Xem xét kỷ luật 13 người liên quan gian lận thi cử: Bị phản ứng... Bộ GĐ&ĐT phải hủy quyết định?

Google News

(Kiến Thức) - Việc xem xét kỷ luật các cán bộ liên đới trách nhiệm vụ gian lận thi cử là đúng đắn nhưng phải được tiến hành với một trình tự, quy định chặt chẽ, không bỏ lọt cán bộ liên đới trách nhiệm, cũng như không làm oan những cán bộ không có trách nhiệm liên quan.

Hơn 1 năm qua “đại án gian lận thi cử” vẫn chưa hết nóng dư luận. Bởi đây là vụ gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay gây bức xúc dư luận khi có đến hơn 200 thí sinh được can thiệp nâng điểm thi tại ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, trong đó có hang loạt thí sinh là con cháu quan chức, thậm chí Bí thư Tỉnh ủy.
Từ vụ việc gian lận chưa từng có trong lịch sử thi cử Việt Nam, dư luận yêu cầu cần xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm, liên đới trách nhiệm. Đến nay, đã có 16 bị can là cán bộ nâng điểm thi, lãnh đạo sở, cán bộ công an làm nhiệm vụ thi cử bị khởi tố, một số lãnh đạo các tỉnh bị kỷ luật.
Sau khi các cán bộ cấp địa phương bị xử lý kỷ luật, vào tháng 8 mới đây, sau hơn 1 năm xảy ra vụ gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT đã có quyết định và thông báo xem xét kỷ luật 13 cán bộ của Bộ gồm lãnh đạo, cán bộ Cục Quản lý chất lượng; Cục Công nghệ thông tin; lãnh đạo và cán bộ Thanh tra Bộ…
Xem xet ky luat 13 nguoi lien quan gian lan thi cu: Bi phan ung... Bo GD&DT phai huy quyet dinh?
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam bị can liên quan đến gian lận thi cử. Ảnh: SGGP
Khi đó, dư luận đánh giá việc Bộ GD& ĐT kiên quyết xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT có liên quan trách nhiệm vụ gian lận thi cử, xem xét kỷ luật đúng đắn, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Điều đó cũng cho thấy, ngoài trách nhiệm của những cán bộ vi phạm tại các địa phương, Bộ GD&ĐT cũng tự nhìn nhận lại những tồn tại ngay tại Bộ này khi còn có những thiếu sót về công tác xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi; công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi; công tác tổ chức chấm trắc nghiệm và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Mặc dù vậy, dư luận cũng yêu cầu Bộ kỷ luật đúng người, đúng hành vi, không làm oan sai cán bộ.
Tuy nhiên, 20 ngày sau khi ban hành quyết định xem xét kỷ luật, ngày 9/9, Bộ GD&ĐT bất ngờ ban hành quyết định thu hồi lại các văn bản quyết định, thông báo kỷ luật trên. Việc này khiến dư luận ngạc nhiên dù sau đó chính Bộ GD&ĐT lên tiêng giải thích rằng, việc thu hồi quyết định xem xét xử lý kỷ luật cán bộ là để tiến hành quy trình xem xét kiểm điểm trách nhiệm về mặt công tác Đảng như hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bộ này cũng khẳng định, sau khi có kết quả, nếu tổ chức, cá nhân nào có khuyết điểm, vi phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện quy trình xem xét kỷ luật theo đúng quy định hiện hành.
Tuy nhiên, giải thích trên của Bộ khiến dư luận khó hiểu bởi quy trình xem xét kỷ luật cán bộ thì không cần Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải chỉ tận tay mà bản thân lãnh đạo Bộ cũng nắm rất rõ nên không thể có chuyện ban hành quyết định rồi lại thu hồi chỉ vì để… đúng quy trình.
Trên thực tế, một lý do dễ hiểu hơn để lý giải việc Bộ GD&ĐT phải thu hồi quyết định, văn bản xem xét xử lý kỷ luật cán bộ là do sự phản ứng của chính các cán bộ trong diện bị xem xét kỷ luật.
Cụ thể, ngay khi Bộ GD&ĐT công bố quyết định xem xét kỷ luật, ngày 29/8 Thanh tra Bộ này đã có văn bản số 818/TTr-HCTH phản ứng lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Vụ Tổ chức cán bộ đồng thời đề nghị huỷ bỏ quyết định số 2450/QĐ-BGD-ĐT ngày 21/8.
Tập thể thanh tra cho rằng việc xảy ra sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng, xong đây là những hành vi vi phạm của một số cán bộ, công chức ở địa phương. Các công chức thanh tra khi làm nhiệm vụ trong kỳ thi đã làm việc rất có trách nhiệm, đúng quy định. Không có hành vi nào liên quan trực tiếp đối với vi phạm và là nguyên nhân dẫn đến vi phạm.
Nhiều ý kiến của các cán bộ thanh tra Bộ băn khoăn như không rõ hành vi vi phạm là hành vi nào, vi phạm điều nào của văn bản nào? Ngoài ra, thủ tục xem xét của Hội đồng kỷ luật đã không tổ chức, xác minh, đánh giá theo trình tự, thủ tục quy định về xem xét, kỷ luật tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Dư luận cho rằng, việc xem xét kỷ luật các cán bộ liên đới trách nhiệm vụ gian lận thi cử là đúng nhưng phải được tiến hành với một trình tự, quy định chặt chẽ, không bỏ lọt cán bộ liên đới trách nhiệm, cũng như không làm oan những cán bộ không có trách nhiệm liên quan.
Phải chăng Bộ quá vội vàng trong việc xem xét kỷ luật dẫn đến việc phải thu hồi văn bản, dù thực tế việc ban hành quyết định xem xét kỷ luật cán bộ của Bộ GD&ĐT là chậm trễ khi vụ gian lận thi cử đã xảy ra hơn một năm qua. Đồng thời cho thấy, quy trình xem xét kỷ luật của Bộ này không chặt chẽ dẫn đến việc các cán bộ phản ứng gây mất đoàn kết nội bộ.
Nếu vì lý do trên, dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao sau khi ban hành quyết định xem xét kỷ luật cán bộ bị một số cán bộ phản ứng, có văn bản “phản pháo”, Bộ không xem xét ngay, nếu thấy nội dung các văn bản gồm quyết định xem xét kỷ luật và thông báo liên quan có sai sót cần phải tiến hành thu hồi ngay, sao lại để hơn 10 ngày sau mới ra quyết định thu hồi. Đồng thời đặt ra câu hỏi, trong trường hợp việc ban hành quyết định có nội dung không đúng làm ảnh hưởng đến các cán bộ bị “oan” và buộc phải thu hồi thì trách nhiệm này của ai? Bộ GD&ĐT có kiên quyết xử lý cả những người ký ban hành văn bản trên hay không?
Dư luận cũng băn khoăn, trong danh sách cán bộ bị đưa vào diện bị xem xét kỷ luật, không có tên lãnh đạo cao cấp của Bộ này như vậy có công bằng và chấp hành đúng quy định hay không bởi thực tế không có chuyện cấp dưới làm sai mà cấp trên lại vô can trong khi trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong vụ gian lận thi cử chấn động dư luận là rất lớn. Bản thân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã không ít lần nhận trách nhiệm, vậy Bộ trưởng sẽ tự chịu trách nhiệm ra sao?
>>> Xem thêm video: Khởi tố các đối tượng gian lận thi cử tại Sơn La

 


Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)