Chàng trai khởi nghiệp với nghề nuôi ong lạ, thu bạc tỷ
Với ít vốn liếng, anh Nguyễn Hữu Trực (29 tuổi, ngụ Ninh Thuận) quyết định đầu tư nuôi ong mật nhưng thất bại. Anh Trực cho biết, điều bất ngờ đã xảy ra khi những chiếc thùng nuôi ong mật bỏ phế ở góc vườn có một đàn ong mới vào làm tổ. Khi đàn ong này tạo mật, anh ăn thử và thấy có vị ngọt thanh khá lạ miệng. Anh quyết tâm tìm hiểu và nhân giống đàn ong này.
Đây là giống ong dú, một loài ong nhỏ như con ruồi, rất hiền vì không có nọc độc. Giống ong này rất dễ nuôi vì không cần cho ăn, chúng có thể tự bay đi rất xa để tìm kiếm hoa cỏ hút mật, đặc biệt là không ăn đường để tạo mật nên chất lượng mật rất tốt và người nuôi cũng không tốn kém chi phí mua đường.
|
Mật ong dú ăn khá ngon và bổ dưỡng (Ảnh: Dân Trí) |
Với hơn 400 đàn ong dú, năm 2021, anh Trực thu gần 100 lít mật. Anh còn thu về hơn 960 triệu đồng từ sản phẩm phấn ong, keo ong thô, thùng ong giống.
Lạ mắt với đàn trâu trắng muốt ở Quảng Nam
Đàn trâu này của ông Lê Văn Thanh (60 tuổi, trú huyện Phú Ninh, Quảng Nam). Báo Dân Trí cho hay, đàn trâu của ông Thanh có 7 con, trong đó có 6 con trâu trắng. Theo quan niệm dân gian, nhà nào nuôi trâu bạc (trâu trắng) sẽ xui xẻo. Nhưng với những nông dân có thâm niên hàng chục năm nuôi trâu như gia đình ông Thanh, trâu bạc là giống trâu quý, "là tiền, là bạc, là may mắn".
Giống trâu bạc được gia đình ông Thanh nuôi có màu trắng sáng hồng đẹp mắt. Đặc biệt, chân trâu khuỳnh ra, bước đi chắc mạnh, rất nhanh nhẹn. Mỗi con trâu đều được ông đặt một cái tên riêng để dễ phân biệt và gọi tên để chúng nghe lời mỗi khi cày bừa. Giá trâu trắng cũng ngang với trâu đen. Một con trâu lớn được bán từ 30-50 triệu đồng, nghé từ 15-20 triệu đồng.
'Săn' chuột núi 'khổng lồ' hiếm có ở ngoại thành Hà Nội
Đa phần người dân ở vùng núi Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) sống bằng nghề chèo đò đưa khách vãn cảnh Chùa Hương. Nhưng theo báo Dân Trí, vẫn có một số người cần mẫn sáng đi tối về, leo lên lưng chừng núi đặt bẫy săn loài chuột núi "khổng lồ".
|
Chuột núi có tai to, mỏng nhìn như mộc nhĩ |
Người đi đặt bẫy phải nắm được quy luật hoạt động, loại thức ăn nào chuột núi hay tìm đến, từ đó tìm ra đường đi lối lại để đặt bẫy.
Một con chuột núi có trọng lượng từ 0,4-0,5 kg. Chuột núi có tai to, mỏng nhìn như mộc nhĩ. Chúng thuộc dạng hiếm nên có giá rất cao, muốn thưởng thức loại chuột này phải đặt trước. Thợ săn chuột núi rao bán 90 nghìn đồng một con vẫn cháy hàng.
Loài cá kỳ lạ được ví như lộc trời ban cho người Tây Bắc
Loài cá sỉnh được người dân gọi là cá hồi Tây Bắc. Báo Dân Việt cho biết, cá sỉnh được sinh ra trên những ngọn thác cao và 2 năm sau khi vùng vẫy dưới những dòng suối nơi hạ nguồn, nó lại ngược dòng về nơi sinh ra để đẻ trứng tiếp tục giữ giống loài. Cá sỉnh trông gần giống loài cá trôi Ấn Độ nhỏ, điều khác biệt ở chỗ nó có môi đen xanh và dầy, mình thon dài, đầu nhỏ.
Những người đi bắt cá sỉnh ở cánh đồng Mường Lò giờ đây rất hiếm bởi vì loài cá này càng ngày ít đi, khó bắt. Do là loài cá hiếm, bán được giá rất cao nên cá đánh bắt về đều được các khu du lịch cộng đồng thu mua, chế biến giúp du khách biết đến một món ăn đặc trưng chỉ có ở Mường Lò.
Táo Nhật khổng lồ đổ về chợ Việt
Nói đến táo Nhật, nhiều người nghĩ ngay tới loại trái cây vô cùng đắt đỏ. Các loại táo có xuất xứ Nhật Bản có giá từ 1-1,5 triệu đồng/kg. Một số dòng táo Nhật không chỉ đắt đỏ bậc nhất thế giới mà còn vô cùng hiếm, muốn ăn cũng phải “xếp hàng” mua.
|
Táo Nhật khổng lồ (ảnh: ST) |
Song, vào dịp Giáng sinh năm nay, loại táo có tên Sekai ichi xuất xứ từ Nhật Bản đổ bộ thị trường Việt với mức giá rất bình dân. Điều khiến người tiêu dùng Việt thích thú là táo này quả siêu to, nặng trung bình từ 500-800g/quả, thậm chí có quả còn nặng 0,9-1kg. Táo Sekai ichi có giá từ 350.000-460.000 đồng/kg tuỳ loại. Đắt nhất là loại có trọng lượng từ 800g cho tới 1 kg/quả, có giá gần 700.000 đồng/kg.
Vườn lan rừng lớn nhất Việt Nam với 200 loại 'hiếm có, khó tìm'
Ông Đỗ Tuấn Hưng - chủ nhân Khu bảo tồn Troh Bư (tọa lạc tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, loài lan rừng có một vẻ đẹp kiêu sa, hoang dã với mùi hương rất thơm hiếm có loại hoa rừng nào sánh bằng. Thấy nhiều khu rừng bị khai thác để lấy đất phục vụ dự án, loài lan rừng có nguy cơ mai một, cách đây 26 năm, ông mạnh dạn mua 5ha đất tại huyện Buôn Đôn để trồng cây rừng nhằm tái sinh, bảo tồn loài lan rừng.
Theo năm tháng, vườn lan rừng của ông sinh sôi, nảy nở với trên 200 loài lan được cấy ghép vào trên 10.000 thân cây rừng, trong đó có nhiều loài lan quý hiếm. Vườn lan còn có khoảng 20 loài địa lan với khoảng 1.000 gốc trồng rải rác khắp và còn có khoảng 300 giống bản địa tái sinh tại chỗ. Năm 2017, khu bảo tồn này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) vinh danh "Bộ sưu tập lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam".
Biến gốc mai 'phế' thành những tác phẩm độc đáo, thu bạc triệu
Những cây mai tưởng như hết giá trị, bị chết ngọn, hỏng cành… được đôi bàn tay một nghệ nhân ở Bình Định hồi sinh, trở thành những tác phẩm bonsai độc đáo, giá trị. Nghệ nhân này là Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thị xã An Nhơn. Vườn mai của ông được đánh giá "khủng" nhất tại tỉnh Bình Định.
|
Tác phẩm mai bonsai "Cổng thành". |
Vườn mai của ông Hà khoảng 3.000 chậu bonsai với tuổi đời từ 7 năm đến hàng chục năm. Trong đó, nhiều gốc với dáng thế đẹp, độc lạ có giá trị lên đến vài trăm triệu đồng.
'Lão mai' dát 9 chỉ vàng lập kỷ lục của đại gia Đồng Tháp
Là một trong những tay chơi mai kiểng có tiếng ở làng hoa Sa Đéc, anh Vũ Đức Đông chia sẻ trên Dân Trí tác phẩm cây mai Tuệ Sâm dát vàng 9999 của anh đã giành được 4 kỷ lục trong nước và kỷ lục thế giới. Cây mai này được xem là một trong những cây mai độc lạ nhất Việt Nam.
Anh Đông cho biết, cây mai vốn có vết sẹo khá lớn. Nhằm che đi vết sẹo, anh nảy ra ý tưởng biến "khuyết điểm thành ưu điểm vạn người mê". Anh thuê thợ tạo hình kiểu chữ thư pháp sau đó dát thêm 9 chỉ vàng SJC. Không chỉ vậy, bộ đế của cây có hình dáng như một đứa bé được ôm trong lòng mẹ. Bộ rễ có 9 chi hệt như 9 con rồng, mỗi con có dáng hình khác nhau.
Quán phở đặc biệt của người Mông giữa lòng Hà Nội
Nằm trên con đường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), quán phở gà đặc biệt lúc nào cũng đông khách. Chủ quán là anh Ly Chẩn Trà người dân tộc Mông, gốc ở Quản Bạ, Hà Giang.
Anh Trà chia sẻ, bánh phở của cửa hàng làm từ 100% gạo nguyên chất. Điều đặc biệt, đây là quán phở duy nhất ở Hà Nội tự tráng bánh phở. Để làm được bánh phở tự tráng, phải trải qua nhiều công đoạn và sự khéo léo. Phở sạch sử dụng công thức gia truyền để tạo nên sợi phở mềm, ngon hoàn hảo. So với mua bánh phở mua sẵn, phở tự tráng chi phí đắt hơn rất nhiều.