Vụ chở thi thể người bằng xe máy ở Sơn La gây chấn động dư luận mấy ngày qua.
Trên các trang báo điện tử cũng như mạng xã hội, hầu hết độc giả đều chia sẻ, bày tỏ nỗi thương cảm sâu sắc cho thân phận một con người cũng như gia cảnh của người phụ nữ xấu số.
Thế nhưng cũng có ý kiến ngược lại, thật hiếm hoi trong tâm trạng xót xa chung của dư luận.
Trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân, bác sĩ Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng "hành động chở thi thể người bằng xe máy ở Sơn La đáng trách hơn là đáng thương”, vì "là một sự cẩu thả, liều lĩnh".
|
Hình ảnh người đàn ông chở thi thể bằng xe máy ở Sơn La gây ám ảnh, thương xót. |
Trên trang Facebook cá nhân của mình, bác sĩ Lương Quốc Chính viết: “Theo mình, vụ một anh thanh niên dùng xe máy để chở thi thể bệnh nhân tử vong từ bệnh viện về nhà là một sự cẩu thả, liều lĩnh, không hiểu biết về y tế dự phòng.
Nhìn tấm ảnh và đọc lướt qua nội dung câu chuyện, chắc chắn ai cũng thấy xót xa cho phận nghèo. Nhưng mình thì lại khác, xót xa cho một tầng lớp người dân lạc hậu, cổ hủ, liều lĩnh làm càn… Đừng lấy cái cớ nghèo để bao biện rằng không có tiền thuê xe chuyên dụng nên mới làm vậy”.
Bác sĩ Chính nêu thắc mắc: “Tại sao không chậm lại một chút, tại sao cứ phải nóng lòng đưa thi thể về nhà khi không có tiền, không có điều kiện. Tại sao không kêu gọi sự giúp đỡ từ bệnh viện, từ người xung quanh, từ cộng đồng, và nếu có kêu gọi thì phải kêu thật to, đừng kêu lí nhí lấy lệ để rồi lại dựa vào đó nói rằng không ai giúp đỡ".
Có lẽ khi viết những dòng status này, bác sĩ Chính chưa nắm được thông tin đầy đủ về vụ việc, điều này cũng dễ thông cảm cho bác sĩ (BS).
Tôn trọng quyền của mỗi người được bày tỏ chính kiến trước một vấn đề xã hội, nhưng tôi cũng xin phép được trao đổi đôi điều với bác sĩ Lương Quốc Chính.
Thưa bác sĩ! Bác sĩ nói hành động dùng xe máy chở thi thể người ở Sơn La đáng trách hơn là đáng thương, vì đây "là một sự cẩu thả, liều lĩnh, không hiểu biết về y tế dự phòng". Tôi nghĩ bác sĩ đã quá nặng lời. Trong trường hợp hi hữu này, người trong cuộc làm sao mà ý thức được "về y tế dự phòng" thưa BS?
Còn vì sao người nhà phải "cẩu thả, liều lĩnh" thì xin thông tin thêm về vụ việc để BS biết. Chị Lò Thị P không phải chết tại bệnh viện như thông tin ban đầu. Do bệnh tình quá nặng và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên người nhà đã làm cam kết xin đưa chị về và bệnh viện đã đồng ý. Nhưng chị P đã chết trên đường đi sau khi rời bệnh viện được khoảng 30 phút. Vẫn biết đạo lí của người Việt mình từ ngàn xưa đến nay luôn tỏ thái độ và hành động khả kính, tôn trọng, bảo vệ, nâng niu thi thể người chết. Nhưng trong hoàn cảnh này, người chết dọc đường, người thân lại là dân nghèo miền núi, không liều thì còn biết làm sao được nữa, BS nhỉ? Tôi nghĩ, họ cực chẳng đã, quẫn lắm rồi mới phải làm "liều" như thế.
BS bảo: "Tại sao không kêu gọi sự giúp đỡ từ bệnh viện, từ người xung quanh, từ cộng đồng"? Thì đây, người em họ Là Văn May kể lại: "Làm cam kết xong, chúng tôi hỏi các bác sĩ xem bệnh viện có hỗ trợ xe đưa về không, các bác sĩ nói là không được hỗ trợ và gợi ý nếu có thuê xe thì sẽ gọi xe ô tô ngoài cho". Bệnh viện không hỗ trợ, kêu xe ngoài giá 5 triệu - một khoản tiền khủng đối với người nghèo như gia đình chị P. Đến tiền thuốc men, tiền viện phí còn chưa lo nỗi nữa là.
Còn kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng ư? Trong lúc bối rối, đau xót vì mất người thân, lại giữa đường giữa sá như thế này, thật khó cho những người dân nghèo nơi vùng sâu vùng xa như họ. Họ không thể kêu được chứ đừng nói là "kêu thật to", không phải "lí nhí lấy lệ" như BS chỉ bảo.
Đôi khi "nhìn ngược" để ta hiểu thấu vấn đề. Nhưng "nhìn ngược" để rồi cười cợt, dè bỉu trên nỗi đau và sự nghèo khó của người khác, nghe nó lạnh lùng và chua chát lắm, BS ạ. Xin BS đừng "xót xa cho một tầng lớp người dân lạc hậu, cổ hủ, liều lĩnh làm càn…", đừng phê phán họ "lấy cái cớ nghèo để bao biện rằng không có tiền thuê xe chuyên dụng nên mới làm vậy”. Tội cho những thân phận nghèo hèn lắm, thưa ông!
Chuyện chở xác người bằng xe máy ở Sơn La vừa qua là điều cực chẳng đã, chẳng ai muốn xảy ra. Nhưng nó đã xảy ra rồi. Đó là nỗi đau của cộng đồng, của xã hội, cần được mọi người sẻ chia bằng tấm lòng nhân ái của mình để không còn những phận người mong manh, khổ đau đến cả lúc nhắm mắt xuôi tay như chị Lò Thị P.