Băn khoăn về kinh phí thực hiện dự án
Chiều ngày 8/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành. Thảo luận về nội dung này, đại đa số ý kiến phát biểu của các đại biểu đều bày tỏ đồng tình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai dự án Cảng HKQT Long Thành. Theo lý giải của các đại biểu, công tác giải phóng mặt bằng là công tác có tính đặc thù, luôn khó khăn và phức tạp và mất nhiều thời gian, vì vậy để bảo đảm tiến độ khởi công dự án Cảng HKQT Long Thành, công tác giải phóng bằng có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải làm trước một bước.
Tuy nhiên, trong hơn 20 ĐBQH phát biểu trong phiên thảo luận buổi chiều, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn về kinh phí thực hiện dự án khi ngân sách mới bố trí được 5 nghìn tỷ đồng trong khi nhu cầu lên tới 23 nghìn tỷ đồng. Thậm chí có ĐBQH còn cho rằng, việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất phải được thực hiện song song với việc triển khai nhanh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phải xóa bỏ ngay hình ảnh một sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay chật hẹp tại Tân Sơn Nhất.
|
ĐBQH Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh quochoi.vn
|
Thảo luận tại hội trường, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đã bày tỏ sự băn khoăn về kinh phí thực hiện dự án khi ngân sách mới bố trí được 5 000 tỷ đồng trong khi nhu cầu lên tới 23 000 tỷ đồng.
“Nguồn kinh phí sẽ lấy ở đâu và xử lý thế nào trong khi kế hoạch đầu tư trung hạn đã phân bổ xong từ nay đến năm 2020?”, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi.
ĐBQH Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị tiết kiệm chi 1% trong hai năm 2017 và 2018 sẽ có trên 20.000 tỷ để giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
ĐBQH Phạm Minh Chính đề nghị nghiên cứu hai giải pháp có tính khả thi. Thứ nhất, xin cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và thứ hai là tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước.
"Sau 2 năm triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, biên chế của ta không giảm mà còn tăng, chi tiêu thường xuyên tăng lên con số tương đối là 62,3% năm 2015 và 65,7% năm 2016. Dự kiến năm 2017 là 64,9%, tăng con số tuyệt đối năm 2016 so với 2015 là trên 50.000 tỷ, năm 2017 tăng so với 2015 là 114.000 tỷ. Như vậy, riêng 2017 ta tiết kiệm chi 1% thôi là có trên 10.000 tỷ, năm 2018 tiết kiệm chi 1% thì có trên 10.000 tỷ nữa. Chúng ta có trên 20.000 tỷ. Muốn làm vậy chúng ta phải giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là có thể giải quyết được việc này. Chúng ta cứ loay hoay nhưng tất cả chúng ta cùng giảm biên chế, giảm đầu mối theo tinh thần nghị quyết 39 thì giải quyết được việc này", ĐBQH Phạm Minh Chính nói.
Cảng Hàng không Long Thành sẽ được xem xét đầu tư theo hình thức PPP
Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải (Bộ GTVT) - Trương Quang Nghĩa khẳng định với trách nhiệm của Bộ GTVT trực tiếp lập dự án, cùng tỉnh Đồng Nai tiếp tục hoàn thiện báo cáo dự án di dân tái định cư dự án Cảng hàng không Long Thành.
“Đây là dự án hết sức quan trọng, được đưa vào chương trình từ năm 2005 nhưng đến kỳ họp cuối của Quốc hội khoá XIII mới thông qua được. Do tính quan trọng và phức tạp của dự án, Nghị quyết 94 của Quốc hội đã yêu cầu phải có báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi phê duyệt, hàng năm báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện dự án. Chính phủ đã nêu rõ các kiến nghị về cơ chế đặc thù cho việc di dân, tái định cư để thực hiện dự án Cảng hàng không Long Thành”, Bộ Trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết.
“Ngoài tích cực chuẩn bị đầu tư dự án Long Thành, với tinh thần khẩn trương khắc phục quá tải ở Tân Sơn Nhất, vừa qua, Bộ GTVT được sự đồng thuận lớn của Bộ Quốc phòng và TP.HCM đã đồng thời triển khai một loạt dự án. Việc mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc là hoàn toàn không khả thi do chi phí GPMB quá lớn, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và rất nhiều thứ khác... Phương án được lựa chọn là nâng cấp đường lăn, sân đậu trước Tết năm 2018. Xây thêm một nhà ga T4 vào năm 2019 với công suất từ 10-15 triệu hành khách, nâng công suất chung của sân bay lên mức 40-43 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, dự kiến Tân Sơn Nhất sẽ lại hết công suất vào năm 2022. Bởi vậy việc triển khai dự án Cảng Hàng không Long Thành như dự kiến là hết sức cấp bách”, Bộ Trưởng Trương Quang Nghĩa cho hay.
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa. Ảnh quochoi.vn
|
Nói về nguồn vốn triển khai dự án, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho hay: “Hiện nay Nghị quyết 94 của Quốc hội nói huy động nhiều nguồn vốn: NSNN, ODA, vốn các nhà đầu tư, cổ phần hoá doanh nghiệp, nhưng có khó khăn là trong giai đoạn GPMB không thể huy động vốn ODA hay vốn của tư nhân mà chỉ có thể lấy từ vốn ngân sách. Bên cạnh đó, còn một dự án cần tiến hành nữa là tuyến đường sắt dài 43km từ Tân Sơn Nhất đến Long Thành. Đây là cơ hội lớn cho TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương phát triển. Hơn nữa, việc tư nhân đầu tư vào sân bay, nhà ga không còn mới và đang được các nhà đầu tư hết sức quan tâm. Chúng ta có nhà ga quốc tế Đà Nẵng phục vụ APEC, CHK Vân Đồn, nhà ga sân bay Nha Trang hoàn toàn do tư nhân đầu tư. Nhà ga T4 của sân bay Tân Sơn Nhất hiện cũng đã có 3-4 nhà đầu tư đề nghị được tham gia. Vì thế, CHK Long Thành sẽ được xem xét đầu tư theo hình thức PPP”, Bộ Trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết.
Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nhận định: “Với trần nợ công hiện nay, để đầu tư Long Thành bằng vốn Nhà nước là hết sức khó khăn, còn nếu để các nhà đầu tư vào thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thời gian tới, chúng tôi cùng Đồng Nai sẽ có báo cáo cụ thể hơn với các ĐBQH, sẽ nêu cụ thể hơn về cách thức huy động vốn để thực hiện dự án”.
Trước đó, Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nêu rõ: “Dự án Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án sẽ được xây dựng trong 3 giai đoạn với quy mô đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, trở thành cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Theo kết quả điều tra khảo sát, lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi 5.614,65 ha, gồm 5.000 ha đất xây dựng cảng hàng không và 614,65 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang. Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức. Khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.019,6 tỷ đồng (tính theo đơn giá năm 2017).