Thưa Bộ trưởng, sau cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với báo chí và doanh nghiệp vào ngày 10/6 vừa qua, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trong bối cảnh truyền thông hiện nay?
Doanh nghiệp và báo chí là những thực thể cùng tồn tại và phát triển, có mối quan hệ mật thiết với nhau trong xã hội hiện đại. Báo chí là một trong những “chỗ dựa” của doanh nghiệp, doanh nghiệp là một trong những “nguồn tin” của báo chí. Doanh nghiệp dựa vào báo chí để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Đối với báo chí, ngoài thông tin về chính trị, văn hóa, xã hội, không thể không có những thông tin về kinh tế, về thị trường từ doanh nghiệp để cung cấp cho bạn đọc. Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh nhất là trong tiến trình hội nhập quốc tế mà nước ta đang thực hiện. Thông tin phản ánh trên báo chí về những bất cập trong cơ chế chính sách, về sự cạnh tranh không lành mạnh cũng góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh, có lợi cho doanh nghiệp.
|
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. |
Giữa báo chí và doanh nghiệp còn có một quan hệ theo thị trường, đó là hoạt động quảng cáo. Doanh nghiệp “mua” một diện tích hoặc một thời lượng trên phương tiện của cơ quan báo chí để đăng/phát quảng cáo. Đây là nguồn thu quan trọng của báo giấy và là nguồn thu gần như duy nhất của báo điện tử, phát thanh và truyền hình (trừ truyền hình trả tiền). Không có quảng cáo, báo chí khó có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, quảng cáo trên các phương tiện của báo chí không phải là hoạt động báo chí và không liên quan đến các nhà báo.
Về lý thuyết, mối quan hệ lành mạnh giữa doanh nghiệp và báo chí đại để là như vậy. Nhưng trong thực tế mối quan hệ này lại có rất nhiều vấn đề. Trước sự tiến bộ chóng mặt của công nghệ thông tin và của truyền thông đa phương tiện, báo chí truyền thống và ngay cả báo điện tử cũng đang đứng trước thách thức sống còn. Sự bùng nổ các hình thức quảng cáo trên nền tảng di động (Mobile Ads), video ngoài di động (Non-mobile Video) và truyền thông xã hội (Social Ads) khiến cho báo in, báo điện tử bị sụt giảm thị phần quảng cáo. Thay vì đổi mới để thích nghi với sự biến đổi của công nghệ và truyền thông, rất nhiều cơ quan báo chí lại sử dụng các cách thức phi thị trường để thu hút “bầu sữa” quảng cáo từ doanh nghiệp. Đó là nguyên nhân phát sinh tiêu cực nhũng nhiễu doanh nghiệp từ báo chí. Tình trạng tiêu cực mang tính xu hướng này cộng với những tiêu cực đã có từ lâu (như sự sách nhiễu ăn tiền doanh nghiệp một cách trắng trợn của một số nhà báo thiếu tư cách đạo đức) đang khiến một bộ phận các cơ quan báo chí trở thành gánh nặng của nhà nước, trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp. Và xin nói thẳng, một số cơ quan báo chí và một số nhà báo còn dùng thủ đoạn để sống “ký sinh” vào doanh nghiệp, đó là điều đáng buồn và đáng xấu hổ.
Xin Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có nhận được những phản ánh tiêu cực của doanh nghiệp về báo chí hay không?
Rất nhiều! Nhà báo đến doanh nghiệp ép ký quảng cáo, cơ quan báo chí tổ chức “đánh” doanh nghiệp để đàm phán quảng cáo, bới móc những sai phạm nhỏ nhặt của doanh nghiệp để đăng bài lên báo điện tử rồi làm giá… Tôi có nghe một tờ báo điện tử mới được thành lập nhưng toà soạn chỉ chủ trương “đánh” ngân hàng để đổi bất động sản và quảng cáo, một tờ khác lại chỉ chuyên “đánh” các hãng vận tải hành khách công cộng… Nghiêm trọng nhất là doanh nghiệp mua chuộc, cấu kết với báo chí để loại bỏ đối thủ. Đây thực sự là mối quan hệ tiêu cực, méo mó giữa doanh nghiệp và báo chí. Vấn đề nghiêm trọng là một bộ phận cơ quan báo chí và các nhà báo đã tự đánh mất hình ảnh, uy tín của mình đối với xã hội và vi phạm pháp luật. Tất nhiên tôi không phủ nhận nhiều cơ quan báo chí và số đông các nhà báo duy trì mối quan hệ rất lành mạnh với cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đời sống báo chí hiện nay có tình trạng đa số doanh nghiệp vừa sợ vừa ghét nhà báo nhưng vẫn phải ngồi chung xuồng, Bộ TT&TT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có những khuyến nghị và biện pháp gì để xoá bỏ tình trạng này?
Báo chí hay doanh nghiệp đều có quyền hạn và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Quyền hạn và nghĩa vụ của báo chí là thông tin trung thực về hoạt động của doanh nghiệp, nêu gương người tốt việc tốt liên quan đến các hoạt động cộng đồng, đồng thời có quyền yêu cầu doanh nghiệp trả lời những vấn đề mà người tiêu dùng và công chúng quan tâm. Báo chí cũng có quyền lên tiếng tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp bằng các nghiệp vụ điều tra báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin. Nhưng có lẽ báo chí có khuynh hướng sử dụng quyền hạn này rất nhiều nhưng lại tìm cách né tránh sự chế tài của pháp luật nên mới nảy sinh những vấn đề bức xúc cho doanh nghiệp như tôi đã nói ở trên. Việc cải chính, xin lỗi cũng thiếu nghiêm túc ở nhiều cơ quan báo chí và như dân gian đã nói “được vạ thì má đã sưng”, một thông tin sai trong một bài báo thường có nhiều người đọc hơn là thông tin cải chính, cho nên dù có cải chính, xin lỗi một cách nghiêm túc đi chăng nữa thì sự thiệt hại của doanh nghiệp do những thông tin sai của báo chí vẫn là quá lớn. Đó cũng là lý do khiến cho doanh nghiệp “vừa ghét vừa sợ nhà báo” như bạn nói.
Để giải quyết tình trạng này, tôi yêu cầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan báo chí và nhà báo, xây dựng và thực hiện quy tắc đạo đức nhà báo một cách nghiêm ngặt. Chúng tôi sẽ làm rõ và xử lý nghiêm tình trạng nhà báo nhũng nhiễu doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi khuyến nghị hoạt động đúng pháp luật, cung cấp thông tin trung thực cho báo chí và cạnh tranh lành mạnh. Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn phản ánh, tố cáo các cơ quan báo chí và nhà báo có hành vi nhũng nhiễu trực tiếp đến Thanh tra Bộ TT&TT.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, sắp đến chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm tra lại quy trình xuất bản, nhất là quy trình xuất bản của báo điện tử. Việc xuất bản trên báo điện tử và dễ dàng rút nội dung theo quy trình của các toà soạn thường nảy sinh tiêu cực, chúng tôi sẽ bổ sung quy định và xử lý nghiêm trong thời gian tới.
Biện pháp mà Bộ trưởng nói là rất cần thiết nhưng dù Bộ TT&TT có xử lý nghiêm các trường hợp báo chí nhũng nhiễu doanh nghiệp đi chăng nữa thì sự thiệt hại của doanh nghiệp do sự nhũng nhiễu này gây ra vẫn không thể bù đắp được, cho nên khó có thể chấm dứt được tình trạng doanh nghiệp “vừa ghét vừa sợ nhà báo”?
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Hoạt động của các nhà báo không chỉ được điều chỉnh bởi Luật Báo chí mà còn bị điều chỉnh bởi các Bộ luật Dân sự, Hình sự và các đạo luật khác. Doanh nghiệp bị báo chí làm thiệt hại hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa án để đòi lại sự công bằng thỏa đáng về vật chất và tinh thần. Không có bất cứ một đặc quyền nào dành cho các nhà báo hay bất cứ ai khác tại các phiên tòa cả. Vấn đề là không có nhiều doanh nghiệp đủ kiên trì theo các vụ kiện, cho nên họ phải tập thói quen dựa vào pháp luật để tự bảo vệ mình, làm được điều đó cũng góp phần làm trong sạch hoạt động báo chí của nước nhà. Doanh nghiệp cũng cần tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin thẳng thắn, chân tình, cởi mở với báo chí để thắt chặt mối quan hệ hợp tác, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích chung, vì thương hiệu, vì doanh nghiệp, vì sản phẩm Việt Nam, tạo niềm tin lẫn nhau để cùng xây dựng và phát triển đất nước.
Nhưng thưa Bộ trưởng, nhiều nước không có Luật Báo chí song ít thấy nhà báo nhũng nhiễu doanh nghiệp, còn ở nước ta, Luật Báo chí hình như ít nhiều có tạo đặc quyền cho các nhà báo?
Mỗi nước đều có những hoàn cảnh đặc thù, luật pháp nước này không hoàn toàn giống nước khác. Luật Báo chí nước ta ra đời là để cụ thể hóa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ghi trong Hiến pháp. Luật Báo chí nước ta điều chỉnh các hoạt động đặc thù của nghề báo, nhưng không chỉ dành riêng cho các nhà báo mà để bảo đảm quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của mọi công dân. Không có một đặc quyền nào dành cho các nhà báo ghi trong Luật Báo chí cả. Bất cứ quyền tự do chân chính nào của người này cũng không được xâm phạm đến quyền tự do và lợi ích của người khác, đó là tinh thần căn bản của Luật Báo chí cũng như của các đạo luật khác của nước ta.
Xin cám ơn Bộ trưởng!