Fisker Automotive tuy là một hãng xe khá non trẻ (thành lập năm 2007) nhưng đã có một số thành tựu đáng kể trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Hãng tập trung phát triển xe hybrid cắm điện hoặc xe chạy điện hoàn toàn và đã cho ra mắt mẫu Karma vào năm 2009, đồng thời cũng có dự định tung ra thị trường các mẫu xe Sunset, Surf, Atlantic trong tương lai.
|
Cựu CEO và đồng sáng lập hãng Fisker: ông Henrik Fisker bên cạnh chiếc xe "con cưng" Karma. |
Điểm chung của các mẫu xe đến từ Fisker là chúng có thiết kế rất riêng: đẹp đẽ và cá tính theo phong cách tương lai, kết hợp được các đường cong uốn lượn với các chi tiết sắc cạnh, rất bắt mắt. Tuy nhiên, sự bền bỉ và ổn định lại không gắn liền với Fisker. Mẫu xe duy nhất đang được bán là chiếc Karma liên tục gặp lỗi và thậm chí còn dễ bắt lửa, gây cháy.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chưa sẵn sàng để đón nhận các mẫu xe hybrid cắm điện thông thường, nên Karma thuộc phân khúc xe thể thao cao cấp càng khó bán hơn. Khó khăn tiếp diễn với việc lượng pin A123 sử dụng cho Karma bị đối tác Wanxiang cắt giảm, khiến Fisker không thể duy trì việc sản xuất mẫu xe này và dần dần cạn vốn. Từ đó, hãng liên tục phải loại bớt nhân sự (chia tay cả ông Henrik Fisker, CEO và đồng sáng lập công ty), trì hoãn các kế hoạch ra mắt xe mới (trong đó đáng tiếc nhất là mẫu Atlantic) và đến đầu năm 2014 thì tuyên bố phá sản.
Trong phiên đấu giá để giành quyền sở hữu Fisker, chính Wanxiang đã chiến thắng với việc bỏ ra số tiền 149,2 triệu USD, tương đối thấp so với dự đoán của giới chuyên môn. Wanxiang sẽ nắm quyền kiểm soát các nhà máy của Fisker, nhưng để sở hữu hoàn toàn thương hiệu và logo của hãng xe này thì tập đoàn Trung Quốc vẫn cần thêm một thời gian nữa để hoàn tất hết các thủ tục pháp lý.
Như vậy, tuy bị thâu tóm nhưng Fisker sẽ có thêm vốn để tiếp tục phát triển xe, còn Trung Quốc nay sẽ có thêm công nghệ để nuôi mộng tăng sức cạnh tranh trong thị trường ô tô quốc tế. Cả hai bên đều có lợi.