“Đại gia” xe oằn mình trong thua lỗ

Google News

(Kiến Thức) - Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh số bán hàng sụt giảm, nhiều "đại gia" sản xuất xe ngập chìm trong thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản.

Mới đây, theo công bố của Cục Thuế Đồng Nai, từ năm 2008 đến năm 2012, Công ty TNHH Suzuki Việt Nam nhiều năm thua lỗ, với số lũy kế 413,24 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn tới thua lỗ không được Suzuki Việt Nam cho biết nhưng nhìn vào thời điểm 2008-2012, có thể suy đoán, một phần nguyên nhân thua lỗ là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2011, Suzuki Việt Nam bán được 4.344 xe ô tô, tăng 34% so với năm 2010. Đây là kết quả được cho là khả quan trong bối cảnh thị trường ô tô sụt giảm. Tuy nhiên, sang năm 2012, Suzuki chỉ còn bán được 3.409 xe, giảm 22% so với năm trước, nắm giữ 4,2% thị phần. 8 tháng đầu năm nay, số lượng xe bán ra của Suzuki là 2.377 xe, chiếm 4,1% thị phần.
 Nhiều hãng sản xuất ô tô, xe máy đang gặp khó khăn, thua lỗ. Ảnh minh họa: Internet.
Báo cáo kết quả kinh doanh trong năm tài chính 2012, kết thúc vào ngày 31/3/2013 cho thấy, Suzuki đã giảm 10,7% doanh số và thua lỗ 11,9 tỷ yên (tương đương 117 triệu USD) từ hoạt động kinh doanh xe máy. Con số này của năm tài chính 2011 - 2012 là 2,4 tỷ yên.
Cũng trong năm ngoái, Suzuki đã buộc phải rút khỏi thị trường Mỹ, sau 27 năm kinh doanh và phát triển tại đây. Theo báo chí nước ngoài, năm 2012 được cho là năm làm ăn thất bát nhất trong lịch sử Suzuki tại Mỹ, xếp thứ 2 trong số các công ty ô tô có doanh số bán hàng tồi tệ nhất. Năm 2012 cũng là năm mà Suzuki phải đưa ra quyết định dừng nhà máy sản xuất xe máy ở Tây Ban Nha.
Những năm gần đây, do kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm, thị trường ô tô, xe máy Việt Nam tuột dốc, không chỉ Suzuki mà nhiều nhà sản xuất khác cũng gặp khó khăn.
Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng có đơn xin gia hạn nộp thuế nhập khẩu với số tiền hơn 1.200 tỷ đồng. Cụ thể, Trường Hải xin cho 4 công ty thành viên được gia hạn nộp thuế nhập khẩu với số tiền khoảng 1.214 tỉ đồng kể từ ngày 1/7 năm nay đến ngày 30/6/2014.
Các công ty nợ thuế gồm: Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Lắp ráp Ô tô tải Chu Lai - Trường Hải; Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Lắp ráp Ô tô khách Trường Hải; Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Lắp ráp Ô tô Du lịch Trường Hải - Kia; Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất và Lắp ráp Ô tô Vina - Mazda.
Nguyện vọng này của Trường Hải đã được sự đồng thuận của UBND tỉnh Quảng Nam. Việc Trường Hải xin nợ thuế được doanh nghiệp này và tỉnh Quảng Nam giải thích là do tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động theo chiều hướng suy giảm nghiêm trọng dẫn tới thị trường xe ôtô các loại trong nước bị sụt giảm mạnh về doanh số.
Được biết, toàn hệ thống của Trường Hải còn tồn lượng hàng hơn 3.300 tỷ đồng và đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 5.600 tỷ đồng. Tình hình sản xuất được mô tả là đang cầm chừng, cho lao động nghỉ luân phiên nhưng vẫn duy trì lực lượng lao động, trong khi triển vọng thị trường phía trước cũng không sáng sủa.
Tương tự như Thaco, Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin hoãn nộp thuế từ tháng 10/2013 (tổng trị giá tương đương 750 tỷ đồng) để tập trung vốn vào đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ, trang bị dây chuyền đúc nhôm thân vỏ động cơ và nhập khẩu thiết bị gia công.
Cùng đó, Vinaxuki đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số chính sách giúp công ty tăng quy mô sản xuất các dòng ô tô chiến lược gồm các loại xe 8 chỗ cho thị trường nông thôn, kinh doanh vận tải taxi... và đẩy mạnh quá trình nội địa hóa các dòng sản phẩm của công ty. Vinaxuki cũng đề nghị được vay khoản vốn 250 tỷ đồng, với thời hạn tối thiểu 7 năm theo chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia, từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Trước đó, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cũng xin Chính phủ gia hạn đóng thuế, vì lý do phải dồn sức cho việc "phát triển ngành công nghiệp ôtô" trong bối cảnh khó khăn. VEAM xin Chính phủ cho gia hạn nộp các loại thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư ô tô phục vụ sản xuất, lắp ráp kể từ ngày 1/7/2013 đến ngày 31/12/2013 với tổng giá trị 180 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty Cổ phần Ô tô TMT, Công ty TNHH Hoàng Trà, và Công ty TNHH Ô tô Đông Phương cũng có những kiến nghị tương tự.
Hải Sơn (tổng hợp)

Bình luận(0)