Tuyên Quang: Nổ mìn phá đá như động đất, dân hốt hoảng

Google News

Theo phản ánh của người dân, mỏ đá ở thôn Hồng Tiến (xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) hoạt động trong hơn 10 năm đã làm cho nhà cửa của các hộ dân xung quanh xuất hiện những vết nứt ngày một lớn.

Nổ mìn khai thác đá gây ra rung lắc nhà cửa, đá bay thẳng vào mái nhà dân cách xa cả cây số, nước thải không xử lý, đổ trực tiếp ra môi trường,… Đó là những vấn đề đang tồn tại ở thôn Hồng Tiến, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Người dân đã nhiều lần phản ánh, cầu cứu chính quyền nhưng chưa được quan tâm giải quyết.
Theo phản ánh của người dân, quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển đá của Công ty TNHH MTV Hoàng Sơn đã làm cho nhà cửa của các hộ dân ở đây xuất hiện những vết nứt ngày một lớn hơn.
Dù nhà cách xa mỏ đá gần 1km, bà Nguyễn Thị Giang (thôn Hồng Tiến, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) vẫn bị ảnh hưởng khá nhiều. Nhắc lại câu chuyện bị đá “bay” vào tận nóc nhà hồi năm 2021 làm thủng một vết to, bà Giang chưa hết bàng hoàng.
“Tôi đang ngồi vo gạo để nấu cơm, thấy mìn mổ, bỗng nhiên một hòn đá bay từ mỏ đá Hoàng Sơn rơi vào mái tôn chống nóng của nhà, may hòn đá không rơi vào người, chứ nếu trúng người thì chưa biết điều gì xảy ra.
Tuyen Quang: No min pha da nhu dong dat, dan hot hoang
Mỏ đá tại xã Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Mỗi lần nổ mìn rung hết nhà cửa, như động đất, khói bụi mù mịt cảm giác như có sương mù”, bà Giang chia sẻ.
Nói về chuyện mỏ đá hoạt động gần khu dân cư, bà Phan Thị Biên (thôn Hồng Tiến, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) bức xúc phản ánh: 4 vợ chồng con cái làm ăn tích cóp bao nhiêu năm mới xây được căn nhà vững chãi để ở, thế mà mới được hơn 3 năm căn nhà đã nứt nẻ do ảnh hưởng của hoạt động khai thác đá.
“Mỗi lần mổ mìn, nhà cửa của chúng tôi bị rung mạnh dẫn đến những vết nứt ngày càng dài ra. Ở đây họ khai thác mìn vô tội vạ, nhiều khi mìn nổ đúng giờ học sinh tan lớp, rất nguy hiểm. Từ đợt rơi đá vào nhà dân, người dân bức xúc phản ánh nhiều, thì họ mới khai thác đúng giờ hơn, nhưng tiếng nổ lại to hơn trước”, bà Biên nói.
Tuyen Quang: No min pha da nhu dong dat, dan hot hoang-Hinh-2
Những vết thủng trên mái tôn chống nóng do đá bay từ mỏ đá Hoàng Sơn vào nhà dân.
Ông Phan Văn Tuyến (thôn Hồng Tiến, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) cho hay, do việc khai thác đá của Công ty Hoàng Sơn, tại đây hầu như nhà nào cũng bị nứt nẻ.
“Chúng tôi biết doanh nghiệp phải làm ăn, nhưng họ phải có biện pháp để đảm bảo an toàn, không để người dân chúng tôi bị ảnh hưởng”, ông Tuyến yêu cầu.
Bà Khương Thị Hiển (thôn Hồng Tiến, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) phản ánh, không chỉ nhà bà nhiều lần bị đá rơi vào tận bên trong hay hay nứt tường ngày càng lớn, khu nghĩa địa của gia đình ở ngay cạnh mỏ đá hiện nay cũng đang xuống cấp, gạch đá bong tróc hết.
“Mìn nổ làm khu nghĩa địa nhà tôi bị bong hết lên, các cụ nằm xuống cũng không yên với việc khai thác đá ở đây. Nhiều lần nhà tôi bị đá rơi vào nhà, đã ra trình báo với thôn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, bà Hiển bức xúc nói.
Còn với anh Triệu Văn Vũ, hơn một tháng nay, anh phải chạy vạy đi vay mượn tiền để chữa bệnh cho bố anh là ông Triệu Văn Tụ, vì bị đường điện 35 kV phóng điện gây bỏng nặng, bất tỉnh tại chỗ.
Được biết đường điện này là do Công ty TNHH một thành viên Hoàng Sơn kéo về phục vụ sản xuất của mỏ đá.
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã vào khám nghiệm hiện trường. Tại vị trí ông Tụ bị điện giật, đường dây điện có khoảng cách thấp nhất so với mặt đất là 4,1 mét.
Tuyen Quang: No min pha da nhu dong dat, dan hot hoang-Hinh-3
Vị trí ông ông Triệu Văn Tụ bị điện giật do đường dây kéo về phục vụ mỏ đá Hoàng Sơn
“Sau khi xảy ra sự việc, bố tôi được người dân kịp thời phát hiện nên đưa đi cấp cứu. Giờ bố tôi đang chữa trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia, sức khỏe tạm thời qua cơn nguy kịch nhưng bố tôi bị cắt nhiều bộ phận trên cơ thể vì hoại tử.
Bố mẹ tôi ở quê làm nông, gia đình kinh tế khó khăn mà chi phí chữa bệnh cho bố tôi hiện giờ khá lớn, gia đình gần như không có khả năng chi trả viện phí. Trong khi đó, cơ quan chức năng mãi vẫn chưa công bố kết quả điều tra vụ việc bố tôi bị điện giật, không nói trách nhiệm thuộc về điện lực hay mỏ đá”, anh Vũ cho biết.
Trao đổi với PV Infonet, ông Lương Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) nói xã đã nắm được thông tin và đã yêu cầu mỏ đá giảm tải việc khai thác đá bằng mìn, hạ thấp lượng khai thác xuống.
“Mỏ đá của Công ty Hoàng Sơn hoạt động khai thác được hơn chục năm nay, các doanh nghiệp đã mua đi bán lại vài lần. Hiện chúng tôi chưa thống kê được số hộ dân bị ảnh hưởng cụ thể”, ông Sơn cho hay.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) cho biết sẽ sớm kiểm tra về trình trạng khai thác đá ở xã Thượng Ấm gây ảnh hưởng đến người dân.
Việc khai thác đá giúp các doanh nghiệp ngày càng khá giả hơn, thế nhưng người dân sống xung quanh khu vực này luôn bất an, không biết tai họa có thể ập tới lúc nào. Các mỏ đá này còn khai thác kéo dài nhiều năm, trong khi giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân vẫn là một dấu hỏi với chính quyền sở tại.
Theo Bảo Khánh / Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)