|
Cơ quan điều tra Công an TP HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra hành vi sử dụng mạng xã hội xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân |
Tăng đề kháng để miễn dịch
Mạng xã hội hiện nay, bên cạnh những yếu tố tích cực, đã và đang để lại nhiều hệ quả, tác động không nhỏ tới xã hội, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Ông chia sẻ gì về điều này?
Mạng xã hội, trước hết chúng ta phải nói, đó là sự tiến bộ của nhân loại, cũng là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng không ít, ảnh hưởng cả đến giá trị truyền thống gia đình, có cả những tác động không tốt đến nhận thức, đặc biệt đối với tầng lớp thanh, thiếu niên.
Văn hoá gia đình cũng chịu ảnh hưởng, cứ đi làm về là bố mẹ, con cái mỗi người cầm một cái điện thoại, thanh niên dễ có nguy cơ sống trên môi trường ảo nhiều hơn. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng lên mạng xã hội chửi bới, xúc phạm lẫn nhau, phim ảnh bạo lực, đồi trụy, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục…
Hệ thống pháp luật của chúng ta đã có nhiều quy định trong các đạo luật để điều chỉnh những hành vi vi phạm trong không gian mạng như trong Luật an toàn thông tin mạng,Luật an ninh mạng. Rồi có thêm những luật liên quan, như Luật Điện ảnh về phổ biến phim trên không gian mạng. Đặc biệt là Bộ luật Hình sự quy định những hành vi vi phạm trên không gian mạng ở mức nào thì bị coi là tội phạm… Tất cả quy định đã có rồi, vấn đề bây giờ là thực hiện ra sao .
Chúng ta phải sống chung với không gian mạng và quan trọng phải làm thế nào để người dân, đặc biệt thanh thiếu niên đề kháng được trước thông tin xấu độc.
Vậy giải pháp để tăng sức đề kháng trước những thông tin xấu độc là gì, thưa ông?
Giải pháp hữu hiệu bằng cách thông tin phản biện, có những bộ phận để phản biện lại những thông tin xấu độc. Qua đó, cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người ta nhận thấy được những thông tin không đúng, thông tin xấu, độc. Báo chí cách mạng đóng vai trò quan trọng trong định hướng tư tưởng, dư luận và phải dẫn dắt được dư luận, thông tin, không để mạng xã hội lấn át.
Với thực tế mạng xã hội hiện nay, người trong cuộc, người biết thông tin sẽ nhận ra những thông tin tào lao, nhảm nhí, song những người không biết lại tin theo. Thế nên, báo chí chính thống phải cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch, phản biện lại các luận điệu sai trái để định hướng dư luận, làm sao để người dân tự đề kháng được trước những thông tin xấu độc.
“Cái gì càng cấm lại càng hấp dẫn, kích thích sự tò mò, nên chúng ta phải sống chung và có giải pháp để nâng cao sức đề kháng cho người dân trước thông tin xấu, độc trên không gian mạng”. Ðại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ
Không để đốm lửa bùng lên thành đám cháy
Thời gian vừa qua có một số vụ việc nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm, như vụ “Khá Bảnh”, bà Nguyễn Phương Hằng… Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cơ quan chức năng vào cuộc sớm, ngay từ đầu sẽ ngăn chặn được tối đa sự lây lan trong xã hội?
Những vấn đề tôi vừa đề cập là phản ánh hiện tượng nói chung trên mạng xã hội. Còn với những vụ việc cụ thể, đúng là phải kịp thời ngăn chặn. Trước những thông tin xấu độc được đưa ra, nếu có thông tin phản biện ngay, vào cuộc xử lý luôn sẽ ngăn chặn được kịp thời sự lây lan. Do vậy, cần thiết phải tiếp nhận, phát hiện và xử lý thông tin kịp thời hơn để phòng ngừa tốt hơn. Khi hiện tượng đó chỉ mới nhen nhóm như đốm lửa, phải phát hiện và dập tắt kịp thời, như vậy sẽ ngăn chặn được sự lan rộng, không để bùng lên thành đám cháy lớn.
Hiện nay có nhiều hội nhóm với hàng triệu thành viên có những thông tin dẫn dắt, tác động đến định hướng dư luận, gây ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của thế hệ trẻ, vì người trẻ tham gia mạng xã hội rất nhiều. Ông có lo ngại về tình trạng này?
Quyền của người dân là được tiếp cận thông tin, nhưng vấn đề họ nhận thức, tiếp nhận, xử lý thông tin thế nào lại là chuyện khác. Lúc đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như nhận thức được đến đâu, rồi thông tin phản biện chính thống được cung cấp đến đâu. Cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin thế nào để người trẻ có thể đề kháng được các thông tin xấu, độc đó. Cái gì càng cấm lại càng hấp dẫn, kích thích tò mò, nên mình phải sống chung và có giải pháp để nâng cao sức đề kháng cho người dân trước thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Để “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, ông nhìn nhận ra sao về vai trò giám sát của đại biểu và các cơ quan dân cử?
Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cũng đang làm một hoạt động giám sát về thông tin trên môi trường mạng. Đây là một vấn đề nóng, được xã hội quan tâm, đại biểu dân cử cũng rất quan tâm, kỳ họp nào cũng thấy nêu vấn đề thông tin xấu, độc.
Có lẽ bây giờ phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra trực tiếp. Thậm chí là trách nhiệm cụ thể, có chế tài với không chỉ tổ chức mà với cả cá nhân, đặc biệt người đứng đầu. Người đứng đầu phải có trách nhiệm như thế nào, ví dụ tại sao lại thông tin chậm, không chủ động để mạng xã hội lấn lướt? Các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm liên quan đến vấn đề xử lý thông tin xấu, độc phải có trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu, đã kịp thời xử lý hay chưa?...
Ngoài ra, chúng ta cũng phải đưa ra các điều khoản, quy định đối với các đối tác nước ngoài, nhà cung cấp mạng khi làm ăn ở Việt Nam, phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Vấn đề này vừa qua đã được triển khai tương đối hiệu quả, tôi cũng hi vọng trong thời gian tới sẽ phát huy và làm hiệu quả hơn nữa.
Cảm ơn ông!