Xây dựng chùa khủng, công trình phá cảnh quan di sản “nóng nhất” 2019

Google News

(Kiến Thức) - Việc cấp đất xây dựng hai ngôi chùa “khủng” Tam Chúc, Bái Đính và hàng loạt công trình xây dựng có nguy cơ phá nát cảnh quan di sản miền núi như Mã Pì Lèng Panorama, Khu du lịch tâm linh Lũng Cú, thang máy Đồng Văn... là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận trong năm 2019.

Bộ TN&MT công bố thông tin sốc dự án chùa Bái Đính, Tam Chúc
Tháng 8/2019, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã ký văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn hecta đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… để doanh nghiệp xây chùa.
Trước đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu câu hỏi chất vấn và đề nghị làm rõ căn cứ cho việc cấp hàng ngàn hecta đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng... để doanh nghiệp xây chùa Bái Đính, Tam Chúc.  
Đối với dự án Khu núi chùa Bái Đính, Bộ TN&MT cho biết, từ năm 2006 đến năm 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 9 quyết định thu hồi diện tích gần 520 hecta đất (chiếm 51,5 % so với quy hoạch được duyệt).
Giao đất cho 3 cơ quan gồm: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở VHTTDL) hơn 495 hecta để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 hecta để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn hơn 4 hecta để mở rộng khu dân cư hiện hữu.
Xay dung chua khung, cong trinh pha canh quan di san “nong nhat” 2019
 Chùa Tam Chúc.
Tuy nhiên, việc giao đất cho 3 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.
Bộ TN&MT cũng khẳng định, việc giao đất ở dự án chùa Tam Chúc “còn chưa rõ ràng”. Cụ thể, từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao và giao toàn bộ diện tích 815,1 hecta nói trên cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc theo dự án được duyệt.
Trong đó, Quyết định số 1364 ngày 04/11/2008 cho doanh nghiệp này thuê đất với diện tích hơn 500 hecta, thời hạn 50 năm. Quyết định số 1380 ngày 09/11/2011 giao hơn 300 hecta đất, hình thức giao đất để quản lý và đầu tư xây dựng khu du lịch, nhưng không yêu cầu phải bàn giao lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng.
“Các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại)”- Bộ TN&MT cho biết.
Mã Pí Lèng “bốn không” phá cảnh quan một trong “tứ đại đỉnh đèo”
Công trình Panorama ở Mã Pí Lèng, Hà Giang cũng là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận trong năm 2019 khi xây dựng “bốn không”: Không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định của Bộ VHTT&DL.
Trách nhiệm khi để công trình trên “mọc lên” phá cảnh quan danh thắng, di sản được cho thuộc về chủ đầu tư xây dựng công trình, trách nhiệm của UBND huyện Mèo Vạc khi không ngăn chặn kịp thời việc xây dựng, UBND tỉnh Hà Giang cũng có trách nhiệm trong tổ chức quy hoạch của khu vực di sản và lân cận, xác định rõ khu nào không được xây dựng, khu nào xây được để phục vụ du khách và trách nhiệm của Bộ VHTTDL.
Ngày 8/10, UBND tỉnh Hà Giang có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trái phép tại đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.
Báo cáo nêu rõ, công trình này nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo Điều 36, Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Xay dung chua khung, cong trinh pha canh quan di san “nong nhat” 2019-Hinh-2
 Mã Pì Lèng Panorama.
Về hồ sơ công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng. UBND tỉnh Hà Giang xác định trách nhiệm ban đầu thuộc UBND huyện Mèo Vạc trong công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng. Để xác minh cụ thể vụ việc trên, hiện UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra công trình xây dựng tại khu vực Mã Pì Lèng, yêu cầu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 9/10/2019.
Quan điểm và phương hướng giải quyết vấn đề này của UBND tỉnh Hà Giang là không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của pháp luật.
Liên quan vụ việc này, Bộ VHTTDL khẳng định, cho đến trước khi vụ việc trở nên “nóng” trong dư luận, Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.
Trong Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VHTTDL khẳng định công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là sai phạm cần được xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước.
Bộ VHTTDL thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến công trình Panorama. Bộ đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang. Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay công trình trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Sai phạm tại dự án Khu du lịch tâm linh Lũng Cú, thang máy Đồng Văn
Hai dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú và dự án thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn cũng khiến dư luận lùm xùm vì phá vỡ cảnh quan di sản.
Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú 800 tỷ đồng đang được chủ đầu Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hà Giang rầm rộ triển khai xây dựng trên diện tích quy hoạch 75ha tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) với 4 hạng mục công trình như khu tâm linh, khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng, khu cột cờ, khu đặt đại tượng Phật. Đáng chú ý, trong đó là 2 hạng mục chính gồm khu tâm linh chùa Lũng Cú rộng 70,5ha và khu đại tượng Phật diện tích 4,5ha.
Dự án “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” với siêu thang máy cao 102 tầng, diện tích lòng thang 15m2 đang được triển khai xây dựng gần chính giữa vách đá Đồn Cao bị UBND huyện Đồng Văn tạm đình chỉ thi công với lý do, công trình chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục, hồ sơ đầu tư dự án theo quy định.
Ngày 25/10, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 4316/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Tạ Quang Đông ký gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc kiểm tra hai dự án trên. Trong đó, Bộ VHTTDL khẳng định, hai Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn đã được triển khai nhưng chưa tuân thủ 2 Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ VHTTDL.
Xay dung chua khung, cong trinh pha canh quan di san “nong nhat” 2019-Hinh-3
 Khu du lịch tâm linh Lũng Cú.
Bộ VHTTDL cho biết, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đề xuất được sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thuộc khoanh vùng bảo vệ II của di tích Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Vị trí của 2 dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, với các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua kiểm tra tình hình thực tế, 2 Dự án này đã được triển khai nhưng chưa tuân thủ 02 Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các văn bản nêu trên.
Sau đó, UBND tỉnh Hà Giang có hai báo cáo số 456/BC-UBND về tình hình triển khai thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú huyện Đồng Văn và Báo cáo số 457/BC-UBND về tình hình triển khai thực hiện Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn gửi Bộ VHTTDL.
Tuy nhiên, Bộ VHTTDL tiếp tục khẳng định, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú mặc dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của Di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú nhưng nằm trong khu vực cảnh quan chung của di tích. Đồng thời khẳng định,  Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú không thuộc các loại hình đã được xác định tại Quy hoạch phát triển du lịch và Quy hoạch xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn, Bộ VHTTDL thống nhất với quan điểm của UBND tỉnh Hà Giang về phương án xử lý đối với Dự án này, kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện Dự án để có phương án xử lý dứt điểm sai phạm, đảm bảo tuân thủ nghiêm pháp luật về di sản văn hóa, các văn bản pháp luật khác có liên quan và định hướng quy hoạch tại khu vực này.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm hàng loạt công trình dự án xây dựng sai phép, xâm phạm các di sản miền núi
Ngày 18/11, Văn phòng Chính phủ cho biết vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý thông tin báo chí nêu hàng loạt công trình dự án xây dựng sai phép, xâm phạm các di sản miền núi.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu xử lý thông tin báo nêu hàng loạt vụ việc xây dựng không phép, xâm phạm di sản miền núi nhưng các bộ, ngành đùn đẩy, không đưa ra giải pháp triệt để.
Thời gian gần đây, báo chí liên tục phản ánh tình trạng các công trình sai phép mọc lên giữa rừng núi, xâm phạm di sản miền núi như: Nhà hàng trên đỉnh Mã Pì Lèng, thang máy ở Đồng Văn, khu du lịch tâm linh Lũng Cú (Hà Giang) trạm dừng chân trái phép trên đèo Đại Ninh (Bình Thuận)… Những công trình, dự án này có nhiều sai phạm như chưa được cấp chứng nhận đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, nằm trong vùng bảo vệ di tích nhưng vẫn xây dựng khi chưa có ý kiến của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, xây dựng trên đất rừng...
Khi các vụ việc trên được dư luận, báo chí phản ánh lộ ra nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý như: Thiếu quy hoạch, thiếu văn bản quy định chi tiết quản lý vùng núi, vùng biển, vùng di sản, vùng có tiềm năng du lịch thì không thể quản lý các vùng thiên nhiên rộng lớn. Hàng loạt vụ việc xây dựng không phép, xâm phạm di sản miền núi nhưng các bộ, ngành đùn đẩy, không đưa ra giải pháp triệt để; cần sớm xây dựng quy hoạch tổng thể không gian vật thể.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hóa, thể thao và du lịch, Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, nghiên cứu, xử lý.
Mời độc giả xem video Panorama Mã Pì Lèng: Đập bỏ hay cải tạo?:

VTC14.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)