Ba ngày vừa qua, cuộc sống của hàng triệu người dân nội thành Hà Nội bị đảo lộn do “khủng hoảng” rác thải khi một lượng lớn rác thải không có chỗ xử lý do người dân chặn đường vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, TP Hà Nội).
Thủ đô vốn được xem là xanh, sạch, đẹp bỗng chốc trở lên ngập rác. Nhiều tuyến phố ở các quận nội thành xuất hiện những đống rác sinh hoạt ùn ứ, chất cao như núi, rác thải tràn lan vỉa hè, chất đầy trên những xe thu gom rác mà không có xe đến thu gom chở đi khiến nhiều nơi bốc mùi hôi thối.
Ngay lập tức cuộc sống của người dân thủ đô bị ảnh hưởng khốn khổ khi những đống rác sinh hoạt đồng loạt bốc mùi, nhất là những nhà sống ngay cạnh những điểm tập kết rác.
Cảnh người đi đường phải liên tục bịt mũi, nhăn mặt khi đi qua những điểm tập kết rác, cảnh người dân đi đổ rác rồi đành ngậm ngùi mang rác về và cảnh rác thải chất ở nhiều hầm chung cư là nỗi ám ảnh kinh hãi của người dân nội thành thủ đô.
|
Cuộc sống của người dân nội thành Hà Nội bị ảnh hưởng mấy ngày qua do rác thải. |
Mới có ba ngày, người dân nội thành đã phải chịu cảnh khốn khổ bên những bãi rác tạm thời mới hiểu 20 năm qua người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn – điểm tập kết rác lớn nhất Hà Nội khi mỗi ngày tiếp nhận 4000 tấn rác với núi rác cao hơn 40 mét, rộng hàng chục ha đã phải trải qua thời gian dài đằng đẵng sống chung với những mùi hôi thối từ bãi rác khủng khiếp cỡ nào.
Quanh năm suốt tháng ăn nằm cạnh bãi rác, sống cạnh đống chất thải từ nội đô ùn ùn đổ ra mỗi ngày, người dân sống gần bãi rác Nam Sơn đã phải chịu cảnh ăn cơm chung với ruồi nhặng và những mùi hôi thối, sinh sống với nỗi lo về sức khỏe.
Ô nhiễm môi trường trầm trọng đặc biệt là môi trường nước không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở địa bàn huyện Sóc Sơn.
Trong khi đó, lượng rác chuyển về mỗi ngày càng nhiều, bãi rác Nam Sơn càng ngày càng chất cao, phình to, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đó là lý do người dân mong muốn được di dời sớm. Thế nhưng thực tế việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù để những người dân còn sống quanh bãi rác Nam Sơn di dời khiến người dân bức xúc.
|
Nhà máy xử lý rác thải ở Nam Sơn. |
Cực chẳng đã, nhiều người dân sống gần bãi rác Nam Sơn đã phải làm việc mà bản thân họ cũng không muốn làm. Đó là việc dựng lều, cắm chốt khắp các ngả đường vào khu xử lý chất thải Sóc Sơn để chặn xe chở rác đi vào bãi tập kết.
Không chỉ dựng lều bạt, người dân còn mang theo bàn ghế, bình gas, nồi, siêu, nước, mỳ tôm… để nấu ăn ngay trên đường đòi đáp ứng những nguyện vọng chính đáng là sớm được di dời, thoát khỏi cảnh sống chung với bãi rác đằng đẵng mấy chục năm qua.
Trước tình trạng trên, UBND TP Hà Nội đã ký công văn hỏa tốc gửi các sở ngành, UBND huyện Sóc Sơn giao nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cùng với sự tích cực tuyên truyền vận động, đến chiều ngày 14/1, những người dân ở xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đã chủ động thu dọn lều bạt, đồ đạc ra về và không còn chặn xe chở rác vào khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên, xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn bị người dân chặn và như một quy luật khi người dân chặn bãi rác này ngay lập tức đã có tác động dây chuyền khi nhiều khu vực nội thành bị dồn ứ, cuộc sống người dân thủ đô cũng ngay lập tức bị ảnh hưởng cho thấy rác thải luôn là mối đe dọa tiềm tàng của Hà Nội. Đây quả thực là một vấn đề nức nhối và bài toán khó giải đáp đối với Hà Nội.
|
Cực chẳng đã người dân sống gần bãi rác Nam Sơn mới phải chặn đường để đòi nguyện vọng di dời chính đáng. |
Bởi hiện nay, Hà Nội mỗi ngày có khoảng 6.200 tấn rác thải sinh hoạt trong khi nhiều bãi chứa rác thải đã quá tải. Lượng rác của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn luôn ở trên mức 4.000 tấn, có thời điểm lên tới 6.000 tấn.
Trong khi đó, dù tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đã có nhà máy đốt rác Nedo được xây dựng theo công nghệ Nhật Bản, tuy nhiên công suất đốt rác chỉ đạt 75 tấn mỗi ngày/đêm. Điều này đồng nghĩa với việc không thể xử lý hết số lượng rác thải lên đến hàng nghìn tấn mỗi ngày.
Bởi vậy, cách xử lý rác thải hiện nay chủ yếu vẫn là thủ công chôn lấp vừa hao tốn tài nguyên đất lại kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường ở cả không khí lẫn nguồn nước.
Cuối năm 2017, UBND Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn với nguồn vốn đầu tư dự kiến hơn 7.000 tỷ đồng và khi đưa vào hoạt động, nhà máy có công suất tiêu thụ 4.000 tấn rác mỗi ngày/đêm.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển việc xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến như đốt rác thải chuyển thành năng lượng, triển khai đồng bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.
Vấn đề mấu chốt nhất vẫn là phải phân loại từ nguồn rác thải ban đầu bởi khi phân loại được rác thải ban đầu, việc xử lý chôn lấp, bóc tách chất rắn sinh hoạt và xử lý chuyển hóa năng lượng, tái chế rác ở bãi chứa thải sẽ giảm thiểu được nhiều công đoạn và chi phí.
Tuy nhiên việc này dường như chưa làm được nên rất khó khăn trong quá trình xử lý rác thải và là một thách thức không nhỏ với Hà Nội. Muốn phân loại được rác thải từ nguồn, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân.
Ngoài ra, việc quy hoạch, năng lực quản lý, kêu gọi xã hội hóa trong xử lý rác thải cũng là một trong những việc cần làm cấp bách để hóa giải những mối đe dọa tiềm tàng do rác thải.