Ông Đoàn Ngọc Hải - lần thứ 2 gây sốc dư luận khi nộp đơn xin từ chức ngay sau khi được bổ nhiệm từ Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) sang giữ chức vụ PGĐ Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên.
Trước đó, vào tháng 1/2018, ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM). Thời điểm đó, việc ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức khiến dư luận vô cùng ngạc nhiên bởi ông Hải được ví như “người hùng” trong cuộc chiến giành lại vỉa hè.
Hình ảnh một Phó Chủ tịch quận quyết liệt xử phạt các hành vi lấn chiếm vỉa hè và những phát ngôn đanh thép “Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn” của ông đã để lại dấu ấn trong lòng người dân. Hành động của ông Hải khi đó được Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá rất cao và giao cho các địa phương khác đồng loạt thực hiện theo.
Lý do ông Hải từ chức khi đó rất ngắn gọn: “Tôi thấy mình đã không thực hiện được lời hứa trước nhân dân” khiến nhiều người tiếc nuối.
|
Ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức ngày khi được điều chuyển làm Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên.
|
Trong "cuộc chiến" giành lại vỉa hè khi đó, ông Hải chịu vô số áp lực nặng nề do đụng đến lợi ích lên đến hàng nghìn tỷ đồng của các chủ bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn… thậm chí bị dọa giết nhưng ông không chùn bước. Tuy nhiên sau đó, Chủ tịch Quận 1 đã ký quyết định lập tổ liên ngành trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận, ông Đoàn Ngọc Hải không được tự ý xuống đường giải quyết vi phạm nữa.
Nếu lần xin từ chức thứ nhất của ông Đoàn Ngọc Hải khiến dư luận tiếc nuối thì lần thứ hai ông viết đơn xin nghỉ, nhiều người bày tỏ sự cảm thông và đánh giá cao lòng tự trọng của ông. Bởi ẩn chứa trong lá đơn xin từ chức là tâm tư, nguyện vọng, thậm chí cả một bầu tâm huyết của một cán bộ từng được đánh giá dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trong lá đơn từ chức lần hai, ông Đoàn Ngọc Hải cũng thẳng thắn nói rằng, bản thân ông không có bằng cấp liên quan đến ngành xây dựng, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng… không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực sở trường, chuyên môn được đào tạo thì sẽ không thể làm tốt khi đảm nhiệm chức vụ PGĐ Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên.
“Nếu tôi miễn cưỡng phải nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng do không có chuyên môn. Điều đó sẽ làm tổn thương đến uy tín của Đảng, tiền bạc và tài sản của nhân dân, nên tôi từ chức”, ông Hải viết.
Vì có lòng tự trọng, dù chức vụ mới đảm nhiệm theo Chủ tịch UBND TP HCM trao đổi với báo chí là ngang Phó giám đốc Sở, ông Đoàn Ngọc Hải cũng kiên quyết từ bỏ ngay ngày đầu nhậm chức.
Qua vụ việc trên cũng thấy rõ ràng những tồn tại trong công tác cán bộ khi điều động cán bộ từ khối chính quyền sang doanh nghiệp nhà nước trong khi họ không tha thiết, thậm chí không đủ chuyên môn nghiệp vụ để đảm đương trọng trách.
Nếu không phải ông Đoàn Ngọc Hải là người có lòng tự trọng mà là một người giao đâu làm đấy, dù không có chuyên môn cũng cố ôm quyền, cố vị, dẫn đến làm việc sai phạm rồi lại phân bua, đổ lỗi cho người khác để trốn tránh trách nhiệm của bản thân thì thật nguy hiểm cho sự tồn vong của một doanh nghiệp nhà nước, chứ chưa nói đến sự phát triển bền vững, đột phá.
Một doanh nghiệp, đơn vị muốn mạnh mẽ đi lên cần có những lãnh đạo giỏi chuyên môn tổ chức và đam mê cống hiến. Bất chấp điều chuyển một cán bộ từ khối chính quyền, không đúng chuyên môn nghiệp vụ thì làm sao có thể chèo lái doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ nếu không muốn nói có thể “tàu sẽ đắm” khi có những người lãnh đạo không có chuyên môn như ông Hải đã viết trong đơn.
Giá như ai cũng dám nghĩ, dám làm được như ông Đoàn Ngọc Hải thì chắc hẳn các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã không lâm cảnh thua lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ như thời gian vừa qua.
|
Đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải. |
Bản thân ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng, có thể nói đó sự tùy tiện trong công tác điều động cán bộ nhưng dư luận băn khoăn, liệu có thể có góc khuất trong việc điều chuyển cán bộ này?
Dù theo giải thích của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, việc điều động về giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách Kinh doanh thuộc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên là phù hợp do ông Hải có chuyên môn về tài chính do trước đây từng làm ở Chi cục Thuế Q.1, làm ở ban quản lý chợ, phòng kinh tế quận. Vị này cũng khẳng định, ông Hải là cán bộ thuộc Ban Thường vụ Thành ủy quản lý nên công tác nhân sự làm chặt chẽ.
Tuy nhiên, theo ông Hải đề cập trong đơn, trước đó, tổ chức cũng dự kiến điều ông về làm Tổng giám đốc Tổng công ty vàng bạc đá quý, rồi Phó trưởng ban An toàn vệ sinh thực phẩm và nay là PGĐ Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên, những lĩnh vực ông không hề có chuyên môn.
Còn nữa, Thành ủy từng dự kiến điều ông Hải về làm Phó trưởng ban An toàn vệ sinh thực phẩm thì có chặt chẽ trong công tác nhân sự không khi ông Hải không được đào tạo ngành y, sinh hóa, không phải là một bác sĩ.
Góc khuất ấy cũng được chính ông Đoàn Ngọc Hải đặt câu hỏi trong đơn từ chức: “Phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có máu mặt, và kết quả đối với cá nhân tôi ngày hôm nay là như vậy".
Nhìn nhận thực tế từ trước đến nay, ông Hải là người có tâm huyết trong ra quân dọn dẹp vỉa hè. Ngay trong đơn từ chức, ông Hải cũng nhắc đến việc bản thân ông từng đề đạt với Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân rằng, "nếu không dọn dẹp vỉa hè thì 100 năm nữa thành phố mình cũng không được như Singapore hiện nay chứ đừng nói đến Singapore 100 năm sau…Mọi người luôn say sưa với khẩu hiệu suông “thành phố thông minh, đô thị thông minh, thành phố xanh, cách mạng 4.0” mà quên đi việc cần phải làm hàng ngày, đó là vỉa hè thông thoáng, văn minh, an toàn”.
Cũng không hẳn ngẫu nhiên, ông Đoàn Ngọc Hải đặt hàng loạt câu hỏi trong đơn từ chức: “Các đồng chí lãnh đạo thành phố có nói, việc dọn dẹp vỉa hè phải có phương pháp căn cơ, phải có lộ trình. Vậy xin hỏi các đồng chí, phương pháp căn cơ là phương pháp như thế nào? Lộ trình thì đến bao giờ mới chấm dứt được sự nhếch nhác?”.
Những câu hỏi trên liệu có phải đã hé lộ những góc khuất trả lời cho việc điều chuyển ông Hải sang làm PGĐ Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên thay vì một chức vụ tại khối chính quyền như Phó Chủ tịch UBND quận 1 hay Phó chủ tịch UBND huyện hoặc cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở huyện Cần Giờ như ông có nguyện vọng?
Dù có góc khuất gì đi chăng nữa, việc ông Đoàn Ngọc Hải hai lần xin từ chức khiến dư luận lại nghĩ đến trường hợp ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam nộp đơn xin từ chức vào năm 2015.
Ông Nguyễn Sự được biết đến là người kiến tạo nên một Hội An đẹp đẽ khang trang và ông xin từ chức với mong muốn một Hội An tươi đẹp hơn dưới sự lãnh đạo của thế hệ trẻ.
Còn ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức vì không muốn gây ra những hậu quả nghiêm trọng do không có chuyên môn, làm tổn thương đến uy tín của Đảng, tiền bạc và tài sản của nhân dân.
Chỉ khác một điều, ông Nguyễn Sự xin từ chức với tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng còn ông Đoàn Ngọc Hải vẫn mang nặng những tâm tư.