Xét xử Trầm Bê: Được “cho” không 171 tỷ, sao Dương Thanh Cường không đồng ý?

Google News

(Kiến Thức) - Dương Thanh Cường không đồng ý với yêu cầu của ông Trầm Bê trước đó - xin được trả nợ thay cho Cường 171 tỷ đồng mà công ty của Cường đang nợ Agribank.

Ngày 24/7, HĐXX TPHCM tiếp tục xét hỏi bị cáo Trầm Bê (sinh năm 1959, tại Trà Vinh) và "siêu lừa" Dương Thanh Cường (sinh năm 1966) cùng các đồng phạm.
Tại phiên xét xử, phần lớn các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và đề nghị HĐXX xem xét lại trách nhiệm của các bị cáo trong phần liên đới bồi thường số tiền thiệt hại cho ngân hàng. Riêng bị cáo Trầm Viết Trung (Giám đốc trung tâm xét duyệt tín dụng) cho rằng cáo trạng truy tố không đúng, bị cáo không có hành vi phạm tội.
Xet xu Tram Be: Duoc “cho” khong 171 ty, sao Duong Thanh Cuong khong dong y?
 "Siêu lừa" Dương Thanh Cường được áp giải đến phiên tòa
Hồ sơ vụ án thể hiện Trầm Bê, Trầm Viết Trung và các đồng phạm ký duyệt hồ sơ giải ngân cho công ty của Cường vay trước khi công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, trong khi hồ sơ của doanh nghiệp không đủ điều kiện đã vi phạm quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại cho Ngân hàng Phương Nam 331 tỷ đồng. Trong đó, Trầm Viết Trung phải chịu trách nhiệm về hợp đồng cho vay lần đầu gây thiệt hại 127 tỷ đồng.
Bị cáo Trung cho rằng hợp đồng vay giữa ngân hàng và công ty của Dương Thanh Cường đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, khoản vay trên đã được tất toán, ngân hàng không bị thiệt hại về khoản vay này.
Hơn nữa, 12 ngày sau khi tham gia hội đồng tín dụng phê duyệt cho công ty của Cương vay 130 tỷ đồng, vì áp lực và bất đồng quan điểm với cấp trên ông đã xin nghỉ việc.
Trong khi đó, Dương Thanh Cường trả lời luật sư về mục đích vay vốn tại ngân hàng Phương Nam. Cường cho rằng vay vốn tại ngân hàng Phương Nam để đầu tư vào bất động sản, không liên quan tới dự án đã được cấp 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bình Chánh.
Cường khai vào thời điểm mua đất thì không biết đất này nằm trong quy hoạch, tới khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phát hiện khu đất đã mua đang bị quy hoạch.
Bên cạnh đó, bị cáo Cường cho rằng giá trị của 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại ngân hàng Sacombank (Phương Nam sáp nhập vào Sacombank) có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
Tiếp đó, HĐXX chuyển sang hỏi bị cáo Dương Thanh Cường. Về cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt của ngân hàng Phương Nam số tiền 185 tỷ đồng thì bị cáo Cường đồng ý còn về số tiền ngân hàng bị thiệt hại là 505 tỷ đồng thì bị cáo Cường không đồng ý. Cường cho rằng năm 2010, đã tất toán với ngân hàng Phương Nam với số tiền là 331 tỷ đồng.
Tại phiên tòa hôm trước, bị cáo Trầm Bê muốn trả thay bị cáo Dương Thanh Cường trả số tiền 171 tỷ đồng mà Cường đang nợ tại ngân hàng Agribank và giao 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Sacombank quản lý.
Thế nhưng, tại phiên xét xử lần này, bị cáo Dương Thanh Cường không đồng ý với mong muốn của bị cáo Trầm Bê. Bị cáo Cường cho rằng giá trị của 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là rất lớn. Nếu cơ quan chức năng cho phép bị cáo cùng cơ quan thi hành án sẽ phát mãi toàn bộ khu đất trên để trả nợ cho Agribank và Sacombank. Nếu trong trường hợp xấu nhất thì bị cáo Cường mới đồng ý cho Trầm Bê trả tiền thay.
Xet xu Tram Be: Duoc “cho” khong 171 ty, sao Duong Thanh Cuong khong dong y?-Hinh-2
Trầm Bê được áp giải đến tòa 
Là bị hại trong vụ án, ngân hàng Sacombank cho biết năm 2015, khi ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank thì có tiếp nhận khoản nợ của công ty của bị cáo Dương Thanh Cường. Đại diện Sacombank đồng ý với số tiền thiệt hại được Viện Kiểm sát đưa ra trong cáo trạng; đồng thời yêu cầu các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại cho ngân hàng.
Hiện nay, Sacombank đang giữ 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xin HĐXX giao 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Sacombank giải quyết hậu quả của vụ án. Ngoài ra, đại diện Sacombank xin HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho những bị cáo nguyên là nhân viên ngân hàng Phương Nam.
Trong khi đó, đại diện ngân hàng Agribank (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) không đồng ý giao 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Sacombank. Đại diện Agribank cho rằng, Dương Thanh Cường đang phải trả cho Agriabank số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, vì vậy, cần giải tỏa kê biên và giao cho Agribank xử lý.

Liên quan đến hành vi gian dối đối với Agribank, hồi tháng 11/2015, TAND TP HCM đã tuyên phạt Dương Thanh Cường mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc Cường bồi thường cho ngân hàng này hơn 1.100 tỷ đồng.

Toà cũng hủy lệnh kê biên 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho Ngân hàng Phương Nam quản lý. Bởi ngân hàng này là đơn vị quản lý hợp pháp.

Bản án này được tòa phúc thẩm giữ nguyên. Tuy nhiên, TAND Tối cao sau đó kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm về phần dân sự - tức xem xét lại quyết định trả cho Phương Nam 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 3/5/2019, TAND TP HCM xử sơ thẩm lần 2, tiếp tục kê biên các tài sản này để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án cho Agribank. Quyền lợi của Ngân hàng Phương Nam sẽ được xem xét khi Trầm Bê và các thuộc cấp bị đưa ra xét xử.


Nhật Di

>> xem thêm

Bình luận(0)