Từ trước đến nay, dù điều kiện kinh tế-văn hóa-xã hội ở các vùng miền, địa phương đều có sự khác nhau nhưng sách giáo khoa thì lại “đồng phục” là điều có phần không hợp lý.
Do hoàn cảnh lịch sử, hầu hết những người biên soạn SGK đa phần là người sống ở khu vực đồng bằng Bắc bộ cho nên phần nhiều những kiến thức xã hội, phong tục tập quán, văn hóa, ca dao tục ngữ và cả văn phong, cách biểu đạt lẫn ví dụ ngoài đời sống đều phản ánh cuộc sống của người dân ở đây. Do vậy có rất nhiều từ ngữ, ví dụ dẫn chứng, câu chuyện dẫn ra rất xa lạ với những học sinh miền Trung hay Nam bộ. Chưa kể nếu để ý thì có không ít những tích, truyện được lấy ra từ một nước láng giềng cận Bắc. Do vậy, việc xây dựng những bộ SGK riêng là điều nên làm.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa nó thì lại không dễ, nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến “loạn” SGK.
SGK về khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh có lẽ không nên thay đổi nhiều, nhất là ở bậc tiểu học nhưng rất cần sự thay đổi cách trình bày sao cho thật sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp thu cho người học.
Đối với các SGK về xã hội như lịch sử, địa lý, văn học, giáo dục công dân… thì rất nên đa dạng hóa. Ngoài việc trình bày sao cho giảm bớt tính hàn lâm, kinh viện, nặng nề, không sa đà vào những con số thống kê, sự kiện dài dòng, năm tháng chi tiết, những nhà soạn sách cần trình bày khác với những đường mòn sẵn có bằng hình ảnh, câu chuyện dễ nhớ, dễ đi sâu vào tiềm thức của con trẻ.
Cạnh đó chúng ta có thể mở rộng nhiều hơn tính chất địa phương với một liều lượng vừa đủ. Chẳng hạn lịch sử vùng đất Nam bộ, lịch sử TP.HCM hoàn toàn trở thành đề tài hấp dẫn và bổ ích cho học sinh các cấp ở thành phố này.
Việc mời các chuyên gia hàng đầu chủ biên SGK là cần thiết nhưng chưa hẳn là điều tốt nhất bởi các chuyên gia lão làng dễ đi vào lối mòn, bảo thủ. Ở nhiều nước, họ chọn những nhà khoa học trẻ tài năng viết SGK vì chính người trẻ mới hiểu tâm lý, mong muốn của trẻ em.
Trên thế giới có hai bộ phim mãi mãi hấp dẫn trẻ em và không bao giờ chấm dứt, kéo hàng chục năm nay là nhờ có trẻ em tham gia vào xây dựng kịch bản, đặt ra tình huống cho phim. Đó là bộ phim Hãy đợi đấy của Nga và Tom và Jerry của Mỹ. Đó là một ví dụ sinh động cho việc người học tham gia vào trong tiến trình xây dựng giáo trình, SGK cho mình.
Việc đa dạng SGK là nên nhưng không nên tỉnh nào cũng có mà nên xây dựng theo vùng, chẳng hạn SGK cho miền Bắc, cho học sinh vùng Tây và Đông Bắc, cho miền Trung và cho Nam bộ.
Tương tự, ở TP.HCM không cần thiết để cho mỗi trường tự chọn SGK cho trường mình, như thế việc thi cử, đánh giá, bồi dưỡng cho giáo viên là rất khó. Sau khi xây dựng được bộ SGK thống nhất thì đó là bộ sách dùng chung cho các trường trên địa bàn TP.HCM. Những trường nào cần mở rộng thêm các thông tin thì đưa vào ngoại khóa, chẳng hạn như các trường ở quận 5, 8, 11 có thể cho các em tìm hiểu thêm văn hóa của cộng đồng người Hoa, người Khmer.
Những người biên soạn SGK mới không chỉ kế thừa những gì đã có ở các SGK đã có, học tập kinh nghiệm biên soạn của các nước tiên tiến mà nên học cả ở quá khứ nữa. Chẳng hạn việc dạy cho con trẻ lòng yêu nước không cần thiết phải đao to búa lớn mà chỉ nhẹ nhàng và gần gũi: Cái nhà là nhà của ta/ Ông cố ông sơ làm ra/ Cháu con cùng nhau giữ lấy/ Muôn năm giữ nước non nhà…