Có con với người khác, tôi có lỗi với chồng

Google News

Cái sức sống và khao khát của người đàn bà một con đang sức trẻ dù có cố dập xuống thì vẫn như ngọn lửa âm ỉ cháy...

- Chồng hy sinh được ít năm, lỡ làng có bầu với người đàn ông khác khi vẫn đang ở tại nhà chồng... bà Sinh từng làm xôn xao làng quê nhỏ bé về một người đàn bà "trắc nết". Nhưng trong khúc khải hoàn ca chiến thắng, có nốt trầm là cuộc đời của những người phụ nữ như bà, lặng lẽ ngoài những chiến công.

Chẳng biết ông ấy có tha thứ không

"Tôi và chồng tôi biết nhau lâu rồi nhưng trở thành thân thiết khi cùng tham gia dân công. Một lần đi họp tổ, tôi tâm sự với ông ấy rằng bố mẹ tôi đang ép phải lấy một người chồng đã "chấm" sẵn, ông ấy chẳng nói gì. Bất ngờ ông ấy kêu đau bụng, quằn quại ghê lắm, mọi người bảo cho ông nghỉ. Mà chỉ có nhà tôi cùng ngả đường với ông ấy nên tôi phải đưa ông ấy về. Nhưng đi được một đoạn tôi chẳng thấy ông ấy đau đớn gì nữa.
 
Ông ấy cứ phăm phăm đi trước mặt tôi, không nói một lời. Bất ngờ tới một quãng đồng vắng, ông ấy cầm tay và nói yêu tôi. Bảo đã nhớ nhung, trộm mến tôi vài năm rồi, nhưng giờ mới có cơ hội ngỏ lời. Chả hiểu sao tôi nhận lời liền, rồi về làm vợ ông ấy", bà Nguyễn Thị Sinh (An Lão, Hải Phòng) mắt lấp lánh nhớ lại chuyện cũ. Trong chuỗi kỷ niệm về người chồng hy sinh và cuộc đời mình, đó là lúc duy nhất tôi thấy bà cười.

Cưới nhau được 2 năm, có với nhau cậu con trai 1 tuổi thì chồng tham gia kháng chiến. "Một lần ông ấy đột ngột về thăm tôi, nói là từ biệt để vào chiến trường miền Nam. Không ngờ đó là lần gặp cuối cùng tôi gặp ông ấy", bà Sinh lau nước mắt. Bao nhiêu ngày tháng đợi chờ, nhớ mong mòn mỏi, cái nhận được chỉ là tờ giấy báo tử, người vợ trẻ gục ốm. Năm đó bà mới 24 tuổi.

Cái sức sống và khao khát của người đàn bà một con đang sức trẻ dù có cố dập xuống thì vẫn như ngọn lửa âm ỉ cháy. Và chỉ cần một cơn gió lay động, nó đã thổi bùng lên và cuốn theo. "Trong lúc tôi đang buồn, đau khổ, có một người đàn ông quê ở nơi khác tới làng tôi làm ăn thường động viên, an ủi tôi. Rồi chúng tôi chẳng giữ được mình. Tôi có bầu trong lúc vẫn đang ở tại nhà chồng làm dâu", bà Sinh lắc đầu như không muốn nhớ lại.

Lúc đó bà đang sống tại Vân Canh, Hà Tây (cũ). Thời điểm ấy ở một vùng quê còn nặng những lễ giáo và quan niệm khắt khe về tiết hạnh của một người phụ nữ thì việc làm của bà Sinh là một sự chấn động. "Nhưng hầu như tôi chỉ nghĩ tới chồng. Đêm nào tôi cũng dằn vặt với suy nghĩ, không biết ông ấy có tha thứ cho mình không", bà Sinh thở dài.
Bà Sinh trong chuyến về thăm quê chồng.
Bà Sinh trong chuyến về thăm quê chồng.

Giờ tôi đã được ở gần chồng

Bà Sinh bảo, bà không gục ngã cũng là nhờ gia đình nhà chồng. Có đứa con dâu "chửa hoang", nhiều lời đàm tiếu, dè bỉu bay đến nhưng cả nhà, nhất là mẹ chồng không hề nghiệt ngã, xa lìa bà. Cũng chính điều đó đã giữ chân bà ở lại để giữ đạo hiếu dâu con, phụng dưỡng bố mẹ già thay chồng.

"Đó là những tháng năm khó khăn nhất của cuộc đời tôi. Chồng mất, một nách hai con thơ, ra đường mọi người xì xào, cái đói nghèo bủa vây, hầu như đêm nào tôi cũng khóc", bà Sinh mắt rân rấn nước. Bà thường dậy từ 3 giờ sáng, nắm một nắm cơm bé tẹo, có khi chỉ là vài củ sắn cho cả một ngày dài vượt hơn chục cây đi cắt cỏ cho bò. Bà làm nhiều nghề, miễn sao xoay xỏa có tiền nuôi con.

Sau lần "trót dại", bà khước từ mọi tình cảm từ những người đàn ông ngỏ ý muốn xây dựng hạnh phúc với mình. Nhìn cảnh nhà người khác đầm ấm, đủ đầy bà cũng hay chạnh lòng, nghĩ ngợi, nhưng bà luôn tự nhủ, cố gắng sống nuôi hai con, làm tròn phận dâu con để "sau này còn mặt mũi gặp lại chồng".

Bà theo người con trai cả ra Hải Phòng lập nghiệp, giờ đã ở tuổi 70, nhưng bất kể gia đình chồng có công to việc lớn gì bà đều có mặt. Niềm an ủi lớn nhất đối với bà là mới đây đã tìm được mộ của chồng sau gần 50 năm thất lạc. "Vợ chồng gặp nhau, tuy âm dương cách biệt, nhưng tôi thấy hạnh phúc lắm. Giờ mọi vui buồn, tôi có thể tâm sự với ông ấy, tôi chẳng thấy cô đơn nữa", bà Sinh bùi ngùi.
Mai Loan

Bình luận(0)