Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Chúng ta đang rất gần vòng xoáy trung tâm về ma túy

Google News

(Kiến Thức) - Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Việt Nam đang ở rất gần vòng xoáy trung tâm về ma túy, số người nghiện ma túy gia tăng, nguồn cung lớn, nhu cầu ngày càng lên nhưng so với một số nước trong ASEAN, chúng ta kiểm soát được.

Đăng đàn đầu tiên trước Quốc hội trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 4/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trả lời nhiều thắc mắc của đại biểu Quốc hội về tội phạm ma túy và các loại tội phạm khác đang "nóng" hiện nay.
Hàng loạt câu hỏi “nóng” về tội phạm ma túy của ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Công an
Ngay đầu giờ sáng đã có 49 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Các đại biểu tập trung chất vấn về trách nhiệm của cán bộ cơ sở để xảy ra các vụ án mạng nghiêm trọng ở địa phương và giải pháp của Bộ; giải pháp triệt phá các băng nhóm tín dụng đen; trách nhiệm, giải pháp triệt phá các đường dây ma túy; giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; nguyên nhân, giải pháp xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm xâm hại tình dục, hiếp dâm; ngăn ngừa tình trạng uống rượu bia lái xe; hướng xử lý, ngăn chặn đối tượng ngáo đá phạm tội nghiêm trọng; ngăn chặn tội phạm mua bán người;...
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu băn khoăn đặt câu hỏi cho người đứng đầu Bộ Công an về tội phạm ma túy hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề cập đến tình trạng thời gian qua đã xảy ra các vụ vận chuyển ma túy khối lượng lớn, tín dụng đen, đặc biệt là các vụ án thảm án do sử dụng ma túy. Đại biểu đặt câu hỏi, trách nhiệm của lực lượng chức năng trong công tác quản lý địa bàn như thế nào? Vấn đề về con người trong ngành là yếu về nghiệp vụ hay đạo đức công vụ? Giải pháp thời gian tới như thế nào?
Bo truong Cong an To Lam: Chung ta dang rat gan vong xoay trung tam ve ma tuy
Quốc hội khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) tiếp tục đặt câu hỏi về năng lực của ngành công an khi để lọt nhiều đối tượng vận chuyển số lượng ma túy "khủng" vào Việt Nam gây mất an ninh, an toàn xã hội. “Cử tri rất quan tâm bức xúc vận chuyển mua bán ma túy, không còn tính bằng gam, hay kilogam mà được tính bằng tấn. Công tác phòng chống còn nhiều hạn chế, hiệu quả còn thấp. Hiện, ma túy đã len lỏi đến tất cả các tỉnh thành phố đến tận vùng nông thôn gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội”, nữ đại biểu nói và đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ và những giải pháp căn cơ gì trong phòng ngừa loại tội phạm này.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chỉ ra thời gian qua có nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những cá nhân có chức, có quyền, có tiền mà việc xử lý còn chậm. Ông đề nghị Bộ trưởng đưa ra biện pháp để ngăn ngừa thực trạng trên. Ngoài ra, đại biểu Nam Định muốn làm rõ thông tin Việt Nam có vị trí thế nào trên bản đồ trung chuyển ma túy tại khu vực và thế giới?
Bo truong Cong an To Lam: Chung ta dang rat gan vong xoay trung tam ve ma tuy-Hinh-2
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Bên cạnh tội phạm ma túy, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về một số tình hình tội phạm, tai nạn thời gian qua. ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bày tỏ lo lắng về việc trong 5 tháng vừa qua đã triệt phá tới 933 băng nhóm buôn lậu, tức là giảm không nhiều so với năm 2018 và điều đáng quan tâm là trong trên 2.000 vụ tín dụng đen thì chỉ có 54 vụ được xét xử, chiếm 2% số vụ việc, rất ít, ĐB Nguyễn Sỹ Cương đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ giải pháp cho vấn đề này.
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) bày tỏ sự băn khoăn về số liệu thống kê, số người chết do tai nạn giao thông khi con số mà Bộ Công an đưa ra chỉ bằng 1/2 so với Bộ Y tế và bằng 1/3 của Tổ chức Y tế thế giới. Bà đề nghị Bộ trưởng làm rõ thông tin trên và chỉ ra số liệu nào là chính xác và đầy đủ nhất. Ngoài ra, bà Nguyệt cũng đặt câu hỏi về giải pháp để khắc phục sự khác biệt trên.
Về nội bộ ngành Công an, Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn vì sao số lượng tướng lĩnh của ngành Công an thời gian qua vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý bằng chế tài hình sự nhiều đến như vậy. Ai là người chịu trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề bạt bổ nhiệm những cá nhân này?
Đã tính đến nguy cơ tội phạm ma túy của Việt Nam phát triển
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn của các ĐBQH về phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy, theo đó, đây là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các cử tri. Đảng và Nhà nước rất quan tâm công tác chỉ đạo, cụ thể, Bộ Chính trị có Chỉ thị, QH cũng đã thông qua luật với những hình phạt nghiêm khắc, 9/13 khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Các bộ, ngành cũng có sự phối hợp trong công tác đấu tranh xử lý; ban hành nhiều chương trình trong công tác phòng chống ma túy hợp tác với các nước, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt chúng ta.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng công an đã dự báo trước tình hình, đã triển khai, kích hoạt các biện pháp phòng chống ma túy. Theo người đứng đầu Bộ Công an, tội phạm ma túy là vấn đề tội phạm quốc tế, không có quốc gia nào không có sự hợp tác mà có thể giải quyết được tội phạm ma túy. “Chúng tôi đã tính đến những nguy cơ tội phạm ma túy của Việt Nam phát triển”... “đánh giá được, dự báo trước tình hình”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Đại tướng Tô Lâm cho hay, Việt Nam ở gần trung tâm sản xuất ma tuý là khu vực "tam giác vàng". Tình hình ma tuý cũng phức tạp, bởi có những quốc gia trên thế giới hợp pháp hoá ma tuý. Nhưng rất may là ASEAN đồng thuận trong công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý, không chấp nhận hợp pháp hoá ma tuý.
Bo truong Cong an To Lam: Chung ta dang rat gan vong xoay trung tam ve ma tuy-Hinh-3
 Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: VGP
“Năm 2018, chúng ta đã ngăn chặn lượng ma túy lớn qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La. Sau khi bị trấn áp, các đối tượng chuyển hướng vào các tỉnh miền Trung, miền Nam. Đặc biệt, từ năm 2019, đã có sự can thiệp, chỉ đạo từ các đối tượng ma túy là người nước ngoài, vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, trong đó có ASEAN như Lào, Singapore, Campuchia, Malaysia…… Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được tội phạm ma túy, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển của ma túy trên thế giới”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, đã có một số thách thức đặt ra trong đấu tranh phòng, chống ma túy. Chúng ta đang ở rất gần vòng xoáy trung tâm về ma túy, số người nghiện ma túy gia tăng, nguồn cung lớn, nhu cầu ngày càng lên. Tất nhiên, so với một số nước trong ASEAN, chúng ta kiểm soát được, nhưng số người nghiện trong nước tăng lên khiến đây là thách thức lớn. Tội phạm này cũng có những diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, chúng ta đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về pháp luật, như việc đơn giản hóa các thủ tục đưa người vào cai nghiện, giám định hàm lượng chất ma túy, hướng dẫn áp dụng một số vấn đề trong Luật Phòng, chống ma túy, Bộ luật Hình sự, như tội phạm sử dụng ma túy, Điều 199 của Bộ luật Hình sự trước đây đã bị bỏ ra ngoài, nên không xử lý được tội phạm sử dụng ma túy, chúng ta đang nghiên cứu để đưa vào vấn đề này và sửa đổi luật pháp.
Về giải pháp, người đứng đầu ngành Công an nhấn mạnh sẽ tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán và mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý. Lực lượng công an tăng cường đấu tranh, tuyên chiến với tội phạm ma tuý. Các lực lượng, các ngành phải phối hợp với nhau phải tốt hơn.
Chia sẻ với Bộ trưởng Công an về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cuộc chiến chống ma túy rất gian khổ, ác liệt và không chỉ ngành công an mà của các cấp, các ngành, cả hệ thống, toàn xã hội và từng gia đình. Chủ tịch Quốc hội nhắc lại sự việc một chiến sỹ biên phòng hy sinh vào chiều 3/6 tại Thanh Hóa trong cuộc chiến chống ma túy. "Thử tưởng tượng nếu số lượng ma túy đó không được ngăn chặn mà lọt vào nước ta thì hậu quả sẽ thế nào", Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Các đại biểu không chất vấn thì không tranh luận với người đặt câu hỏi!
Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã quyết định chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc các lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải và văn hóa, thể thao và du lịch. Những vấn đề Quốc hội lựa chọn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong cuộc sống để hướng tới những giải pháp thiết thực hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục áp dụng những cải tiến tại các kỳ họp trước. Các Bộ trưởng không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu không quá 5 phút trước khi các đại biểu Quốc hội chất vấn.
Mỗi lần chất vấn có 5 đại biểu, mỗi đại biểu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời mỗi chất vấn của đại biểu. “Do vậy đại biểu Quốc hội cần chất vấn ngắn gọn, rõ ý, tập trung phân tích đánh giá chính sách, trách nhiệm, hạn chế đi sâu vào vụ việc cụ thể. Các đại biểu Quốc hội có thể tranh luận lại nếu thấy không thỏa đáng nhưng thời gian tranh luận không quá 2 phút. Tranh luận chỉ diễn ra giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn. Các đại biểu không chất vấn thì không tranh luận với người đặt câu hỏi”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Hoạt động này góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, tác động đến công tác điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần tích cực trong hoạt động điều hành và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)