Xâm hại tình dục trẻ em: Cần thiến hóa học "yêu râu xanh"

Google News

(Kiến Thức) - Các em dù đã cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo… những đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả. Liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp? Liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác tiếp tục phạm tội bởi pháp luật không đủ xử lý và răn đe?

Sáng ngày 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cứ một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại
Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, thời gian qua vẫn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, trẻ bị xâm hại tình dục lên đến 6.432 em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại, 857 trẻ bị bạo lực (191 trẻ bị giết, 666 trẻ bị cố ý gây thương tích, hơn 100 trẻ là nạn nhân của tình trạng mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em...).
Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Xam hai tinh duc tre em: Can thien hoa hoc
 Cứ một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại. Ảnh minh họa.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Theo đó, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên; hình thức tuyên truyền chậm đổi mới; nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa thiết thực. Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu...
Góp ý cho báo cáo của đoàn giám sát, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) đã phải thốt lên rằng: "Đau đớn thay, phẫn nộ thay, những tưởng trẻ em chúng ta được an toàn trong vòng tay yêu thương của người thân thì vẫn còn trường hợp bà đang tâm giết cháu, mẹ cha giết con, ông cha thay nhau hãm hiếp con cháu, thầy cô xâm hại học trò… đủ dạng, đủ kiểu, đủ lý do. Nhưng tột cùng của nó là đạo đức xuống cấp, luân thường đạo lý đảo lộn, các giá trị nhân bản bị xem thường".
Đại biểu Mai đặt câu hỏi, giải pháp nào để người ta sống bằng phần người chứ không phải toàn phần con? và đề nghị xử lý gốc rễ của vấn đề là giáo dục ở cả 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.
"Mảng tối" đáng báo động
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) khi thảo luận về vấn đề trên đã thẳng thắn chỉ ra một thực trạng nhức nhối diễn ra nghiêm trọng đó là tình hình xâm hại trẻ em. Tình trạng này đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng cả gia đình và xã hội, không những ở vùng nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa mà ngay cả địa bàn kinh tế, xã hội đang phát triển cũng xảy ra.
“Những con số đau lòng sau đây cho thấy ‘mảng tối’ của công tác phòng chống xâm hại trẻ em là đáng báo động. Khi mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai" – đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Đồng Tháp nhấn mạnh, thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa đầy đủ xử lý nhất là các hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em. Công tác theo dõi thống kê chưa được đầy đủ, điều này phản ánh chưa đúng thực trạng trẻ em bị bạo hành và trách nhiệm của các ngành, các cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em không được quan tâm đúng mức.
Xam hai tinh duc tre em: Can thien hoa hoc
 Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: TTXVN
Theo đại biểu, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%. Có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ công chức viên chức người cao tuổi…
Nguyên nhân của tình trạng trên theo đại biểu Hòa là do tác động, mặt trái của kinh tế thị trường, sự sụt giảm nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân, tình trạng lạm dụng rượu, bia chất kích thích chưa được ngăn chặn hiệu quả, phim bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại trên trạng mạng xã hội, internet tràn lan cũng tác động rất tiêu cực cho trẻ em, biết độc hại mà vẫn có một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên hiếu kỳ, tìm hiểu, lâu dần bị tiêm nhiễm. Nhiều bậc cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc, chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em về ý thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại.
"Khi trẻ em bị xâm hại, việc đưa trẻ đi giám định, hoặc đến cơ quan chức năng trình báo vụ việc chậm trễ và đưa trẻ đến cơ sở y tế khám sức khỏe khi bị xâm hại trước khi báo cho cơ quan chức năng biết vụ việc. Thời gian dài nên làm thay đổi dấu vết bị xâm hại rất khó khăn cho công tác giám định, gây khó cho công tác tư pháp, trước hết là giám định vì khi có kết quả giám định mới xử lý được tội phạm. Cũng có nhiều trường hợp tự thỏa thuận bồi thường thiệt hại với nhau nên không cho trẻ đi giám định y khoa. Có trường hợp bị hăm dọa, khống chế, dụ dỗ vật chất. Cá biệt có trường hợp lúc đầu trình báo với cơ quan công an, sau đó lại nộp đơn khiếu nại, tố cáo, không hợp tác với cơ quan điều tra vì nhiều lý do khác nhau..." – đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Hòa cho rằng, cần quy định trách nhiệm xử lý phải gắn trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp. "Nếu không, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em sẽ là hình thức, không cơ quan, tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm" – ông Hòa nói.
Cần áp dụng "thiến hóa học"
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói rằng, thực tế đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng; có những tội phạm tái phạm nhiều lần… khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc đơn cử như những vụ: ông nội, cha ruột xâm hại bé gái; vụ cháu gái gửi tâm thư tố cáo bị đối tượng 70 tuổi xâm hại hay những vụ bảo mẫu, thầy, cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian dài…
"Những vụ án đó thể hiện tính chất phức tạp, kéo dài. Các em dù đã cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo… những đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả, điều này khiến chúng ta không khỏi hồ nghi: liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp? Liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác tiếp tục phạm tội bởi pháp luật không đủ xử lý và răn đe?" - đại biểu Phương nói.
Nói về một số giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, đại biểu Phương kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như thiến hoá học, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm.
Xam hai tinh duc tre em: Can thien hoa hoc
 Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương.
"Hình thức “thiến hóa học” đã có nhiều nước trên thế giới làm, tôi suy đoán, nếu mình đưa hình thức này vào chế tài xử phạt thì ít nhất là sẽ giảm được 50% xâm hại tình dục trẻ em" – đại biểu Phương nói và cho rằng, các bộ ngành liên quan cần phải có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ bị xâm hại, cần phải có sự có mặt của bác sỹ tâm lý, người giám hộ. Đồng thời đề nghị, phải quan tâm đến vấn đề tổn thương đến sức khỏe và tâm lý của những trẻ em bị xâm hại.
Bên cạnh đó, cần tập huấn thường xuyên cho đội ngũ điều tra, kiểm sát, xét xử về nghiệp vụ, kỹ năng làm việc với trẻ em; đặc biệt, cần phải thống nhất quan điểm, lý do biện hộ cho hành vi xâm hại trẻ em như do nạn nhân ăn mặc hở hang hay do uống rượu say…
Theo đại biểu Phương, cần bổ sung quy định trong Luật Giám định tư pháp theo hướng việc giám định tư pháp với những vụ việc xâm hại trẻ em cần phải được đặc biệt quan tâm.
>>> Mời độc giả xem video Quốc hội giám sát việc phòng chống xâm hại trẻ em

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)