Cty Thuận Phát, Sotraco... không hoàn nguyên mỏ, để lại “vết sẹo” khổng lồ giữa Hà Nội

Google News

Mặc dù đã hết thời hạn khai thác và ngừng sản xuất nhưng các mỏ đá tại huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội không thực hiện đóng cửa mỏ, hoàn thổ, phục hồi môi trường.

Sau khi “ăn khoáng sản”, hàng loạt ông chủ của các mỏ đá ở huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội) “tháo chạy”, bỏ mặc việc hoàn nguyên, đóng cửa mỏ khiến môi trường thêm ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân sinh sống xung quanh.
Những “vết sẹo”... khổng lồ 
Mấy năm nay, người dân xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu về nguy cơ sạt lở đất, đá và vỡ hồ chứa nước do các mỏ đá không thực hiện cải tạo đất, hoàn nguyên khoáng sản và đóng cửa mỏ dù đã hết hạn khai thác.
Ông Bạch Văn Hải ở xã Phú Mãn bức xúc: “Những mỏ đá đã ngừng hoạt động nhiều năm nhưng những “vết sẹo” như hố nước sâu hoắm, vách đá hàm ếch, đất đá trơ trọi, trơn trượt... không được xử lý khiến người dân vẫn sống trong sợ hãi. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, đất, đá trên núi có thể bất ngờ lăn xuống, sạt lở, hoa màu bị vùi lấp, thậm chí những con đường đất trước đây phục vụ cho mỏ đá đã thêm phần nhầy nhụa, lầy lội khiến bao nhiêu vụ tai nạn giao thông xảy ra”.
Cty Thuan Phat, Sotraco... khong hoan nguyen mo, de lai “vet seo” khong lo giua Ha Noi
 Vùng lõi mỏ đá mỏ Thuận Phát trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân địa phương.
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, mỏ đá của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát (mỏ 2) tại thôn Đồng Vỡ, xã Phú Mãn hiện đã dừng hoạt động khai thác, toàn bộ hệ thống nghiền, vận chuyển đá đã hoen gỉ, đứt gãy và nằm vất vưởng bên các sườn núi đá treo leo. Trên đỉnh núi là hố nước ngập sâu chừng 10 mét, rộng gần 200 m2 không được rào chắn an toàn. Toàn bộ diện tích mỏ đá nay đã được người dân tận dụng chăn thả gia súc, gia cầm.
Cty Thuan Phat, Sotraco... khong hoan nguyen mo, de lai “vet seo” khong lo giua Ha Noi-Hinh-2
Nhìn từ trên cao, những mỏ đá không được thực hiện quy trình hoàn nguyên trông như những "vết sẹo" khổng lồ rạch vào bộ mặt thiên nhiên, môi trường Thủ đô. 
Tại mỏ đá 3 của Công ty cổ phần Vimeco ở thôn Trán Voi, xã Phú Mãn còn nguy hiểm hơn khi để lại hố nước sâu hoắm hậu khai thác rộng 5.000m2, sâu 40-45m, tạo thành "túi nước khổng lồ" treo lưng chừng núi, đe dọa tính mạng người dân. Mặc dù hố nước đã được rào chắn và cắm biển cảnh báo nhưng người dân địa phương, nhất là trẻ nhỏ và những người thích mạo hiểm thường kéo đến “vượt rào” để tắm, bơi lặn và chụp ảnh.
Cty Thuan Phat, Sotraco... khong hoan nguyen mo, de lai “vet seo” khong lo giua Ha Noi-Hinh-3
Hố nước sâu rộng sau khai thác đá không được Công ty cổ phần Vimeco hoàn thổ, gây mất an toàn.
Được biết, địa bàn huyện Quốc Oai có 7 mỏ đá, trong đó 5 mỏ đá đã ngừng hoạt động. Các đơn vị khai thác là: Công ty cổ phần Đầu tư khai thác khoáng sản Sotraco, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát, Công ty cổ phần Cơ giới lắp máy và xây dựng, Công ty cổ phần Vimeco (tại xã Phú Mãn) và mỏ đá của Công ty TNHH Bình Minh (tại xã Đông Xuân). Tuy nhiên, tình trạng chung của 5 mỏ đá đã ngừng khai thác đều là không thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, các ông chủ né tránh việc hoàn nguyên, phục hồi môi trường... dẫn đến việc gây tác động tiêu cực tới môi trường của khu vực sau khai thác, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và gây lãng phí tài nguyên đất để phục vụ các mục tiêu phát triển tiếp theo của địa phương.
Nhiều bất cập vẫn muốn gia hạn
Theo báo cáo của UBND xã Phú Mãn, trước đây, khi thực hiện khai thác, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát tiến hành nổ mìn thường không thông báo tới người dân quanh khu vực mỏ; vị trí, thời gian nổ mìn nguy cơ mất an toàn rất cao; Quá trình vận chuyển đá còn sử dụng nhiều xe quá khổ, quá tải trở đầy làm rơi đá ra đường, ảnh hưởng đến chất lượng đường giao thông, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu còn xảy ra, gây mất ATGT, bức xúc trong nhân dân.
Ông Đinh Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai cho biết, người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước do bụi bẩn trong quá trình Công ty Thuận Phát sản xuất, vận hành máy bụi đá bay tràn xuống khu dân cư gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Những hộ dân sống quanh mỏ, nhà cửa thường có lớp bụi phủ, gây các bệnh như đau mắt, hô hấp và các bệnh khác. Đất đá của mỏ tràn xuống đường giao thông, lòng suối và ruộng canh tác của nhân dân.
“Mỏ đá của Công ty Thuận Phát đã hết hạn từ năm 2019. Tháng 7/2019, công ty có tờ trình xin gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá nhưng UBND xã tổ chức hội nghị lấy ý kiến, biểu quyết và thống nhất không đồng ý gia hạn giấy phép đối với Công ty Thuận Phát và yêu cầu công ty này phải thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa mỏ, hoàn nguyên nhưng đến nay họ vẫn chưa thực hiện”, Chủ tịch UBND xã Phú Mãn nói.
Cty Thuan Phat, Sotraco... khong hoan nguyen mo, de lai “vet seo” khong lo giua Ha Noi-Hinh-4
Dây chuyền nghiền, vận chuyển khoáng sản của các mỏ đá hoen gỉ, ngổn ngang sau khi giấy phép khai thác hết hiệu lực.
Nói về bất cập mỏ đá 3 của Công ty cổ phần Vimeco, ông Đinh Ngọc Sơn cho biết, hiện nay mỏ đá đã dừng hoạt động, sau khi khai thác để lại hiện trạng là hố sâu rất nguy hiểm cho con người và động vật qua lại.
“Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét không gia hạn khai thác đá đối với các mỏ đá đã hết thời gian thuê đất trên địa bàn. Đề nghị UBND TP. Hà Nội, các sở ngành liên quan hoàn thiện thủ tục thu hồi đất các mỏ đá đã hết hạn và bàn giao lại mặt bằng cho địa phương quản lý sử dụng, yêu cầu các công ty lập đề án đóng cửa mỏ, hoàn nguyên theo quy định”, Chủ tịch UBND xã Phú Mãn gửi báo cáo, đề nghị lên cấp trên tuy nhiên đến nay những nội dung trên chưa được UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND huyện Quốc Oai và các “ông chủ” mỏ đá quan tâm sâu sát, xử lý dứt điểm, dẫn đến tình trạng mỏ đá bị bỏ rơi sau khi bị “ăn” hết khoáng sản.
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)