Xem lại việc trẻ sơ sinh phải đóng tiền làm đường ở Hải Dương

Google News

(Kiến Thức) - Lãnh đạo UBND huyện Nam Sách cho biết sẽ chỉ đạo xem lại mức đóng góp làm đường trục xã đối với trẻ em chưa sinh ra cho phù hợp với quy định.

Huy động 50% để làm đường trục xã có quá sức dân?
Xã An Bình (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) – địa phương thời gian gần đây “nổi tiếng” với việc Phó chủ tịch UBND xã bút phê “lạ” vào sơ yếu lý lịch của công dân khi gia đình chưa đóng tiền làm đường trục xã xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, địa phương này lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi những thông tin về bản kế hoạch vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường trục xã được đăng tải trên báo chí.
Thông tin đáng chú ý nhất trong bản kế hoạch số 92/KH-UBND của UBND xã An Bình không chỉ là con đường trục xã với tổng chiều dài hơn 5km có kinh phí xây dựng dự kiến lên đến 30,5 tỷ đồng mà còn là con số 15,1 tỷ đồng bằng 50% giá dự toán do xã lên kế hoạch thu của nhân dân đóng góp theo khẩu hành chính. Theo quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 thì huy động nhân dân đóng góp chỉ khoảng 10%. Tuy nhiên, tại xã An Bình, việc huy động nhân dân đóng góp lên đến 50% là trái với quy định tại quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Xem lai viec tre so sinh phai dong tien lam duong o Hai Duong
 Chuyện vận động làm đường trục xã đang nóng ở xã An Bình.
Điều đặc biệt, để thu được số tiền 15,1 tỷ mà xã lên kế hoạch thu từ nhân dân để làm 50% đường trục xã, bản kế hoạch cũng thể hiện những vấn đề bất cập như cả trẻ vừa mới sinh, thậm chí chưa sinh cũng nằm trong những đối tượng phải đóng góp, bên cạnh đó, những người chuyển khẩu đi, thậm chí không có hộ khẩu nhưng đang sinh sống tại địa phương thì vẫn bị thu tiền. Thậm chí, bản kế hoạch còn nêu rõ: “Người cắt khẩu chuyển đi, giao cho công an thu tiền trước khi làm thủ tục cắt khẩu, giao nộp xong mới cắt khẩu”.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã An Bình, khẳng định là có lấy ý kiến người dân về số tiền huy động trên và quy trình lấy ý kiến của người dân để làm đường hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật và được người dân ủng hộ.
Tuy nhiên trên thực tế, không ít người dân địa phương tỏ ra không hài lòng trước cách huy động số tiền làm đường trục xã – thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nộp tiền hoặc nhận... bút phê
Một số người dân tại xã An Bình cho rằng, tiếng là xã vận động nhân dân đóng góp để làm đường trục xã nhưng trên thực tế, người dân có hai sự lựa chọn, nộp tiền hoặc sẽ nhận bút phê vào sơ yếu lý lịch, hồ sơ…Câu chuyện, Phó chủ tịch UBND xã An Bình bút phê vào sơ yếu lý lịch của chị Nguyễn Thị Quyên nội dung: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương” do gia đình chị Quyên chưa đóng số tiền 2 triệu đồng/khẩu với 6 người để làm đường gây xôn xao dư luận thời gian qua đã chứng minh điều đó.
Trường hợp chị Quyên không phải là trường hợp duy nhất bị gây khó dễ nếu chưa đóng tiền làm đường trục xã. Một người dân thôn An Đông (xã An Bình) bức xúc từ chính vụ việc con gái bà bị làm khó.
Xem lai viec tre so sinh phai dong tien lam duong o Hai Duong-Hinh-2
 Bút phê của Phó chủ tịch UBND xã An Bình gây bức xúc trong dư luận...
Xem lai viec tre so sinh phai dong tien lam duong o Hai Duong-Hinh-3
Sau đó Chủ tịch UBND xã An Bình phải xác nhận lại. 
Xem lai viec tre so sinh phai dong tien lam duong o Hai Duong-Hinh-4
 Những quy định kỳ lạ chắc chỉ có tại xã An Bình trong việc huy động nhân dân để làm đường thực hiện chương trình nông thôn mới.
“Con gái tôi lấy chồng về huyện Ninh Giang (Hải Dương) từ tháng 1/2017. Đến tháng 3/2017, cháu cắt hộ khẩu vì có thai. Cháu buộc phải nhập khẩu về nơi ở mới thì mới được đi tiêm phòng. Khi tôi đi làm thủ tục chuyển hộ khẩu cho cháu, một cán bộ ở xã bảo tôi phải sang phòng kế toán thanh toán tiền làm đường mới ký giấy xác nhận chuyển hộ khẩu cho cháu. Tôi thấy vô lý, sang hỏi kế toán, kế toán nhất định bắt tôi đóng 1.200.000 đồng mới cho gia đình làm thủ tục cắt hộ khẩu”, người này cho biết.
Chưa thể khẳng định đó có phải là những “chiêu trò” để “vận động” bằng được người dân đóng tiền làm đường trục xã hay không? Tuy nhiên, việc bút phê của Phó Chủ tịch UBND xã An Bình đã khiến dư luận bức xúc bởi dù từ năm 2014, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1520/HTQTCT-CT hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch gửi các Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ghi UBND cấp xã không được ghi nội dung không chấp hành pháp luật, chủ trương của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu của công dân.
Xem lại mức đóng góp đối với trẻ em chưa sinh ra cho phù hợp với quy định
Để làm rõ những vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm ở xã An Bình (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), chiều ngày 16/8, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với ông Hồ Ngọc Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách.
Ông Hồ Ngọc Lâm cho biết, việc làm đường trục xã của xã An Bình phù hợp với nguyện vọng của nhân dân vì đường trục xã đã làm 10 năm nay và đã xuống cấp. Việc xây dựng cũng phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
“Công trình này xây dựng theo phân cấp quản lý địa phương nên thẩm quyền thuộc UBND xã An Bình. Xã đã báo cáo lên UBND huyện. Chúng tôi đánh giá là đảm bảo quá trình dân chủ: Nghị quyết và kế hoạch của UBND xã đã được thảo luận. Theo báo cáo của xã, đa số người dân đồng tình về chủ trương”, ông Hồ Ngọc Lâm cho hay.
Xem lai viec tre so sinh phai dong tien lam duong o Hai Duong-Hinh-5
 Trụ sở UBND huyện Nam Sách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, ông Hồ Ngọc Lâm cho biết, chỉ một số ít các hộ gia đình khó khăn chưa đồng tình thì UBND xã An Bình đã tuyên truyền vận động.
“Mức đóng góp mà xã đưa ra là dựa trên cơ sở dự toán do xã thuê đơn vị tư vấn làm. Sau đó, xã làm báo cáo lên huyện, các phòng chức năng của huyện thẩm định. Huyện phê duyệt chủ trương về phương án nguồn vốn dựa vào các nguồn vốn sau: Nguồn vốn của tỉnh và huyện hỗ trợ; nguồn ngân sách xã và nguồn dân đóng góp. Người dân đóng góp nhiều hay ít do địa phương thảo luận quyết định đúng quy chế dân chủ. Kế hoạch 92 của UBND xã An Bình không phải văn bản pháp quy. Trong quá trình triển khai thực hiện, có những ý kiến chưa hợp lí thì điều chỉnh cho hợp lý”, ông Hồ Ngọc Lâm nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem video Cán bộ bút phê xấu cho dân đã “lĩnh đủ” - Nguồn VTC1:
Nói về việc, có hay không việc lãnh đạo xã ép người dân phải đóng tiền như trường hợp Nguyễn Thị Quyên chưa đóng tiền làm đường thì xã bút phê xấu vào sơ yếu lý lịch. Hay trường hợp người dân phản ánh, các hộ dân khác muốn cắt khẩu hay làm giấy khai sinh cho em bé mới sinh thì phải đóng tiền rồi cán bộ xã mới làm thủ tục? – Ông Hồ Ngọc Lâm cho biết:
“Việc bút phê vào sơ yếu lý lịch của em Nguyễn Thị Quyên, chính quyền xã đã có phương án khắc phục sai và đã xin lỗi gia đình công khai như báo chí đưa tin. Những trường hợp khác liên quan việc ký giấy xác nhận cắt khẩu hay làm giấy khai sinh chúng tôi sẽ kiểm tra; sai đến đâu sẽ xử lý đến đó theo quy định của pháp luật”, ông Hồ Ngọc Lâm nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, Hồ Ngọc Lâm cũng cho biết, qua phản ánh và theo dõi, chúng tôi thấy tồn sự việc về nhân khẩu để đóng góp.
“Theo bản kế hoạch của xã, những trẻ em sinh ra từ 30/6/2017 trở về trước thu 60% so với khẩu bình thường. Trẻ em sinh ra từ 1/7/2017 về sau thu 40% so với khẩu bình thường. Huyện cũng thấy rằng việc này cũng chưa thực sự phù hợp nên sẽ chỉ đạo để bàn bạc để xem lại mức đóng góp đối với trẻ em chưa sinh ra cho phù hợp với quy định. Những khẩu có khó khăn thực sự thì huyện sẽ chỉ đạo giãn khoảng thời gian đóng góp ra, có thể kéo dài 1-2 vụ nữa. Tất cả việc này phải bàn bạc với nhân dân. Người dân phản ánh có những ý kiến đúng, có ý kiến chưa đúng. Chúng tôi sẽ kiểm tra sớm nhất để có chỉ đạo thích hợp”, ông Hồ Ngọc Lâm thông tin.
Xử lý nghiêm người đứng đầu nếu huy động quá sức dân
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Trên thực tế, nhiều địa phương trên cả nước đã cán đích (tính hết tháng 7/2017, cả nước có 2.776 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới – chiếm 31,1%) và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, hiện nay, một thực trạng còn tồn tại ở một số địa phương trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như chưa quan tâm đến tổ chức sản xuất của nhân dân mà chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng; chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định…
Mới đây, ngày 14/8, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, tại cuộc họp Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Trong thông báo này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện chương trình.
Hải Ninh

Bình luận(0)