Định vị lại Hòa Phát thành doanh nghiệp có tầm vóc khu vực
Chúng tôi mới đây đã thay đổi lại nhận diện thương hiệu để định vị lại Hòa Phát thành tập đoàn sản xuất thép, lấy thép làm trọng tâm, có tầm vóc trong khu vực. Đây là tham vọng của chúng tôi. Để đạt được tất nhiên cần có thời gian.
|
Phòng làm việc với bàn làm việc đơn giản của tỷ phú Trần Đình Long, nơi các phòng ban khi cần có thể “mượn” để làm nơi họp. |
Ông đánh giá thế nào về thị trường thép Việt Nam trong các năm tới?
Chúng tôi là thế hệ đầu tiên trong làm thép ở Việt Nam. Nói chính xác, sau đổi mới kinh tế Việt Nam như tờ giấy trắng, Việt Nam khi đó chưa có ngành công nghiệp thép, sản xuất rất manh mún. Sau chặng đường dài đổi mới, chúng ta đã xuất hiện ngành công nghiệp thép ở Việt Nam. Khoảng 5-7 năm nay, mọi người nhìn rất xấu về ngành thép ở thế giới và Việt Nam chung. Với những nước công nghiệp hóa mới, nhu cầu về thép tăng rất cao.
Đến nay nhu cầu thép tại Việt Nam hiện tăng trưởng rất nhanh và ổn định. Tỷ lệ tăng trưởng đã nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và đã cao nhất khu vực Đông Nam Á, thậm chí lớn hơn cả Indonesia, nước có dân số gấp đôi Việt Nam. Nhu cầu lớn, sẽ dẫn đến nguồn cung phải tăng và đây cũng là áp lực với ngành. Từ nay đến năm 2025 ngành thép Việt Nam có triển vọng rất tốt dù so với thế giới thì vẫn còn nhỏ bé.
Hiện tiêu thụ thép cán nóng của Việt Nam khoảng hơn 7,5 triệu tấn. Formosa 5 triệu, Hòa Phát 7 triệu tấn. Sản lượng như vậy là vừa với nhu cầu thị trường. Với thép xây dựng không cần thêm nhiều, thép cuộn cán nóng, thép không gỉ thì vẫn cần. Thế giới thì phẳng, nếu ta không làm thì có thể nhập về, miễn là có tiền. Cơ hội xuất khẩu là có. Thời điểm này là điểm tốt để thực hiện xuất khẩu. Trước đây trong một thời gian dài, xuất khẩu lợi nhuận không bằng bán trong nước.
Chính sách của Hòa Phát, như tôi đã chia sẻ nhiều lần, là chiến lược xe lu. Cứ giữa đường thẳng tiến, từ từ, chậm chắc và không bao giờ hài lòng với những gì mình có.
Những ngành nghề Nhà nước không cần nắm giữ thì nên để cho tư nhân làm. Quan điểm của Chính phủ hiện nay là làm gì cũng được nhưng phải tạo điều kiện cho sản xuất. Với doanh nghiệp chúng tôi kỳ vọng Chính phủ tiếp tục những việc đang làm, không thay đổi gì cả. Vì với người kinh doanh, sợ nhất là sự thay đổi về chính sách.
Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển Hòa Phát trong thời gian tới? Hòa Phát có kế hoạch mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp khác?
Trong lịch sử 25 năm. Hòa Phát chưa từng làm việc mua bán sáp nhập các doanh nghiệp khác. Tất cả đều tự làm. Đây là chiến lược của Hòa Phát. Còn đi ra nước ngoài để mua các doanh nghiệp, nói thật chúng tôi cũng chưa nghĩ đến. Hiện giờ Hòa Phát chỉ toàn tâm toàn lực dồn sức cho dự án Dung Quất. Chúng tôi xác định không làm lan man. Chủ trương của Hòa Phát cũng là làm nông nghiệp ở mức như hiện tại nhưng sẽ làm tốt nhất có thể.
Hòa Phát hiện là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. Ông có tham vọng gì xa hơn nữa trong việc trở thành "Vua Thép" nếu nhìn vào bài học của Posco đã trở thành một thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc và cả thế giới?
Mong muốn của Hòa Phát trong việc vươn lên trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất tại Việt Nam đang trên đường tới đích. Thực ra mong muốn lớn nhất là trở thành nhà sản xuất đáp ứng được nhu cầu cho nền kinh tế, thay thế được hàng nhập khẩu và tiến tới vươn ra xuất khẩu. Bước đi của Hòa Phát cũng như bước đi của các tập đoàn thế giới trước đây.
Nhưng sẽ có câu chuyện là áp lực từ các cổ đông về đạt các chỉ tiêu về tăng trưởng, lợi nhuận trong khi điều này lại mâu thuẫn với chiến lược phải đi chậm lại, phát triển vững chắc về dài hơi?
Tại đại hội cổ đông của tập đoàn, tôi đã nói mâu thuẫn là động lực của phát triển nên lúc nào cũng mâu thuẫn (cười). Còn áp lực, lúc nào cũng có. Cổ đông thì muốn ông chi ra nhiều tiền, còn với người cầm cán cân thì muốn dành lại nguồn lực để tái đầu tư. Mình sẽ phải cân đối, hài hòa các việc. Suy cho cùng chiến lược của công ty đã rõ ràng như vậy thì cổ đông phải đi theo. Nếu không đồng ý thì có thể bán cổ phần.
Con ông, cháu cha cũng phải đi lên bằng thực lực
Thực tế nhiều thương hiệu Việt làm ăn tốt luôn được các tập đoàn nước ngoài nhòm ngó. Vậy ông có ý định bán cổ phần của mình tại Hòa Phát?
Tôi đã trả lời là không bán. Nếu có bán thì phải đến đời con nó có bán thì bán. Còn tôi thì không bán.
Vậy ở Hòa Phát chiến lược đào tạo và chọn lựa người kế cận được thực hiện thế nào?
Thứ nhất là phải để các cháu học hành tử tế. Hòa Phát có quy định “con ông, cháu cha” cũng phải vào làm việc như những người bình thường, chứng minh qua công việc thực tế. Không có chuyện vào làm lãnh đạo ngay. Và sau này có vươn được lên không thì phải do ông có công chứ không phải do chúng tôi. Tuy nhiên, mọi việc đang tốt. Có con một anh ở Hội đồng quản trị giờ đã làm đến hàm trưởng phòng, trưởng thành lắm.
Tại Hòa Phát, sự hỗ trợ của bố mẹ là không có, phải chứng minh bằng năng lực thật sự. Không có chuyện “con ông, cháu cha” một mình đi làm một giờ hay thế này thế khác. Đều phải đi làm như người bình thường. Đến giờ lên ăn cơm tập thể như bình thường. Tôi đảm bảo 100% không có bất cứ ưu đãi nào cho các “con ông, cháu cha” ở tập đoàn.
Học sống chung với danh đại gia
Ông giờ là một trong những tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán cũng như là người siêu giàu trong đời sống thực. Cá nhân ông cảm thấy thế nào?
Rất nhiều người dị ứng với từ đại gia và kéo theo nhiều thứ khác nữa. Quan điểm của tôi thì đại gia cũng là bình thường. Bây giờ có thích hay không thích thì người ta cứ bảo mình như thế. Và hàng ngày nó vẫn cứ xảy ra, vậy tốt nhất là sống chung với nó (cười).
Trước ông là một trong những tỷ phú đầu tiên ở Việt Nam có máy bay riêng và sau đó ông lại bán đi. Lý do là gì vậy?
Tôi bán máy bay vì hết vai trò rồi. Trước tôi đi mỏ nhiều nên cần. Nhưng ngoài ra có việc nữa là thủ tục nhiêu khê lắm dù giấy phép bay các thứ mình có hết rồi. Đi máy bay không phải như lái xe của mình, bảo đi đâu thì đi. Còn máy bay thì phụ thuộc thời tiết khu vực, vùng bay…Nhiều lần đoàn của Hòa Phát ra đến sân bay rồi lại phải quay về.
Vậy giờ trong các vật dụng hàng ngày hiện nay, vật đắt tiền nhất của ông là gì? Như các “nhà giàu khác”, ông có thú sưu tập siêu xe?
Không. Tôi có mỗi một cái xe (ông Trần Đình Long đang đi xe Bentley Mulsanne, một trong những mẫu xe “siêu sang” hàng hiếm có mặt ở Việt Nam - PV). Tôi thích đi xe Bentley vì dáng đẹp nhưng xe cũng chỉ là phương tiện thôi. Còn điện thoại thì nhiều năm tôi đang dùng một chiếc Samsung. Đồng hồ tôi đeo cũng dùng đơn giản, bình thường. Tôi coi đó là vật dụng hàng ngày. Không hề đắt tiền.
Môn thể thao mà ông đang chơi là gì?
Trước thì tôi đá bóng, xong chơi tennis giờ thì tôi đánh golf. Tuần đánh từ 2-3 buổi. Thứ Bảy, Chủ nhật và một ngày trong tuần. Ngày trong tuần rảnh thì tôi đi còn không thì thôi. Còn thứ Bảy, Chủ nhật thì chắc chắn, không hy sinh cho các công việc khác.
Ông nhìn nhận câu chuyện các tỷ phú khác trên thế giới khi đạt đến mức nào đó là sẽ chuyển hướng sang làm từ thiện và nhiều việc khác cho xã hội, cộng đồng như thế nào?
Các tỷ phú, chủ các tập đoàn lớn trên thế giới thường họ lập các quỹ làm từ thiện khá bài bản. Việc tỷ phú đến mức nào đó chuyển hướng sang làm từ thiện ở Việt Nam là mới nhưng rồi cũng không thoát được quy luật đó. Nhiều người đã đang làm việc này. Tuy nhiên, có thể mức độ làm từ thiện nhỏ và manh mún hơn.
Cảm ơn ông.