Ở Hà Tĩnh, mùa mưa lũ trùng với thời điểm người nông dân thu hoạch lúa. Có những lúc người dân ở đây phải chạy đua cùng lũ, dầm mình trong dòng nước xiết cứu lúa cho kịp. Người nông dân ở xã Đức Liên (Vũ Quang, Hà Tĩnh) còn vất vả hơn thế, khi ruộng đồng cách làng xóm một con sông rộng.
Mỗi khi mùa gặt về, họ phải tự chế ra xe bò, bọc tấm bạt lớn, buộc thêm vài cái can hoặc hộp xốp to để làm phao chở lúa qua sông. Nhà có trâu thì cả trâu và người cùng bĩ bòm kéo lúa về trong dòng nước lũ, hoặc một người, một bè lúa chênh vênh trên dòng nước xiết.
Ông Trần Văn Linh, một người dân xã Đức Liên cho hay: "Không có cầu nên người dân ở đây phải chật vật lắm. Qua sông chỉ có một chiếc đò nhỏ cũ lắm rồi. Mùa màng như thế này, 3h sáng là phải dậy để chen chân nhau qua đò. Nhiều lần đò chìm nhưng may đa số dân ở đây đều biết bơi".
|
Người nông dân bọc lúa lại trong một tấm bạt lớn để đưa lúa qua sông. |
Chị Trần Thị Trung, người dân thôn Bình Quang, xã Đức Liên cho biết, từ nhà chị tới đồng ruộng sản xuất phải đi quãng đường gần 4 km, nhưng vất vả nhất là đoạn qua sông Ngàn Sâu dài 200 m, có hôm nước sông lên sâu từ 3-5 m thì đi lại rất khó khăn. Một sào lúa gặt xong ngoài đồng phải mất ngày rưỡi mới vận chuyển về được đến nhà.
“Người đi làm thì có thể đi đò nhưng trâu, bò phải bơi qua sông. Lúc về chở theo hoa màu đành bọc bạt kín buộc lên xe bò, xung quanh xe buộc các can nhựa cho xe nổi trên mặt nước, rồi cho trâu kéo xe bơi qua sông.
Nhiều lúc nước lớn chảy xiết, cả xe và trâu bị nước cuốn trôi, lật úp, hoa màu ướt sạch. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa đông cả người và trâu phải ngâm mình dưới nước rất khổ. Người dân ở đây rất mong có được cây cầu nhưng không biết giấc mơ này khi nào thành hiện thực”, chị Trung nói.
|
Xe trâu cõng lúa vượt sông Ngàn Sâu. (Ảnh: Dân Việt) |
Đã nhiều năm đi học xa nhà nhưng anh Trần Quốc Oai - sinh viên trường Học viện An ninh Nhân dân vẫn nhớ như in hình ảnh người dân quê chật vật qua sông: “Mùa đông thì lạnh tầm 10 độ mà đi làm vẫn thế. Khổ nhất là mấy đứa học sinh ở bên kia sông, mùa mưa lũ phải nghỉ học suốt. Học sinh cấp 1, 2 thì được nghỉ học, còn cấp 3 thì khoẻ hơn nên đi bộ men dọc đường tàu tận 10 km để tới trường".
"Hầu như năm nào cũng có tai nạn nhiều người chết, cách đây mấy năm có vụ chìm đò 3 cảnh sát làm nhiệm vụ chết, năm nào cũng có học sinh ra đi. Chính anh trai em ngày xưa cũng bị đuối nước trên con sông này. Bởi vậy mỗi lần đi qua sông em luôn bị ám ảnh", Quốc Oai ngậm ngùi chia sẻ.
|
Đôi chân rớm máu của người nông dân trong vụ thu hoạch lúa ở xã Đức Liên. |
Những người cả đời sống bên dòng sông Ngàn Sâu, năm nào đến mùa lúa – mùa lũ đều chở lúa theo cách này. Biết là nguy hiểm, vất vất, nhưng đã quá quen với công việc nên họ cũng chẳng nề hà. Thậm chí, quanh bờ sông còn vang lên những tiếng cười giòn tan xua hết mệt mỏi, lo lắng của người dân.
Trả lời PV, ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Đức Liên chia sẻ: “Toàn xã có 300 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng bên kia sông chiếm 200 ha nên người dân qua sông rất vất vả. Trước đây, nông dân vận chuyển bằng thuyền nhỏ nhưng hiện nay họ đã sáng tạo hơn là dùng bạt để bọc nông sản trên xe rồi kéo qua sông khá tiện”.
“Vào vụ thu hoạch, ở bến đò sẽ thấy hàng loạt chiếc xe trâu kéo lúa qua sông chẳng khác gì cảnh xe tăng lội nước khi tập trận. Chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị nhà nước đầu tư xây cho cây cầu nhưng chưa biết khi nào có được”, ông Hùng nói.
Được biết, khúc sông Ngàn Sâu này có chiều rộng 210 m, nơi sâu nhất là hơn 5 m. Năm 1946, đoạn sông này xảy ra vụ lật đò làm 30 người chết. Mới đây nhất năm 2011, xảy ra vụ lật đò làm 3 chiến sĩ công an đang trên đường đi làm nhiệm vụ hy sinh.