Vụ việc nam ca sĩ Châu Việt Cường bị công an quận Ba Đình (TP Hà Nội) khởi tố vụ án hình sự, tạm giữ để điều tra về tội “vô ý làm chết người” khi nam ca sĩ này cùng nhóm bạn chơi ma túy dạng ketamin và trong khi “ngáo đá”, Cường đã nhét 33 nhánh tỏi vào miệng cô gái 20 tuổi – Trần Mỹ H. (Chương Mỹ, Hà Nội) khiến nạn nhân tử vong đang khiến dư luận xôn xao. Một lần nữa lại làm dấy lên những lo lắng kéo dài về hệ quả của lối sống buông thả, sa đọa của một bộ phận giới trẻ.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra án mạng do những người sử dụng ma túy bị “ngáo đá” gây ra. Trước đó đã có không ít vụ án con giết cha mẹ, chồng giết vợ, người tình giết nhau do các đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến bị ảo giác nhầm tưởng những người thân của mình là “ma quỷ”, “trăn tinh”...
|
Ca sĩ Châu Việt Cường. Ảnh: Người Đưa Tin. |
Dư luận từng phẫn nộ khi tiếp nhận thông tin vụ án mạng tại Đồng Nai khi đối tượng Tôn Thất Minh (SN 1995, huyện Long Thành, Đồng Nai) giết mẹ ruột trong cơn ngáo đá. Một vụ án khác xảy ra ở Nam Định năm 2015 cũng khiến nhiều người bức xúc khi đối tượng Đỗ Đức Mạnh Hùng (27 tuổi, trú phường Trần Quang Khải, TP. Nam Định) nghi do ngáo đá cầm giao đâm chết cha mẹ đẻ là ông Đỗ Đức Thắng (71 tuổi) và bà Nguyễn Thị Đỏ (62 tuổi), cùng trú tại tại số nhà 3, phố Nguyễn Bính, phường Trần Quang Khải, thành phố Nam Định.
Hay vụ án xảy ra vào tháng 10/2016 khi đối tượng Nguyễn Hoài Thanh (SN 1986, trú tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) do ngáo đá đã dùng xẻng đập vào mặt chị Võ Thị Thúy V. (SN 1982) khiến nạn nhân tử vong do nghĩ chị V. là con rắn. Năm 2013, khi đối tượng Nguyễn Hữu Chính (SN 1979, ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên làm MC trong các đám cưới, đi hát ở các phòng trà, quán cà phê, nhà hàng) sau khi quan hệ tình dục và sử dụng ma túy đã giết chị Đường Thị H. (SN 1985, quê tỉnh Tuyên Quang) vì nghĩ người yêu mình là “trăn tinh”.
Ngoài ra, còn nhiều vụ án khác được lực lượng chức năng phát hiện như hàng chục nam nữ thanh niên vào nhà nghỉ dùng ma túy đá rồi quan hệ bầy đàn, sẵn sàng nhảy từ những tòa nhà cao tầng xuống đất, thậm chí khỏa thân đi lang thang ngoài phố, gây ra những hành vi mà lúc tỉnh táo họ không thể làm được.
Một thống kê từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho thấy số người nghiện được xác nhận tại Việt Nam hiện nay khoảng 200.000 người nhưng con số thống kê thực tế còn nhiều hơn. Trong số đó, có không ít thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp phổ thông nhất là ma túy đá (methamphetamine), thuốc lắc (MDMA), ketamine, cỏ Mỹ... để bay bổng, kích thích trong những cuộc chơi. Đáng chú ý, những người nghiện ma túy có nhiều thành phần từ ca sĩ, bác sĩ thậm chí cả công an, học sinh, sinh viên… đủ mọi lứa tuổi. Họ có thể xuất thân từ những gia đình không hạnh phúc và cả những gia đình thành đạt, có vị trí xã hội. Đặc biệt, có không ít nữ giới sống buông thả bản thân chạy theo lối ăn chơi sa đọa và trở thành nạn nhân của nhiều vụ án mạng thương tâm do “ma túy đá”.
Cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến các đối tượng bước vào con đường lầm lỗi như từ sự lôi kéo của bạn bè, người thân, sự thiếu bản lĩnh của cá nhân, a dua, muốn khẳng định bản thân một cách thiếu cơ sở, sự buông lỏng quản lý của gia đình hay do những giá trị truyền thống trong định hướng lối sống trở nên dễ bị xem nhẹ… Trong khi đó, việc tuyên truyền, phổ biến về tác hại của ma túy cũng như kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy còn hạn chế. Công tác cai nghiện còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp đi cai nghiện về lại tái nghiện.
Những nguyên nhân ấy còn được tiếp tay bởi thời đại hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ đẩy nhiều người đến ảo tưởng bản thân, thích thể hiện những sinh hoạt đồi trụy, lôi kéo nhiều người khác cùng tham gia. Những người làm nghề như ca sĩ như Châu Việt Cường thường có lượng fan lớn và trong số đó không ít người chạy theo lối sống buông thả như thần tượng của mình. Những cái nhìn lệch lạc từ những thông tin không lành mạnh đã khiến nhiều người trẻ sa ngã dẫn đến những hành vi đồi bại, hủy hoại chính cuộc sống của họ.
Như PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM từng phân tích khi trả lời báo chí: “Những định hướng lệch chuẩn về quan hệ gia đình, quan hệ giới tính và cả quan hệ bản thể sẽ làm người ta có những nhận thức, thái độ và hành vi rất sai lầm. Điều này đồng nghĩa với chuyện người ta có thể sống quá bản năng. Tuổi dậy thì là tuổi khiến người ta có thể sống cho mình, sống bơ vơ, sống chủ quan, sống vì cái tôi vĩ đại, sống vì “chữ con” trong người”.
Nhiều năm qua, Nhà nước chi hàng nghìn tỉ đồng cho công tác phòng, chống ma túy, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng hiệu quả chưa cao. Trong cuộc chiến phòng chống ma túy, điều quan trọng nhất chính là các bậc phụ huynh, gia đình cần có sự quan tâm đúng mức đến nhận thức của con em mình, giúp họ có định hướng đúng đắn về tương lai từ khi còn trẻ, hướng con em mình đến một lối sống lành mạnh, biết xây dựng cuộc sống dựa trên những lý tưởng cao đẹp, giáo dục các em tránh xa những cạm bẫy, lối sống đồi bại để trở thành những người có ích cho xã hội, không để con em mình trở thành nạn nhân của những vụ việc đau lòng do ma túy đá.