để đi canh từng cơ sở xem họ chấp hành Luật ra sao. Chưa kể nếu làm thêm giờ sẽ phát sinh thêm chi phí, phình to bộ máy nhân lực trong khi vấn đề tinh giản biên chế đang được triển khai rộng rãi. Dễ dẫn đến tình trạng cố tình lạch luật và người dân sẽ tìm đến những nơi bán chui để mua được rượu bia dẫn đến khó khăn trong quản lý.
Cùng với việc kiểm tra, giám sát thực thi được cho là khó khả thi, việc cấm bán bia rượu từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau hay bán rượu bia theo 2 khung giờ nhất định trong ngày như trên sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến ngành rượu bia mà cả ngành du lịch, phát triển kinh tế của các địa phương. Mặt khác, nó sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu bia bất hợp pháp, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện 75% tổng sản lượng rượu đang nằm ngoài nguồn thu ngân sách. Bên cạnh đó, việc cấm bán rượu, bia theo giờ không rõ mục đích và hiệu quả.
Thay vì đưa ra những quy định khó khả thi ở thời điểm hiện tại như quy định Chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22 giờ, Bộ Y tế nên tăng cường tuyên truyền khuyến cáo để người dân thấy tác hại của việc dùng quá nhiều rượu bia để tự điều chỉnh hành vi của mình. Đồng thời, nên đề xuất phương án đánh thuế cao với mặt hàng rượu bia để toàn dân hạn chế sử dụng thì sẽ có hiệu quả cao hơn.