“Quá tàn nhẫn, man rợn! Sao những hình ảnh dã man thời trung cổ lại có thể tái hiện ở xã hội văn minh?” – nhiều người đã phải thốt lên như vậy khi xem đoạn livestream trên Facebook về một nhóm 5 đối tượng ở xóm 2 (xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đang giết động vật hoang dã nghi khỉ hoặc voọc chà vá chân nâu.
Đặc biệt, nhóm người đàn ông này đã dùng dao bổ mạnh lên phần đầu của cá thể này rồi dùng muỗng và tay múc não cá thể ăn sống với rượu ngay tại chỗ. Đám người này sau đó đã cạo lông, làm thịt cá thể nghi khỉ này.
Chỉ ít ngày sau, dư luận lại tiếp tục phẫn nộ với việc một giám đốc doanh nghiệp giết thịt hai con chim hoang dã nghi Cao cát bụng trắng, thuộc họ Hồng hoàng rồi đem khoe lên mạng xã hội Facebook.
|
Cảnh giết khỉ được livestream trên Facebook khiến dư luận phẫn nộ. |
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, chủ một tài khoản Facebook nghi ở Hà Tĩnh đăng tải một dòng trạng thái có nội dung: ''Hà Tĩnh đón chào cậu ba cũng là đầu tháng làm tí cho may mắn''. Đính kèm dòng trạng thái là 3 bức ảnh chụp một con khỉ đã bị giết, cạo lông, thui cháy sém khiến sự phẫn nộ của dư luận lên đến tận cùng.
Tương tự trước đó, tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, một tài khoản đã đăng tải nhiều bức ảnh chụp nam thanh niên treo cổ con khỉ màu nâu nhạt trên tay và ảnh một con khác đang bị giết hại, kèm theo dòng chữ: "Lâu ngày anh em gặp nhau làm tí chơi hết mình mổ khỉ tiếp nhau thôi".
Điều đáng quan ngại, đây không phải là những vụ việc cá biệt săn bắt, giết hại động vật hoang dã quý hiếm cần bảo tồn bởi trước đó rất nhiều vụ giết, hành hạ động vật hoang dã từng được đăng tải trên mạng xã hội khiến dư luận phải phẫn nộ dù đã nhiều lần lên án.
Thực tế, trong suốt thời gian qua, việc con người đối xử tàn bạo với động vật hoang dã, quý hiếm từ giết thịt đến buôn bán thường xuyên xảy ra. Mỗi năm, lực lượng chức năng đã triệt phá không ít những vụ vận chuyển sừng tê giác, ngà voi, vẩy tê tê, chim, hổ…Nhưng hiếm khi nào, hành động giết động vật hoang dã không chỉ được tận dụng triệt để trong vận chuyển, mua bán, sử dụng của một bộ phận người dân mà còn được sử dụng để đăng tải lên mạng xã hội facebook để gây sự chú ý của cộng đồng mạng dù hành vi đó là độc ác và đáng xấu hổ.
Việc con người lấy giết chóc động vật hoang dã, quý hiếm thành thú vui, trò tiêu khiển để đăng tải lên mạng xã hội để câu like bị dư luận lên án là đương nhiên bởi đó là những hành động man rợ không thể chấp nhận được. Con người ngày càng tàn ác với thiên nhiên cũng là tàn ác với chính mình. Điều đáng quan ngại, việc một số người dân giết hại động vật hoang dã rồi đăng tải lên mạng xã hội khoe chiến tích chỉ là con số nhỏ, thực tế hàng ngày hàng giờ vẫn có không ít động vật hoang dã bị sát hại.
Trong hệ thống quy định pháp luật để bảo vệ động vật hoang dã hiện nay khá đầy đủ, chặt chẽ. Nhất là từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung 2017) có hiệu lực thì tôi phạm vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã sẽ phải chịu những hình thức xử lý nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, vì sao những vụ giết động vật hoang dã vẫn xảy ra, thậm chí người dân thản nhiên tung hình ảnh, clip bạo hành, giết thịt động vật hoang dã lên mạng xã hội như thời gian vừa qua?
Thực tế có rất nhiều nguyên nhân khiến động vật hoang dã, quý hiếm bị giết hại như vấn đề tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã vẫn chưa đưa được đến người dân trong khi đó ý thức bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã trong một số người dân chưa được cao.
Tuy nhiên nhiều người cho rằng, việc sát hại dã man động vật rồi thản nhiên đăng lên mạng xã hội là kết quả của việc không được giáo dục, yếu kém nhận thức. Nó là minh chứng cho việc đạo đức xuống cấp thì cái ác lên ngôi, con người sống theo bản năng chứ không phải theo ý thức bởi giữa thời đại văn minh mà người ta hành động như thời nguyên thủy. Nó cũng là ví dụ để lý giải vì sao cái ác ngày càng nhân lên trong xã hội khi những vụ án mạng con giết cha, vợ giết chồng, những thảm án giết người hàng loạt liên tiếp xảy ra.
Xã hội ngày càng bất an khi con người sống theo bản năng mà thiếu đi đạo đức, sự nhân văn. Bởi việc giết hại động vật rồi thản nhiên livestream lên mạng xã hội cũng chẳng khác gì việc cái ác được công khai và từ đó cái ác được nhân rộng.
Để hạn chế tình trạng giết hại động vật hoang dã thì giải pháp cần thiết nhất vấn là tuyên truyền kiến thức pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã đến rộng rãi người dân để nâng cao ý thức của họ.
Bên cạnh đó, cần áp dụng những chế tài xử phạt thật nghiêm với những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật…
Bởi cả xã hội có lên án mạnh mẽ đến đâu mà chế tài không đủ mạnh cũng sẽ không đủ sức răn đe.