Giữa dư âm của sự nổi tiếng và thực tại khắc nghiệt, danh thủ Hồng Sơn không khỏi có những phút giây chơi vơi.
Trong lần gặp Hồng Sơn gần nhất trên đất Sài thành, tôi cứ ấn tượng mãi với nụ cười của anh. Ai đó đã nói rằng “Nụ cười là sức mạnh lớn nhất của tâm hồn”, điều đó quả thật không sai.
Tôi đã bắt gặp ở đâu đó hình ảnh của những người nổi tiếng thường ít nụ cười, dường như đó là cách để họ giữ khoảng cách với xung quanh như một sự khác biệt. Thế nhưng, Hồng Sơn chắc chắn không phải là người nằm trong số khác biệt ấy.
Ở anh, người ta luôn thấy có cảm giác gần gũi, thân thiện. Cũng chỉ bởi nụ cười đã làm nên sức mạnh kết nối vô biên. Đó không phải nụ cười ầm ào tuổi teen, cũng không phải nụ cười kiểu vô thưởng vô phạt.
|
Là cầu thủ tài năng nhưng Hồng Sơn chưa bén duyên với vị trí HLV ở V-League. Ảnh: BĐP. |
Hồng Sơn nay đã 42 tuổi. Anh có sự chín chắn, điềm tĩnh của một ông chủ gia đình: một vợ, hai con. Anh có sự nghiêm nghị của vị trung tá quân đội. Anh có sự từng trải của một người qua nhiều thăng trầm, sóng gió… Thế nhưng, trên hết Hồng Sơn vẫn giữ sự hồn nhiên, trong sáng có phần tinh nghịch của dân thể thao chính gốc.
Tôi gặp Hồng Sơn khi anh vừa trở về từ Trà Vinh. Đó là một chuyến công tác suốt chiều dài đất nước. Họ xới tung từ thành thị cho đến nông thôn để tuyển chọn những mầm non bóng đá nước nhà. Một hành trình mà theo nhiều người trong đoàn là vòng quay hối hả. Thế nhưng, Hồng Sơn là thế. Anh vẫn giữ được sự quân bình giữa những vất vả đời thường ấy.
Nó làm tôi nhớ lại hình ảnh Hồng Sơn ở sân bóng. Giữa vòng vây của đối thủ nhưng anh vẫn tỉnh táo dùng kỹ thuật cá nhân rất hoàn hảo để vượt qua. Hồng Sơn luôn mang một nét độc đáo trong cách thể hiện trên sân.
Mới đây thôi, trong chuyến đi với đoàn tuyển chọn cầu thủ nhí của Viettel đến đất Ninh Thuận, Hồng Sơn đã có dịp xỏ giày vào sân thi đấu. Số là đội bóng của Viettel đang tham dự một giải đấu phong trào ở địa phương đã đăng ký tên Hồng Sơn vào đội.
|
Thầy Hồng Sơn và các học trò nhí. Ảnh: BĐP. |
Chỉ sau một trận so tài thì chuyện Hồng Sơn có mặt thi đấu đã trở nên ồn ào và khán giả lũ lượt đến sân xem cựu danh thủ này trình diễn bóng đá.
Cái chất kỹ thuật của Hồng Sơn khiến người ta phải có lần mời anh trở lại trong màu áo tuyển futsal Việt Nam thi đấu tại giải châu Á năm 2005. Đó là lần tái xuất thứ hai của Hồng Sơn. Lần đầu tiên là trước đó 1 năm khi anh khoác áo CLB Bia đỏ thi đấu ở giải hạng Ba. Lần nào anh cũng để lại những ấn tượng không thể phai nhòa.
Trên sân bóng, Hồng Sơn luôn nổi bật, dù chỉ vài phút ngắn ngủi cũng đủ làm trái tim khán giả thổn thức. Có thể đấy chính là lý do khiến người ta phải đặt biệt danh “Công chúa” cho anh.
Không ít lần Hồng Sơn dằn vặt, trăn trở để cái chất “nổi loạn” cất tiếng sau những lời mời đến từ các CLB nhưng rồi anh lại kìm lòng mình. Mới nhất là CLB Hà Nội của bầu Kiên đánh tiếng mời Hồng Sơn sau khi họ nhận đơn từ chức của HLV Nguyễn Thành Vinh. Song có vẻ như anh vẫn đang lưỡng lự.
Hẳn nhiều người còn nhớ động tác ăn mừng đã ghi sâu trong lòng người hâm mộ của Hồng Sơn là kiểu chào trong quân đội. Đó cũng chính là một ấn tượng nữa của tôi với Hồng Sơn. Cái chất lính của anh nay vẫn thể hiện qua nề nếp sinh hoạt, tác phong dậy sớm, gọn gàng, ngăn nắp…
Hồng Sơn có cách sống điển hình của một quân nhân với những nguyên tắc bất di bất dịch. Anh cũng mang đến hình ảnh của một ông bố giàu trách nhiệm với vợ con. Đây là những ưu điểm tuyệt vời nhưng có cảm giác nó cũng níu anh lại trên bước đường chuyển đổi từ VĐV sang HLV.
Hồng Sơn chờ đợi một cơ hội nào nữa, sau khi bỏ qua quá nhiều lời mời mà người ta nằm mơ cũng không thấy để tiếp tục gắn bó với niềm đam mê bóng đá trong cương vị một HLV ở một đội bóng đỉnh cao V-League.
Bằng cấp thì Hồng Sơn đã sớm “gom” đầy đủ. Từ bằng đại học TDTT, đến bằng đại học Luật, rồi các lớp huấn luyện của FIFA… Thế hệ vàng của Hồng Sơn, những đồng đội như Huỳnh Đức, Văn Sỹ, Công Minh, Quang Hà, Hữu Thắng… đều đã xuất chinh và càng lúc càng chắc tay trong vai trò HLV trưởng ở các CLB.
Hồng Sơn đâu phải kém tài. Anh thậm chí còn được xem như một người thông minh, sắc sảo vượt bậc so với nhiều nhân vật thành danh khác.
Mà nào phải Hồng Sơn đã mất đam mê với nghề. Thực tế anh vẫn luôn gắn bó với bóng đá. Chỉ cần xem cựu danh thủ này huấn luyện lũ trẻ thì ai cũng cảm thấy cái chất sáng tạo luôn tuôn chảy trong anh. Hồng Sơn luôn tạo ra môi trường huấn luyện hứng khởi, đam mê chứ không gò ép một cách máy móc.
Thật ra đã có thời gian, anh giữ những dự định và ấp ủ với Thể Công, với môi trường quân đội. Rằng anh chấp nhận lăn lộn “gõ đầu trẻ” với mong muốn chuẩn bị một cách căn cơ nhất và rồi sẽ theo chân các học trò lên dần từ tuyến trẻ đến đội một Thể Công. Tiếc rằng Thể Công tan rã, Viettel tiếp nhận nhưng sau đó cũng lại chuyển giao cho Thanh Hoá… Những giấc mơ nay không còn lối ra.
Cuộc sống bình lặng cứ trôi qua, Hồng Sơn sống trong những hoài niệm đẹp của tất cả mọi người khi thi thoảng vài cấp lãnh đạo gọi anh ra làm “vài cốc bia”, nói dăm ba câu chuyện phiếm… Chẳng lẽ số phận của danh thủ một thời lại kết thúc đơn giản như vậy.
Có người bảo Hồng Sơn không chịu mãi như vậy, cũng chỉ vài năm nữa hết tuổi quân ngũ rồi anh sẽ lại tung hoành như bất cứ ai. Song có lẽ trước khi bước qua một ngã rẽ mới thì Hồng Sơn cần phải đả thông được tư tưởng của bản thân, như chính anh từng có lần tâm sự: “Tư duy an phận thủ thường đang cản trở tôi”.
Hồng Sơn thành đạt rất sớm, tạo một chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ và điều đó cũng khiến anh sợ thất bại, e ngại sự bứt phá và thay đổi. Anh hài lòng với cuộc sống, với những gì đang diễn ra thì khó có thể chấp nhận gian khổ hoặc hy sinh cho sự nghiệp. Anh chưa có sự thôi thúc bằng mọi giá phải gặt hái những nấc thang thành công trong nghề HLV.
Cuộc sống không mang lại cho ai tất cả, đôi khi được điều này lại mất điều khác. Hồng Sơn dù thế nào vẫn là một ngôi sao trong lòng người hâm mộ. Có lẽ bản thân anh cũng e ngại bất cứ điều gì có thể làm sứt mẻ một cánh nào của ngôi sao khi bung ra thử thách ở môi trường khác. Ở những nơi mà cái giá cho thành công đôi khi rất đắt.
Tuy nhiên, người hâm mộ có lẽ vẫn luôn mong mỏi và kỳ vọng ngôi sao ấy toả sáng một lần nữa.
Theo VNE