Các bên sẽ phản ứng ra sao sau trưng cầu ở đông Ukraine?

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc trưng cầu dân ý có thể khiến Ukraine không thể tổ chức bầu cử tổng thống ở miền đông. Phản ứng Nga và phương Tây chưa rõ ràng?

Khó tổ chức bầu cử Tổng thống Ukraine tại miền đông
Ukraine và phương tây lo ngại, số phận của miền đông Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý sẽ giống với Transnistria – vùng đất phần đông dân cư là người nói tiếng Nga đã ly khai khỏi Moldova vào đầu những năm 1990.
Người biểu tình đòi liên bang hóa Ukraine từ lâu đã cho biết, họ không ủng hộ cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vào ngày 25/5 cũng như tuyên bố ngăn chặn việc bầu cử tại tỉnh Donetsk. Từ lâu, Kiev và các đồng minh phương tây vẫn dựa vào cuộc bầu cử này để thành lập chính phủ hợp pháp và ổn định tại Ukraine.
Người dân miền đông đi trưng cầu dân ý. 
Trong diễn biến mới nhất về cuộc trưng cầu dân ý tại miền đông Ukraine, người đứng đầu Uỷ ban bầu cử trung ương Cộng hoà Donetsk Roman Lyagin cho biết, theo kết quả ban đầu khoảng 90% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập trong khu vực.
Với việc phần đông người dân Donetsk ủng hộ nền độc lập của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk thì Kiev sẽ lại gặp càng nhiều khó khăn hơn trong việc tổ chức cuộc bầu cử tại miền đông.
Phản ứng của Nga
Tổng thống Vladimir Putin vẫn bỏ ngỏ ý kiến của ông về tương lai của miền đông Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý.
Ông Putin từng làm phương tây ngạc nhiên khi ông đưa ra lời khuyên đối với người biểu tình đòi ly khai ở miền đông Ukraine về việc “hoãn cuộc trưng cầu dân ý ngày 11/5”. Tuy nhiên, người biểu tình ở miền đông Ukraine lại cho biết, họ vẫn sẽ giữ kế hoạch ban đầu. Ông Putin không cho biết Nga sẽ phản ứng ra sao nếu cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức.
Ông Putin bỏ ngỏ phản ứng của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý. 
Các nhà phân tích cho rằng, khả năng Nga sáp nhập miền đông Ukraine giống như Crimea là không cao. Nguyên nhân chủ yếu là việc sáp nhập không nhận được sự ủng hộ từ cả 2 phía: các tỉnh miền đông cũng như Nga.
Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý có thể giúp ông Putin thúc đẩy quá trình liên bang hóa Ukraine – một chiến lược mà Moscow không ngừng theo đuổi nhằm làm suy yếu chính phủ trung ương kiev và lấy lại sự ảnh hưởng của Nga đối với Ukraine, thay vì một nhà nước Ukraine độc lập và thân phương tây.
Kiev có thể làm gì?
Chính phủ lâm thời Ukraine cho biết sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Tuy vậy, Kiev đang phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn.
Các lực lượng vũ trang Ukraine tiến hành hàng loạt các hoạt động cản trở cuộc trưng cầu dân ý. 
Nếu Kiev không làm gì, người biểu tình tại miền đông sẽ dần dần chiếm quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này. Tuy nhiên, nếu Kiev tiếp tục chiến dịch chống người biểu tình thì đó có thể là cái cớ để Moscow gửi quân gìn giữ hòa bình tới miền đông Ukraine để bảo vệ những người nói tiếng Nga – như Moscow đã làm ở Crimea.
Trước đó, Thủ tướng lâm thời chính phủ Ukraine Arseniy Yatseniuk trả lời tờ Financial Times hồi đầu tháng cho biết, chính phủ Ukraine đã mắc bẫy.
Thêm những lệnh trừng phạt từ Washington và Brussels?
Cả EU và Mỹ đều tuyên bố rõ ràng về việc họ không công nhận cuộc trưng cầu dân ý. EU được cho là sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và công ty có liên quan đến sự can thiệp của Nga vào Ukraine.
Trong diễn biến mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psak tuyên bố Mỹ tiếp tục nhấn mạnh tính bất hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết tại các tỉnh Donetsk và Lugansk của Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Markel cũng cho biết, phương tây sẵn sàng sử dụng các phương thức khác. Nhưng điều kiện để các phương thức này được thực thi là cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vào ngày 25/5 phải được tiến hành.
Mặc dù vậy, các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine vẫn đang được tiến hành. Tổ chức Hợp tác và An ninh Châu Âu cuối tuần trước đã công bố lộ trình để tháo gỡ khủng hoảng ở Ukraine, sau khi chủ tịch tổ chức này Didier Burkhalter có cuộc gặp với ông Putin. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu – người có cuộc thảo luận với ông Didier Burkhalter vào tuần trước cũng sẽ có cuộc gặp với thủ tướng lâm thời chính phủ Ukraine Arseniy Yatseniuk vào ngày 12/5.
Lê Trang

Bình luận(0)