Nhất là thời gian gần đây, số vụ tai nạn nghiêm trọng do loại xe này gây ra tăng lên khiến nhiều người lo ngại khi tham gia giao thông. Đặc biệt, như công bố của Công an Hà Nội, có tới 99% xe ba bánh không được đăng ký quản lý, mạo danh đủ kiểu.
|
Một xe tự chế dừng lại bốc xếp hàng gây cản trở giao thông trên đường Cầu Giấy. Ảnh: Đình Việt |
Chở cồng kềnh, lạng lách, vượt đèn đỏ
Mới đây, Công an TP Hà Nội công bố, trong hàng nghìn chiếc xe ba bánh trên địa bàn, chỉ có 30 xe được ngành chức năng đăng ký, số còn lại (khoảng 99%) không được đăng ký quản lý, tất cả đều hoạt động chui. Thực tế quan sát của PV tại một số tuyến phố trên địa bàn Thủ đô như: Cầu Giấy, Láng, Nguyễn Xiển, Kim Mã... xuất hiện khá nhiều những chiếc xe ba bánh tự chế hoạt động rầm rộ. Đa số các xe này hoạt động không có giờ giấc cụ thể, bất kể thời gian nào trong ngày đều có thể bắt gặp. Những chiếc xe này chủ yếu do người giả danh thương binh tận dụng để chở hàng hóa, bàn ghế, nhôm kính, vật liệu xây dựng... Một số khác thì được các cở sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nhỏ lẻ mua về để vận chuyển hàng cho chính cơ sở của mình.
Theo quan sát của chúng tôi, các loại xe ba bánh tự chế có chiều dài khoảng 2m, rộng hơn 1m và đa số không có biển số, thân xe thường gắn logo “xe thương binh” và ghi số điện thoại hai bên hông xe và chạy khá ẩu. Cụ thể như lúc 14h ngày 13/6, tại khu vực đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), PV bắt gặp ba chiếc xe ba bánh chất đầy vật liệu xây dựng phóng nhanh, lạng lách khiến nhiều người đi xe máy, xe đạp phải nhường đường. Thậm chí, một xe còn xả khói đen kịt, tiếng nổ lớn khiến người đi phía sau cảm thấy khó chịu. Cũng tại tuyến đường này, vào lúc 15h một chiếc xe tự chế khác dừng ngay trên đường để chở đồ cho một cửa hàng. Vì đường hẹp nên việc chiếc xe dừng quá lâu khiến cả một đoạn đường xảy ra ùn tắc, nhiều người lắc đầu ngao ngán.
Trong khi đó, trên phố Kim Mã (quận Ba Đình), một chiếc xe ba bánh còn mới, do một thanh niên còn rất trẻ điều khiển, chở theo các thùng nước đóng bình lao vun vút trước ánh mắt lo lắng của nhiều người tham gia giao thông. Tới ngã tư đèn đỏ, chiếc xe bấm còi inh ỏi rồi vượt đèn đỏ đi tiếp. 7h sáng 14/6, trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm), một đoạn dài nhà thầu thi công rào chắn để xây dựng đường sắt trên cao, mặt đường lưu thông có đoạn chỉ còn khoảng 3m, nhưng hàng loạt xe ba bánh chở hàng hóa cồng kềnh vẫn chen lấn với dòng phương tiện kín đặc, khiến nơi đây đã tắc lại càng thêm tắc. Tại nhiều tuyến phố khác, chúng tôi cũng ghi nhận được nhiều trường hợp tương tự.
Người đi đường lo an toàn tính mạng
|
Xe tự chế đang là nỗi “ác mộng” với nhiều người khi tham gia giao thông. |
Chủ một cơ sở sản xuất đá lạnh và nước lọc trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) cho biết, do nhu cầu công việc phải chở hàng giao cho khách nên anh đã đầu tư mua bốn chiếc xe ba bánh với giá gần 200 triệu đồng và thuê bốn thanh niên điều khiển. Sau khi mua xe, anh đem ra một cửa hàng nhờ nối thêm thùng, làm mái che và “chế” thêm một số bộ phận khác. Anh này tiết lộ, vì khách hàng của anh chủ yếu trong ngõ nhỏ nên dùng xe ba bánh rất tiện, mà chạy trong ngõ ít bị kiểm tra xử lý. “Số xe của tôi không đăng kí với cơ quan nào cả, mua về rồi thuê người chạy luôn. Biết thông tin, sắp tới thành phố ra quân xử lý dứt điểm xe ba bánh nên tôi đang tính bán đi để mua một xe tải loại nhỏ chạy cho đúng quy định”, người này cho biết thêm.
Nhận xét về xe ba bánh, chị Nguyễn Mai Anh (quận Đống Đa - Hà Nội) cho biết, mỗi khi ra đường chị sợ nhất là di chuyển gần những chiếc xe ba bánh chở hàng cồng kềnh vì có cảm giác như đang “đánh cược” tính mạng của mình. Chị Mai Anh nhớ lại, cách đây hai năm khi đang đi làm, đến đường Phạm Hùng, chị chạy sau một xe ba bánh, trên xe chở các thanh sắt nhô dài ra phía sau. Đang chạy thì chiếc xe đột ngột rẽ vào ngõ mà không có tín hiệu thông báo, các thanh sắt quẹt vào xe khiến chị ngã ra đường trầy xước chân tay, phải nghỉ việc mất một tuần. Người lái chiếc xe cũng chỉ xuống xin lỗi rồi bỏ đi. Sau lần đó, chị Mai Anh rút kinh nghiệm, cứ ra đường là tránh xa các loại xe ba bánh, bất kể họ chở hàng gì.
Anh Phạm Minh Thái (quận Nam Từ Liêm) cũng có kỉ niệm đáng nhớ với loại xe tự chế này. Anh Thái cho biết, nhiều lần tham gia giao thông anh gần như phát điên với những chiếc xe ba bánh, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Đường tắc mà những xe này vẫn cố len lỏi, lạng lách rồi bấm còi để xin vượt mặc mọi người la ó. “Có lần đang tắc đường nghiêm trọng mà một chiếc xe ba bánh vẫn cố leo lên vỉa hè rồi quay đầu chạy ngược chiều để rẽ vào đường khác. Thấy vậy tôi liền nhắc nhở thì lái xe sừng cồ mắng mỏ, còn định lao vào hành hung. Không biết có phải thương binh thật không nhưng cư xử như thế thì không thể chấp nhận được”, anh Thái kể. Nhiều người dân khác khi được hỏi cũng bày tỏ mong muốn Thành phố sớm giải quyết dứt điểm tình trạng xe ba bánh tự chế hoạt động tràn lan, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chỉ những xe nào đủ điều kiện mới cho phép hoạt động.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, chủ trương của thành phố là tạo điều kiện cho các thương binh có công ăn việc làm. Nhưng các thương binh đó phải ở trong các Công ty có đăng ký của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, chứ không phải cá nhân tự phát triển xe ba bánh lưu thông. Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua, rất nhiều đối tượng đã giả danh thương binh, chạy xe ba bánh, vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, gây ùn tắc và tai nạn giao thông.
Trả lời PV, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, năm 2016, Công an các cấp của TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý trên 6900 xe ba bánh, 4 bánh, phạt tiền trên 2,7 tỷ đồng. Cùng với đó là thực hiện tịch thu, tiêu hủy 342 xe ba bánh các loại. Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho rằng, mặc dù lực lượng chức năng đã ra quân, quyết liệt xử lý xe ba bánh, nhưng tình hình vẫn còn phức tạp, nhất là tình trạng giả danh thương binh. Ngoài ra, Giám đốc Công an Hà Nội còn thông tin, khi bị lực lượng chức năng tiến hành thu giữ xe, có hàng trăm thương binh, bệnh binh đến gây áp lực.