Thủy phi cơ sắp được bay trên Vịnh Hạ Long

Google News

Ông Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam trả lời về việc Công ty CP Hàng không Hải Âu vừa đề xuất được khai thác dịch vụ bay thủy phi cơ.

Việt Nam sẽ sớm có thủy phi cơ tại Quảng Ninh.
- Loại hình thủy phi cơ có phù hợp để phát triển tại Việt Nam không, thưa ông?
- Thủy phi cơ là loại hình mới tại Việt Nam nhưng đã khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có bờ biển dài, nhiều sông hồ như: Mỹ, Canada, Maldives, Indonexia… Việt Nam với đặc điểm bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thủy phi cơ phát triển.
Theo tôi đây là dịch vụ mới, có nhiều tiềm năng. Phí bay thủy phi cơ tương đối đắt, ở nước ngoài tầm 200 USD cho 30 phút, nhưng tôi nghĩ nhiều du khách sẵn sàng bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ này.
- Ông có thể cho biết tại sao lại chọn Quảng Ninh là nơi hoạt động đầu tiên của thủy phi cơ tại Việt Nam?
- Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu - đơn vị đề xuất bay thủy phi cơ muốn làm dịch vụ ngắm cảnh Vịnh Hạ Long từ trên cao. Dự kiến, mỗi chuyến bay khoảng 30 phút quanh Vịnh Hạ Long.
Công ty Hải Âu mong muốn được thực hiện bay thủy phi cơ ở Hạ Long và Nha Trang nhưng ý kiến của Cục Hàng không VN là thực hiện thí điểm ở Hạ Long trước, sau khi thành công mới nhân rộng ra các điểm du lịch khác trên cả nước.
- Một vấn đề mà rất nhiều người quan tâm đó là vấn đề an toàn khi bay thủy phi cơ, ông có thể nói gì về điều này?
- Cục Hàng không VN đã khảo sát Vịnh Hạ Long và thấy có đủ điều kiện đáp ứng để bay thủy phi cơ như: Vịnh kín, sóng thấp, khoảng cách rộng. Bên cạnh đó, hạ tầng ở Vịnh Hạ Long để làm bãi đỗ kỹ thuật qua khảo sát ở đảo Tuần Châu là đảm bảo đủ điều kiện.
- Khó khăn nhất khi thực hiện bay thủy phi cơ tại Việt Nam là gì?
- Đó là đến nay vẫn chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện bay thủy phi cơ ở Việt Nam.
Đây là vấn đề rất mới, từ các quy định, quy chế quản lý, phương pháp quản lý đều chưa có. Về hệ thống văn bản pháp luật cũng chưa có văn bản quy định về bay thủy phi cơ. Hiện Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đang xây dựng quy chế quản lý máy bay tầng thấp, trong đó có thủy phi cơ.
Về phía Cục Hàng không VN, trên cơ sở pháp lý của quốc tế sẽ sớm ban hành bộ quy chế quản lý hoạt động bay, xây dựng các văn bản hiệp đồng với Bộ Quốc phòng để quản lý. Vì thủy phi cơ bay ở tầng thấp nên không thể theo dõi bằng radar mà phải tìm phương thức theo dõi khác, ngay cả phương thức liên lạc cũng phải thay đổi…
Cục Hàng không VN cũng đang nghiên cứu để ban hành tiêu chuẩn sân bay thủy phi cơ. Tuy không phức tạp như sân bay lớn nhưng nó vẫn có những tiêu chuẩn tương đối nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, còn phải ban hành nhiều tiêu chuẩn khác như: Tiêu chuẩn của đơn vị khai thác thủy phi cơ, đặc biệt là bộ máy quản lý liên quan đến an ninh an toàn; tiêu chuẩn về nhân viên hàng không; tiêu chuẩn về môi trường…
Ngoài ra, Cục cũng sẽ phải báo cáo Bộ GTVT quy hoạch về mạng sân bay thủy phi cơ để làm cơ sở cấp phép khai thác sau này.
- Vậy khi nào thủy phi cơ có thể hoạt động, thưa ông?
- Nếu hệ thống văn bản pháp lý và các bộ tiêu chuẩn hoàn thiện trong năm 2014, Công ty Hải Âu sẽ mua máy bay, thuê phi công… Dự kiến, đến cuối năm 2014, đầu năm 2015 thủy phi cơ sẽ bay trên Vịnh Hạ Long.
- Cảm ơn ông!
Loại thủy phi cơ mà Công ty Hải Âu sử dụng là thủy phi cơ Cessna Grand Caravan 208B-EX (đời mới nhất) của Mỹ, mới 100%, 2 chỗ ngồi người lái và 12 chỗ ngồi cho hành khách. Tàu bay có thể linh hoạt cất, hạ cánh cả trên mặt đất và mặt nước. Dự kiến, Công ty Hải Âu sẽ nhập về 2 chiếc thủy phi cơ để phục vụ khai thác giai đoạn đầu.

 

Theo Giao Thông Vận Tải

Bình luận(0)