Ngày 5/9, hơn 22 triệu học sinh trên cả nước đã bước vào lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Song hành niềm vui của hàng chục triệu học sinh là nỗi lo của phụ huynh và ngành giáo dục khi tái diễn tình trạng lạm thu, quá tải trường lớp đáng báo động, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, vấn đề ứng xử học đường, tiêu cực thi cử đã và vẫn đang là vấn nạn nhức nhối chưa được giải quyết triệt để.
Đau đầu lo học phí, bức xúc chuyện lạm thu
Trong khí thế tưng bừng phấn khởi của ngày khai giảng, lẽ ra nên bàn đến những chuyện vui tươi, khích lệ tinh thần các thầy cô giáo và các em học sinh có tâm thế tốt để bước vào năm học mới. Tuy nhiên, đối với các bậc phụ huynh, cứ đến ngày khai giảng lại canh cánh nỗi lo khi những tiêu cực trong năm học cũ vẫn còn hiển hiện và có nguy cơ kéo dài sang năm học mới nếu không phát hiện, có giải pháp xử lý, ngăn ngừa kịp thời.
Tất nhiên với các bậc phụ huynh, ai cũng muốn tạo tâm lý tốt nhất cho con bước vào năm học mới và không ai muốn mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường xấu đi. Bởi dân gian vẫn truyền nhau câu nói: “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Thế nhưng ngay thềm năm học mới, hàng trăm phụ huynh ở trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), họ đã phải làm việc cực chẳng đã là kéo lên trường đối chất với nhà trường về các khoản thu đầu năm mà họ cho rằng nhiều khoản thu vô lý khiến học phí lên đến 8 triệu/năm.
Dù rằng sự việc chưa ngã ngũ khi các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức đang kiểm tra, làm rõ thông tin về các khoản thu tại trường theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Đức Chung.
|
Trường tiểu học Sơn Đồng. |
Nếu có việc thu chi các khoản vô lý như tiền lớp chất lượng cao 600.000 đồng, bảng tính thông minh 650.000 đồng, học hè 800.000 đồng, Tiếng Anh tăng cường 1.170.000 đồng như các phụ huynh phản ánh thì rõ ràng đây là dấu hiệu của “lạm thu”.
Thật đáng buồn, khi ngay đầu năm học, câu chuyện đóng góp các khoản học phí lại xuất hiện trên khắp các mặt báo như sự việc hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (Lê Chân, Hải Phòng) ký, gửi tới phụ huynh về kế hoạch bổ sung trang thiết bị giảng dạy, học tập, tổng số tiền lên đến trên 900 triệu đồng, đề nghị phụ huynh phải đóng các khoản tự nguyện. Trong đó, mua mới 5 phòng và sửa chữa bàn ghế học sinh 256,250 triệu đồng. Lắp camera cho các lớp bán trú 265 triệu đồng. Sửa chữa khu bếp ăn bán trú và các phòng chức năng 450 triệu đồng. Tổng là 971,250 triệu đồng.
Thật là vô lý khi thu các khoản tiền trên trong khi lớp đó, có học sinh chỉ ngồi học trong một năm học.
Lạm thu trong trường học mỗi dịp đầu năm học mới là vấn đề không phải mới, gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, kiểm tra và kỷ luật nhưng việc làm thế nào để xử lý dứt điểm vấn đề này thì chưa có giải pháp hữu hiệu dù năm nào cũng bàn đến.
Để cho con được đến trường, không ít phụ huynh đã phải đau đầu để xoay học phí. Do vậy, các khoản thu vô lý, huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp. Khi mà người đứng đầu nhà trường không thấu hiểu nỗi thống khổ của bậc phụ huynh, đặt nặng thu chi hơn quan tâm chất lượng giáo dục, chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục thì việc lạm thu vẫn xảy ra.
Dù Bộ GD&ĐT năm nay chủ động ban hành rất sớm các văn bản để hạn chế lạm thu, các sở GD&ĐT địa phương cũng chấn chỉnh rất sớm ngăn ngừa lạm thu nhưng những chuyện lùm xùm về lạm thu vẫn xảy ra ở một số địa phương ngay đầu năm học 2018-2019, đó là một thực tế đáng buốn.
Chất lượng học ra sao khi lớp có đến gần 70 học sinh
Dù việc lạm thu vẫn là vẫn đề gây bức xúc nhưng chưa phải là nỗi lo lớn cho các bậc phụ huynh. Tình trạng quá tải trường lớp mới là vấn đề đáng quan ngại. Ngay điều lệ trường tiểu học quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh nhưng nhiều trường tại Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lớp do số lượng học sinh quá lớn. Nguyên nhân theo số liệu của Sở GD&ĐT TP Hà Nội cung cấp năm học 2018-2019, học sinh vào lớp 1 có khoảng 180.000 em.
Thực tế trên dẫn đến việc một số trường ở quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông (TP Hà Nội) sĩ số một lớp đã lên tới 60 học sinh, có lớp lên đến 70 học sinh. Thậm chí như trường tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) với 1.140 học sinh vào lớp 1, Trường Chu Văn An phải bố trí tới 23 lớp 1. Bởi vậy, học sinh phải “nghỉ học luân phiên” các ngày trong tuần để có chỗ cho lớp khác học.
Một con số thống kê khiến nhiều phụ huynh giật mình lo lắng khi trường Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội) năm nay là 67 học sinh/lớp; Trường tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy) năm nay là 66 học sinh/lớp; Trường Dịch Vọng A năm nay là 62 học sinh/lớp, Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) năm nay là 65HS/lớp...
Với sĩ số lớn như thế và điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên hiện có thì tình trạng quá tải này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học. Dẫn đến nỗi lo cho các phụ huynh về chất lượng học tập của con em mình khi phải chịu cảnh nhồi nhét do thiếu trường, thiếu lớp.
Thực tế đã chứng minh, các giải pháp như kiểm soát tuyển sinh trái tuyến, đúng tuyến, tăng phòng học, tăng giáo viên không thể giảm tải tình trạng quá tải trường lớp mà cần một tầm nhìn quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng giáo dục phải trở thành một điều kiện bắt buộc trong quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư. Giáo viên không thể dạy tốt, học sinh không thể tập trung và phụ huynh không thể không lo lắng khi lớp học có đến gần 70 học sinh.
Còn đó nhiều nỗi lo
Năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều khó khăn vẫn đang khiến ngành giáo dục đau đầu, học sinh khốn khổ và phụ huynh lo lắng đó là tình trạng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được thực tế. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, cả nước có 578.860 phòng học, trong đó còn hơn 147.000 phòng chưa kiên cố, chiếm 25,4%. Tỷ lệ phòng học bộ môn của cấp THCS và THPT chưa đáp ứng được quy định vẫn cao, lần lượt là 30,1% và 23,3%.
Ngay như nhà vệ sinh học sinh bán kiên cố, tạm, mượn cũng chiếm tỷ lệ cao là 32,6%. Điều này không chỉ diễn ra ở các trường từ mầm non đến THPT mà còn ở nhiều trường đại học, cao đẳng.
Một thực trạng khác là tình trạng thừa thiếu giáo viên khi thống kê chưa đầy đủ của Bộ GD&ĐT cho thấy, tại 43 tỉnh thành hiện thiếu gần 76.000 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non có số lượng thiếu lớn nhất là 43.700; tiểu học thiếu gần 19.000. Riêng bậc THCS và THPT có tình trạng thừa thiếu cục bộ. Bậc THCS thiếu 10.000 giáo viên nhưng đồng thời thừa 12.000. Cấp THPT thiếu trên 3.000 người nhưng đâu đó lại thừa và vấn đề khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên vẫn là bài toán đau đầu cho ngành giáo dục.
Không dừng lại ở đó, vấn đề tiêu cực thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, cải cách chương trình sách giáo khoa, bạo lực học đường... vẫn còn đó những bài học trong năm 2017-2018 và cần những giải pháp hữu hiệu để hạn chế trong năm học mới.
Những con số thống kê trên cho thấy để năm học mới diễn ra thành công, ngành giáo dục còn rất nhiều việc phải làm để vượt qua những khó khăn, giải quyết những vấn nạn còn tồn tại. Nhưng nếu quyết tâm sẽ hạn chế được tình trạng trên để các em học sinh thực sự mỗi ngày đến trường là một ngày vui, giáo viên phấn khởi, phụ huynh an tâm.